e magazine
20/06/2024 07:00
Bài 1: Điểm tựa xanh miền biên ải

20/06/2024 07:00

Làm sao để bà con đồng bào dân tộc thiểu số dần xóa bỏ đi tập quán lạc hậu để xây dựng nếp sống mới, vận dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi… Đó chính là trăn trở của những người lính biên cương. Với mong muốn đó, nhiều đảng viên là cán bộ chiến sĩ của các đồn biên phòng đã được tăng cường cho các xã biên giới, gắn bó máu thịt với đồng bào dân tộc, đồng thời, nắm giữ những chức vụ quan trọng trong việc tham mưu, tuyên truyền, tham gia phát triển kinh tế cùng bà con thôn bản.

biên

Bài 1: Điểm tựa xanh miền biên ải

LTS: Ở bất cứ nơi nào, dù địa bàn xa xôi cách trở đến mấy, khi người lính mang “quân hàm xanh” đều tận tâm, tận lực cùng các cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố, xây dựng “thế trận lòng dân”, cùng Nhân dân vượt “nắng mưa, hiểm trở”, tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo thì ở đó có sức mạnh tổng hợp giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.

Như ở vùng cao biên giới Điên Biên, đời sống người đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều vất vả, thiếu thốn trăm bề. Do đó, để giúp bà con vơi đi phần nào khó khăn, các cán bộ chiến sĩ của Đồn Biên phòng Mường Pồn đã tích cực thực hiện chủ trương tăng cường xã để đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền, hỗ trợ Nhân dân trong mọi công tác từ: “Xoá trắng” đảng viên cho đến “gọi nước, dẫn điện” về bản, hướng dẫn bà con trong vùng tham gia trồng trọt, tăng gia phát triển sản xuất…

Bài 1: Điểm tựa xanh miền biên ải

Làm sao để bà con đồng bào dân tộc thiểu số dần xóa bỏ đi tập quán lạc hậu để xây dựng nếp sống mới, vận dụng khoa học kỹ thuật vào đời sống sản xuất… Đó chính là trăn trở của những người lính biên cương. Với mong muốn đó, nhiều đảng viên là cán bộ chiến sĩ của các đồn biên phòng đã được tăng cường cho các xã biên giới, gắn bó máu thịt với đồng bào dân tộc, đồng thời, nắm giữ những chức vụ quan trọng trong việc tham mưu, tuyên truyền, tham gia phát triển kinh tế cùng bà con thôn bản.

Bài 1: Điểm tựa xanh miền biên ải

Trong chuyến công tác ít ngày tại tỉnh Điện Biên, chúng tôi may mắn có dịp ghé thăm và làm việc tại Đồn Biên phòng Mường Pồn (huyện Điện Biên), để hiểu hơn về những nỗi gian truân, vất vả của những “công bộc” và bà con nơi đây.

Nằm cách Trung tâm TP Điện Biên Phủ 25km, Đồn Biên phòng Mường Pồn được giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ đoạn biên giới Việt Nam - Lào dài 41.740km, gồm 15 mốc giới, từ mốc quốc giới số 84 đến mốc quốc giới số 98.

Chiếc xe khách chở đoàn chúng tôi băng qua dải địa hình chủ yếu là đồi núi, vượt qua những dốc đèo nối tiếp nhau, những đoạn đường “xóc nảy” như “hành hạ” người trên chiếc xe. Nhiều đoạn cua gấp, khiến người ngồi trên xe nhiều lúc cảm thấy thót tim. Bù lại, giữa tiết trời ngày hè oi ả, xe càng lên cao, gió càng thổi lồng lộng và vô cùng mát mẻ, quanh co qua những con đường nhỏ, phía xa xa lấp ló 2 hàng cây ban, cánh cổng Đồn Biên phòng Mường Pồn hiện ra khang trang và rõ ràng hơn rồi đến khi hiện ngay trước mắt.

Dẫn chúng tôi tham quan, Thiếu tá Nguyễn Hữu Bang - Đồn trưởng Đồn Biên Phòng Mường Pồn chia sẻ, Mường Pồn là mảnh đất nhân kiệt, nơi đây, có anh hùng Bế Văn Đàn đã hy sinh trong trận huyết chiến tháng 12/1953, giờ là cánh đồng “bờ xôi ruộng mật” dưới chân núi Pú Đồn (núi có đồn). Hàng cây “hoa ban biên giới” phía ngoài cổng kia chính do các đồng chí trong ban thanh niên của Đồn Biên phòng tự tay chăm sóc. Đợi đến tháng 3 năm tới, hoa ban sẽ bung nở, tạo nên một khung cảnh rất đẹp và thơ mộng.

Bài 1: Điểm tựa xanh miền biên ải

Thiếu tá Nguyễn Hữu Bang cho biết, Đồn Biên phòng Mường Pồn quản lý 2 xã gồm: Mường Pồn và Hua Thanh, có tổng 21 bản, 1.817 hộ/9.959 khẩu, gồm 4 thành phần dân tộc: Thái (chiếm 54,35%), Mông (chiếm 34.41%), còn lại là Khơ Mú và dân tộc Kinh.

Đồn Biên phòng Mường Pồn có 6 bản giáp biên gồm: Nậm Ty 1, Nậm Ty 2 của xã Hua Thanh và bản Pá Chả, cụm Huổi Ké (bản Lĩnh), Mường Pồn 1, Huổi Chan 1 của xã Mường Pồn.

Thực hiện chủ trương của Ban Bí thư về việc tăng cường Bộ đội Biên phòng tham gia cấp uỷ cấp xã biên giới, năm 2018, Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Phạm Trung Thành (SN 1977 tại Thái Bình) được điều động, tăng cường về làm Phó Bí thư Đảng uỷ xã Hua Thanh, đồng chí cũng là lớp cán bộ đầu tiên của Đồn mang trên vai xứ mệnh thiêng liêng này.

Suốt quãng thời gian “cắm bản”, đồng chí Phạm Trung Thành luôn trăn trở, đề xuất chỉ huy đơn vị triển khai các mô hình, chương trình hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống. Đồng thời, có nhiều cách làm thiết thực khác nhau để hỗ trợ Nhân dân.

Bài 1: Điểm tựa xanh miền biên ải

Đến nay, trải qua 6 năm bám địa bàn, dựa vào dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, nhờ sự đóng góp của đồng chí Thành và cả Ban Thường vụ Đảng ủy, các cấp chính quyền mà xã Hua Thanh đã có nhiều đổi mới và phát triển.

Chia sẻ với phóng viên, đồng chí Phó Bí thư xã tự hào giới thiệu, Đảng ủy xã Hua Thanh có 15 Chi bộ trực thuộc, trong đó có 10 Chi bộ thôn bản; 2 Chi bộ nhà trường, 1 Chi bộ Y tế, 1 Chi bộ Công an xã, 1 Chi bộ Quân sự xã với 155 đảng viên, toàn xã không còn tình trạng “trắng” đảng viên trên địa bàn mỗi bản.

Để có được kết quả đáng mừng đó, đồng chí Phạm Trung Thành và các cán bộ chiến sĩ biên phòng đã rất quyết tâm, nỗ lực giúp đỡ người dân trong mọi hoạt động, từ việc làm quen với lao động sản xuất, chủ động được lương thực, huy động nguồn lực, nhân lực khai hoang đến hướng dẫn bà con tăng gia phát triển sản xuất.

Từ những vụ mùa đầu tiên, cán bộ, chiến sĩ đã tích cực tập trung số đông đến vận động, giúp đỡ người dân trong xã Hua Thanh làm ruộng, gieo mạ, thu hoạch. Kết quả, năm 2023, diện tích lúa đông xuân (Chiêm xuân) đạt 127.5 ha, năng suất đạt 62.04 tạ/ha, sản lượng 791.01 tấn, đạt 110,87% so với kếhoạch huyện Điện Biên giao và đạt 114,6% so với Nghị quyết số 14 của Đảng uỷ xã Hua Thanh.

Diện tích lúa mùa, lúa nương đều vượt chỉ tiêu được giao và cho năng suất lớn. Ngoài ra, các loại cây nông nghiệp khác như khoai lang, rong riềng, sắn, các loại cây ăn quả… cũng đều cho năng suất vượt trội. Đặc biệt, dưới sự hỗ trợ của những người lính mang quân hàm xanh, người dân đã thành thạo trong công tác chủ động phun phòng khử trùng hóa chất, tiêm vắc xin… đảm bảo đề phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm phát triển, mang về số lượng vật nuôi lớn.

Đồng chí Phạm Trung Thành cho biết, trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chương trình giảm nghèo bền vững với tổng số vốn là 3,6 tỷ đồng đã được xã triển khai tại 5 cộng đồng dân cư cho 80 hộ dân, mỗi hộ dân được 2 con bò; 1 dự án đường nước sạch bản Xá Nhù với số vốn 127 triệu đồng; hỗ trợ nước sinh hoạt là 120 téc chữa nước cho 120 hộ với số vốn là 360 triệu đồng; vay vốn làm nhà ở 26 hộ với số tiền 1,04 tỷ đồng; hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi nghề cho 30 hộ với số vốn là 300 triệu đồng; 1 dự án đường liên thôn tại Bản Tâu 1 do huyện làm chủ đầu tư với số vốn là 1,59 tỷ đồng, đang chuẩn bị bàn giao vào sử dụng…

Bài 1: Điểm tựa xanh miền biên ải

Chia sẻ thêm với phóng viên, với gần 5 năm công tác trên địa bàn tỉnh Điện Biên, đồng chí Bùi Thế Hiền – Bí thư Đảng uỷ xã Hua Thanh cho rằng, việc đưa cán bộ biên phòng về góp sức xây dựng hệ thống chính trị nơi biên giới là một chủ trương đúng đắn của Đảng.

Với đặc thù đường biên giới dài nên việc tăng cường trực tiếp cán bộ biên phòng tham gia Ban Thường vụ và Phó Bí thư Đảng uỷ đã đáp ứng được nhiều mặt cho xã Hua Thanh trong việc cùng tham mưu cấp uỷ, tăng cường độ dày của cán bộ; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tạo thành sự đoàn kết thống nhất trong công tác bảo vệ, quản lý đường biên giới; đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội miền biên ải.

“Có thể nói, dấu ấn cán bộ biên phòng tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy xã trong cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương là nguồn cảm hứng, sự sáng tạo trong phương pháp tác phong công tác, gương mẫu, mô phạm từ lời nói đến hành động, tham mưu đúng chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời giúp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh… góp sức chuyển mình nơi biên giới”, đồng chí Bùi Thế Hiền nhấn mạnh.

Nói thêm với chúng tôi, Đại tá Lê Đức Nghĩa - Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên cho biết, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 có 29 cán bộ biên phòng tăng cường xã giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy và tham gia Hội đồng Nhân dân đã góp phần quan trọng trong giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri, vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Ngoài ra, việc phân công đảng viên thuộc các Đồn biên phòng tham gia sinh hoạt tại 83 chi bộ thôn, có 390 đảng viên gắn với địa bàn phụ trách 700 hộ gia đình ở các xã biên giới, nên đã kịp thời tham mưu, giúp cấp ủy Đảng, chính quyền địa xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh.

Bài 1: Điểm tựa xanh miền biên ải

Biên cương Tổ quốc là nơi có vị trí địa lý chiến lược đặc biệt quan trọng của quốc gia. Biên cương ổn định thì đất nước mới hòa bình, thịnh vượng, đời sống Nhân dân ấm no, hạnh phúc và ngược lại. Vì vậy, việc củng cố tổ chức cơ sở Đảng, phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên ở tuyến đầu Tổ quốc là mối quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước.

Với ý nghĩa to lớn đó, những người cán bộ tăng cường xã, thường xuyên thực hiện “3 bám, 4 cùng”, bằng những việc làm thiết thực đã đồng lòng hỗ trợ bà con dân tộc vùng cao biên giới trong công tác giúp xóa xã “trắng” đảng viên và củng cố cơ sở Đảng. Góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, xây dựng “thế trận lòng dân” ở khu vực biên cương.

Đồng chí Phạm Trung Thành chia sẻ: “Ban đầu chúng tôi cũng gặp nhiều trở ngại, khó khăn trong quá trình triển khai, vì vậy, các chiến sĩ biên phòng đã kiên trì bám đất, bám dân, “một tấc không đi, một ly không rời”, gắn bó với đồng bào các dân tộc.

Còn nhớ những ngày đầu mới triển khai về cơ sở, chúng tôi gặp trở ngại lớn khi các đoàn viên, thanh niên trên địa bàn hễ đến độ tuổi lao động thường tìm cách thoát ly khỏi địa phương, tới làm việc tại các khu công nghiệp, khu đô thị trong và ngoài tỉnh, lớp học sinh phổ thông cũng ít ai lựa chọn việc quay trở về công tác, làm việc tại xã...”.

Bài 1: Điểm tựa xanh miền biên ải

Đoàn công tác của Hội Nhà báo thành phố Hà Nội thăm, tặng quà các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Pồn.

Trong bối cảnh đó, đồng chí Phạm Trunh Thành và các cộng sự của mình đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng làm sao cho dân “dễ nghe, dễ hiểu”, thuyết phục Nhân dân bằng những hành động gắn bó mật thiết, vận động quần chúng đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống, xây dựng phòng tuyến Nhân dân bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới… đến nay cả 3 bản đều đã củng cố được các Chi bộ, tổ chức Đảng thấp nhất cũng kết nạp được 5 đảng viên.

Cán bộ, chiến sĩ biên phòng, với tinh thần hết lòng vì dân không chỉ kiên trì, nhẫn nại tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng mà còn tiến hành điều động đảng viên từ các cơ sở lân cận về làm việc trên địa bàn, tiếp đó, dần triển khai tìm nguồn đảng viên trong thôn bản.

Mặc dù vậy, do người dân còn ngại kết nạp đảng nên công tác tìm nguồn trong thôn bản đòi hỏi người cán bộ xã càng phải quyết liệt trong việc tuyên truyền, nhiều ngày liền bám trụ từng hộ dân, gia đình, xác định với họ về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kết nạp đảng trong giai đoạn hiện nay, theo tinh thần “ở đâu có dân thì ở đó có đảng viên”; coi công tác kết nạp đảng là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên...

Bài 1: Điểm tựa xanh miền biên ải

Sau khi xác định được đối tượng kết nạp, bước làm hồ sơ cũng được xem là khâu khó với cán bộ và người dân tại đây. “Hồ sơ đảng viên quan trọng nhất là cần đảm bảo tính chặt chẽ, nhưng bà con lại gặp nhiều vấn đề liên quan như: Không nhớ ngày tháng năm sinh, nơi cư trú, địa điểm di cư… chưa kể tình trạng mỗi giấy tờ lại viết một địa chỉ khác nhau, nên phải mất rất nhiều thời gian xác minh. Dù vậy, chúng tôi cũng hỗ trợ hết mình để người dân được đứng vào hàng ngũ của Đảng”, đồng chí Thành nói.

Khó khăn là vậy, nhưng được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của cấp trên, công tác tổ chức thực hiện đã phần nào được khắc phục, cải thiện. Đến nay, 10/10 bản của xã Hua Thanh đã có đủ đảng viên để thành lập Chi bộ.

Đại tá Nguyễn Thanh Dịu - Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên cho rằng, tăng cường cán bộ, đảng viên biên phòng về cơ sở đã kịp thời giúp các địa phương vùng biên giới nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cấp ủy cơ sở; khắc phục được những khó khăn, hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Đây cũng chính là giải pháp thiết thực trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

(Còn nữa)

Bài viết + Đồ họa: Quỳnh Giang

Quỳnh Giang