Đạo diễn Mai Thanh Tùng: Cùng mọi người hướng về cội nguồn trong những “Tết quê hương”
Chàng trai dân tộc Mông vượt khó làm giàu trên quê hương Xây dựng Nhà bia ghi danh liệt sĩ quê hương Thanh Hóa tại Quảng Nam |
Nơi những cảm xúc trào dâng
Thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới mang đến nhiều hy vọng và đổi thay, ai nấy đều mong muốn được sum họp bên gia đình, đặc biệt là hướng về nơi chôn rau cắt rốn, nơi có những người thân yêu của mình đang ở đó. Người may mắn thì được trở về nhà, hòa mình vào không khí Tết cổ truyền. Người không thu xếp được thì luôn canh cánh nỗi nhớ da diết về quê hương bản quán.
Thấu hiểu và đồng cảm với những tình cảm tha thiết ấy, “Tết quê hương” - chương trình đặc biệt đêm giao thừa là một món quà mà UBND các tỉnh gửi tặng đến người con xa quê vào mỗi dịp Tết đến xuân về. Đồng hành cùng chương trình này, đạo diễn Mai Thanh Tùng đã mang đến những câu chuyện Tết ấm áp và ngọt ngào như cách mà anh muốn sẻ chia cùng mỗi người con đất Việt đang ngày đêm hướng về nguồn cội.
Gói trọn tâm huyết của mình trong chương trình, đạo diễn Mai Thanh Tùng đã xây dựng kịch bản “Tết quê hương” rất chặt chẽ, sâu sắc. Ở đó, khán giả không chỉ được xem các phóng sự về thành tựu kinh tế, xã hội nổi bật của quê hương trong một năm mà còn là chương trình nghệ thuật với nhiều ca khúc mang âm hưởng mùa Xuân và đậm đà hơi thở quê hương. Bên cạnh những bài hát nổi tiếng, đi sâu vào tiềm thức của các thế hệ người Việt còn có những ca khúc được viết mới và những sáng tác về địa danh nơi chương trình được diễn ra. Mỗi tiết mục đều mang đến cho người dân địa phương niềm tự hào, phấn khởi và là món ăn tinh thần không thể thiếu trong “bàn tiệc” ngày Xuân.
“Tết quê hương” dường như trọn vẹn hơn, tròn đầy hơn khi có những hình ảnh được thực hiện tại nhiều điểm cầu khác nhau, là lời gửi gắm, chúc mừng, là nỗi thương niềm nhớ của những người con xa quê gửi về cội nguồn. Bởi vậy, chương trình thực sự mang đến cảm xúc rưng rưng trào dâng trong mỗi người. Chia sẻ về chuỗi chương trình này, đạo diễn Mai Thanh Tùng cho biết, anh gửi gắm những tình cảm sâu lắng vào từng chi tiết nhỏ nhất của kịch bản với mong muốn có được chương trình hoàn hảo nhất. Theo anh, đó không chỉ là công việc của một đạo diễn mà còn là niềm đam mê và sự đồng cảm với bà con xa quê hương. Đã bao năm qua, vào thời khắc giao thừa thiêng liêng, khi người người, nhà nhà sum vầy bên nhau thì anh và các cộng sự như những “người lính” lặng lẽ đứng sau sân khấu để mang niềm vui đến cho nhiều người. Âu đó cũng là cái duyên cái nợ với nghiệp mà anh trót “phải lòng”.
Sau nhiều năm làm chương trình cầu truyền hình giao thừa tại các địa phương, bắt đầu từ năm 2016, “Tết quê hương” được tổ chức tại Nam Định, quê hương anh và từ đó chương trình chính thức thuộc bản quyền của Mai Thanh Tùng. Những năm tiếp theo, “Tết quê hương” tiếp tục đến với Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam và được lãnh đạo các tỉnh cũng như Nhân dân hết sức ấn tượng.
Những cái Tết đầm ấm nơi quê hương bản quán
Bận rộn là thế nên Tết chỉ thực sự đến với đạo diễn Mai Thanh Tùng khi chương trình đã diễn ra thành công, tốt đẹp. Năm nào cũng vậy, khi mọi việc xong xuôi, anh đón chào năm mới thường là khoảng 4 giờ sáng tại nơi tổ chức chương trình như một điều “tất lẽ dĩ ngẫu” rồi sau đó mới quay về quê ở Nam Định. Có thể nói, những cái Tết của Mai Thanh Tùng luôn đến sau mọi người nhưng hạnh phúc thì không gì nói hết bởi những điều mà anh được nhận lại còn ấm áp và ngọt ngào hơn cả mâm cỗ cao đầy và những lời chúc tụng.
Kể về Tết quê hương Nam Định, Mai Thanh Tùng tâm sự, được đón Tết nơi mình sinh ra và lớn lên, anh như được trở về những cái Tết tuổi thơ đầm ấm. Giờ đây, công nghệ phát triển nhưng anh vẫn muốn tự tay nấu từng món cỗ truyền thống, đến từng nhà họ hàng, làng xóm chúc Tết. Anh muốn các con được thấm đẫm bầu không khí Tết cổ truyền quê hương với nét văn hóa, truyền thống, phong tục tập quán, gia phong của gia đình, dòng tộc, làng xã của mình. Điều này phải được tiếp nối mà mỗi thế hệ đều phải có trách nhiệm trao truyền, gìn giữ cho đời sau. Đó chính là gốc gác bồi đắp nên tâm hồn, cốt cách con người, quý giá vô cùng mà nếu để mất đi không cách gì lấy lại được.
Như bao người, Mai Thanh Tùng cũng rời quê thoát ly lập nghiệp ở thành phố lớn. Mặc dù bố mẹ anh đã mất từ lâu nhưng ngôi nhà xưa cũ vẫn được anh cải tạo, sửa sang và là chốn đi về. Vào những ngày lễ Tết hay khi rảnh rỗi anh lại đưa các con về thắp hương lễ ông bà tổ tiên, thăm hỏi họ hàng, tìm hiểu nghề biển, hiểu về những gian khó của cha ông khi xưa để thêm trân trọng những gì đang có ngày nay.
Ánh mắt Mai Thanh Tùng lấp lánh niềm vui khi kể ba cậu con trai của mình cũng rất thích thú khi được về quê, được tự tay trồng hoa, hái quả. Sống trong bầu không khí trong lành, mộc mạc của làng quê, gần gũi với thiên nhiên, anh tin các con mình sẽ biết yêu lao động, trân trọng cái đẹp, mang trong mình bản sắc quê hương và đặc biệt là sẽ trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội. Mỗi khi Tết đến xuân về niềm tin của Mai Thanh Tùng càng mãnh liệt bởi đó cũng chính là “trái ngọt” từ việc anh cùng các con luôn gắn chặt tâm hồn mình với đất mẹ quê hương.