Câu chuyện làm phim lịch sử của những đạo diễn tài hoa
"Đức Đen" trong "Đào, Phở và Piano": Tự hào và biết ơn Việt Nam Nữ đạo diễn phim “Những đứa trẻ trong sương” lọt top 20 gương mặt trẻ tiêu biểu |
Chung một ý tưởng
Nhiều bạn trẻ đã tỏ ra bất ngờ khi nhận ra sự liên kết mạch thời gian và câu chuyện giữa hai bộ phim cùng mang đề tài lịch sử. Được phát sóng lần đầu năm 1997, 'Bộ phim 'Hà Nội mùa đông năm 46' là một hành trình đầy cảm xúc đưa người xem trở lại những ngày cuối cùng trước khi - Bác Hồ phát đi lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vào ngày 19/12.
Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phim "Hà Nội mùa đông năm 46" được thủ vai bởi cố nghệ sĩ Tiến Hợi - người nổi tiếng với những màn hóa thân Bác Hồ qua nhiều bộ phim như Đêm Trắng, Vị Thánh Trong Mơ, Những Người Con Hà Nội... |
Tại những buổi chiếu phim hồi đó, nhiều khán giả nước ngoài cả lớn tuổi và trẻ tuổi đều bày tỏ sự thán phục với tài năng của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Đặc biệt, những khán giả lớn tuổi tại Pháp đã hết sức xúc động khi được chứng kiến cuộc chiến năm ấy được tái hiện lại qua màn ảnh. Có những người từng là lính chiến đấu trong quân đội Pháp thời kỳ xâm chiếm Việt Nam đã khóc khi nhìn lại một đoạn ký ức buồn, thương cảm cho nỗi đau của Nhân dân Việt Nam mà bản thân đã gây ra.
Để có được một tác phẩm điện ảnh bất hủ, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã dành hàng tháng trời để đọc thật kỹ những tư liệu lịch sử, hồi ký chiến tranh được ghi chép bởi cả Việt Nam và Pháp. Đồng thời, ông cũng mải miết đi tìm những nhân chứng lịch sử, lắng nghe câu chuyện của từng người rồi ghép những mảng màu sắc ấy lại. Qua đó, ông đã nắm được bức tranh toàn cảnh về thời kỳ lịch sử năm 1946 và cả tinh thần hòa bình nhưng rất đỗi kiên cường của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời điểm nước nhà lâm nguy.
Poster phim "Hà Nội mùa đông năm 46" |
“Những bức thư mà Bác Hồ gửi cho Jean Sainteny (đại diện chính phủ Pháp tại Đông Dương 1945-1946) thực sự là minh chứng cho tư tưởng ấy. Người nước ngoài thường có cái nhìn sai lầm về người Việt, họ nghĩ rằng chúng ta thích chiến đấu, nhưng thật ra không phải vậy. Đó chính là tư tưởng hòa bình mà bộ phim “Hà Nội mùa đông năm 46” đã lan tỏa và được đón nhận ở nhiều quốc gia như Pháp, Canada, và Ấn Độ, tạo được sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía khán giả” – đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ.
Ông Minh còn nhớ lại, khán giả Ấn Độ đã so sánh Chủ tịch Hồ Chí Minh với lãnh tụ tinh thần Mahatma Gandhi, với điểm chung là thái độ hòa bình và lòng yêu chuộng hòa bình, không muốn thấy bất kỳ ai phải đổ máu, phải chịu đựng nỗi đau dai dẳng của chiến tranh.
Gần 30 năm sau, bộ phim “Đào, Phở và Piano” không chỉ viết tiếp câu chuyện còn bỏ ngỏ của “Hà Nội mùa đông năm 46” mà còn thừa hưởng sự thành công của nó. Tác phẩm của đạo diễn Phi Tiến Sơn đã khuấy động các nền tảng truyền thông, mạng xã hội với sức nóng không tưởng.
Đạo diễn Phi Tiến Sơn đã khéo léo mượn bối cảnh của những ngày cam go trong chuỗi 63 ngày đêm để tạo nên một tác phẩm đầy cuốn hút - "Đào, Phở và Piano". Trong phim, tinh thần anh hùng và tinh thần lãng mạn được kết hợp một cách tinh tế, tạo nên một không khí đặc biệt mà người xem không thể không bị cuốn hút.
Phân cảnh Monsieur (me xừ) Phán chơi mạt chược cùng các cô đào trong phim "Đào, Phở và Piano" |
"Điều tôi thực sự ấn tượng nhất với bộ phim là sự tận hiến của mỗi nhân vật. Có người chọn thể hiện quyết tâm, mong muốn trả thù, khao khát được coi là anh hùng. Đó cũng là một loại tận hiến. Nhưng trong bộ phim này, sự tận hiến được thể hiện một cách chân thật và “con người” hơn chứ không chỉ là tuân theo ngôn ngữ của nghệ thuật. Điều đó làm cho câu chuyện trở nên gần gũi hơn và có thể dễ dàng lan tỏa vào lòng người xem," đạo diễn Phi Tiến Sơn chia sẻ.
Dù hai câu chuyện có nhiều khác biệt, nhưng điểm chung chính vẫn là tinh thần yêu chuộng hòa bình của người Việt Nam. Cả hai bộ phim đều nhấn mạnh vào sự tận hiến và lòng yêu nước của con người Việt Nam, từ chiến sĩ tự vệ cho đến những người dân vô danh cũng đều sẵn sàng hy sinh vì tình yêu đất nước cháy bỏng.
Khung cảnh thời chiến được tái hiện trong "Đào, Phở và Piano" |
Đạo diễn Phi Tiến Sơn hy vọng, khán giả sẽ có cái nhìn cởi mở hơn khi thưởng thức dòng phim lịch sử. Ông đã cảm thấy rất lo lắng khi quyết định làm một bộ phim chính sử, vì ông biết rằng dòng phim này thường bị nghi ngờ, phê phán, và thậm chí là bị can thiệp bởi các quan điểm chính trị, lối sống và cả lịch sử. Vì vậy, ông đã chọn kể câu chuyện về các nhân vật hư cấu, lấy cảm hứng từ sự kiện lịch sử, để tạo ra "Đào, phở và piano".
"Tất cả những nhân vật trong phim đều là hư cấu. Lý do tại sao có một nhân vật họa sĩ là vì vào thời điểm đó, chúng ta có những gương mặt nghệ sĩ nổi tiếng như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn... Các tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ thì luôn xuất hiện ở Hà Nội từ xưa đến nay và các tiểu thư Hà Nội cũng là một biểu tượng. Còn với hình ảnh ông giáo, cậu bé đánh giày thì thời đại nào cũng có, ở bất kỳ thành phố nào cũng có. Tóm lại, họ chỉ là những nhân vật đại diện. Quan trọng không phải là họ là ai, mà là cách họ sống trong hoàn cảnh đó," đạo diễn Phi Tiến Sơn chia sẻ thêm.
Phía sau những cảnh quay
Chia sẻ về quá trình thực hiện bộ phim “Hà Nội mùa đông năm 46”, họa sĩ Phạm Quốc Trung – con trai cố đạo diễn Phạm Kỳ Nam – nói: “Với vai trò thiết kế sản xuất của bộ phim, đoàn phim chúng tôi khi ấy đã phải dựa vào thực trạng bối cảnh có sẵn và chủ động cải tạo nhằm đáp ứng cho từng cảnh quay. Gần như để xây dựng phông nền phù hợp, chúng tôi đã phải làm tất cả mọi thứ từ con số 0”.
Khoảnh khắc lịch sử trong cuộc chiến 63 ngày (1946-1947) được lưu lại |
Ông Trung kể, ngày ấy, khi ông và đoàn phim đi tìm kiếm bối cảnh cho “Hà Nội mùa đông năm 46”, tòa nhà Bắc Bộ Phủ (Nhà khách Chính phủ ngày nay) là lựa chọn tiêu điểm đem đến màu sắc xưa cũ cho bộ phim. Nhưng vướng mắc xảy ra là khi họa sĩ Phạm Quốc Trung xin phép quản lý tòa Bắc Bộ Phủ bấy giờ cho phá bớt một vài chi tiết mặt tiền, sau đó đoàn phim sẽ phục hồi nguyên trạng để trả lại nhà nước nhưng đồng chí quản lý không đồng ý do đây là một kiến trúc mang ý nghĩa lịch sử lâu đời.
Đau đầu bởi bối cảnh dựng lên không được trọn vẹn đúng như ý muốn, ông Trung đã tính đến biện pháp sử dụng khói, lửa, những kỹ xảo thô để che bớt đi bối cảnh. Nhưng lại có một điều bất ngờ xảy ra khiến họa sĩ Phạm Quốc Trung vừa mừng vừa lo.
Tòa Bắc Bộ Phủ (Nhà khách Chính phủ) ngày nay từng bị đại bác xe tăng bắn hỏng cửa |
"Khi chuẩn bị những khâu cuối cùng để hoàn thành khung cảnh phim, hai chiếc xe tăng được cải tạo lại cho giống xe tăng Pháp đã được mang tới phim trường. Tuy nhiên, khi mọi người tập trung lại một chỗ để bàn cảnh quay đột nhiên nghe thấy một tiếng nổ rất lớn cùng tiếng đổ vỡ. Khói bụi mù mịt làm chúng tôi mất một lúc để nhận ra người phụ trách vận chuyển xe tăng đến đã thật sự bắn một phát pháo thẳng vào cửa chính Bắc Bộ Phủ. Cây cối tả tơi, cửa chính và một loạt cửa sổ tòa nhà đã vỡ tan với hàng trăm mảnh gạch, gỗ, kính nằm la liệt khắp nơi. Chủ nhiệm đoàn phim lo lắng chạy ra hỏi tại sao anh ta làm như thế. Người quản lý cho biết anh chỉ giữ lại 1/3 số thuốc pháo cần dùng cho một cú bắn rồi “bắn thử xem có nổ không?” để đảm bảo chất lượng đạo cụ cho đoàn phim thì xảy ra việc ấy”.
Họa sĩ Phạm Quốc Trung đã “ngẩn người” một lúc trước khi thốt lên: “Trời ơi, bối cảnh đây rồi. Trận chiến năm ấy đây rồi”. Ông cho biết, khung cảnh sau “tai nạn” hy hữu ấy lại mang màu sắc và tất cả các chi tiết, không khí cần thiết để thực hiện quay phim.
“Cũng bởi sự việc ấy mà “vô tình” chúng tôi lại được “ưu đãi” cho những cảnh quay tái hiện hết sức chân thật không gian của trận chiến bảo vệ Thủ đô mùa đông năm 1946” – ông Phạm Quốc Trung cho biết.
Cảnh trong phim "Hà Nội mùa đông năm 46" |
Còn đạo diễn Phi Tiến Sơn chia sẻ về những thách thức mà ông đã phải đối mặt khi thực hiện bộ phim lịch sử Đào, Phở và Piano. Khu phố cổ Hà Nội trong phim được tái hiện một cách hoàn hảo trên một khu đất trống tại doanh trại quân đội ở Vĩnh Phúc. Đội ngũ thiết kế mỹ thuật đã tạo ra một không gian sống động, với những con đường nhỏ, vỉa hè, và những bức tường đổ nát, tạo nên không khí đẹp mắt và chân thực. Họ còn xây dựng và sau đó phá hủy một số căn nhà, vẽ biển hiệu và tạo ra các vết sơn bong tróc và trầy xước, mang đến sự thật và phản ánh đúng đắn của thời đại. Các chi tiết như xe tăng, tàu điện cũng được chăm chút đặc biệt để tạo ra một không gian hoàn chỉnh và sống động.
Một chiếc xe tăng đạo cụ được đoàn phim "Đào, Phở và Piano" thiết kế thực hiện |
Đối với cảnh người lính thả pháo tép vào nồi gang để gây tiếng nổ, đạo diễn Phi Tiến Sơn đã tìm kiếm sự tư vấn từ một cựu chiến binh thời kỳ chống Pháp. Đội ngũ sản xuất đã tính toán cẩn thận để tạo ra hiệu ứng tốt nhất cho cảnh quay.
"Chúng tôi đã phải tính toán để tạo ra hiệu ứng tốt nhất cho hình ảnh và âm thanh. Họa sĩ thiết kế đã chọn nồi đồng vì đó là một biểu tượng đặc trưng của Hà Nội, không chỉ tạo ra âm thanh đặc biệt mà còn mang trong mình hồn cốt dân tộc. Nếu có ai nói rằng chúng tôi cần chứng minh rằng trong quá khứ, người dân đã làm như vậy, thì tôi cũng phải từ chối", đạo diễn Phi Tiến Sơn chia sẻ.
Đạo diễn Phi Tiến Sơn thị phạm cho các diễn viên |
Ông cũng nhấn mạnh, trong sản xuất phim lịch sử, việc tạo dựng bối cảnh hoàn toàn là cần thiết để đảm bảo sự sáng tạo của nhà làm phim. Tuy nhiên, ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam vẫn đang gặp khó khăn về kinh phí, nhân sự và vật liệu thiết kế đặc trưng.
Đạo diễn cũng lần đầu tiên nhắc đến những "hạt sạn" mà khán giả đã phát hiện như việc cục nóng điều hòa xuất hiện trong khung hình. Ông thẳng thắn thừa nhận: "Chúng tôi đã mắc phải nhiều lỗi, nhưng không tránh khỏi những "hạt sạn". Tuy nhiên, đoàn làm phim đã cố gắng hết sức và rất vui khi khán giả quan tâm và theo dõi. Điều này chứng tỏ rằng khán giả không chỉ hiểu biết về lịch sử mà còn quan tâm đến công việc của chúng tôi."