Chàng trai dân tộc Mông vượt khó làm giàu trên quê hương
Lối đi riêng
Trở về từ Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VI đã nhiều ngày nhưng A Dê vẫn cảm thấy rất xúc động. “Đây là lần đầu tiên mình được đến thăm quê Bác và tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa. Đặc biệt, mình được gặp nhiều bạn trẻ tài năng khác trên cả nước”, A Dê tâm sự.
A Dê sinh ra và lớn lên ở La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải, Yên Bái). Quê hương nghèo khó nên anh ước mơ có thể làm được điều gì đó để cải thiện điều này. Đây cũng là động lực để A Dê vươn lên trong học tập và thi đậu vào trường Đại học Kinh tế Thái Nguyên.
Tốt nghiệp ra trường, A Dê vào làm việc tại chi nhánh Viettel Mù Cang Chải. Tuy nhiên công việc bấp bênh, thu nhập không cao, cuộc sống cũng gặp nhiều khó khăn. Điều đó khiến anh trăn trở và càng muốn làm giàu trên chính quê hương, mảnh đất với tiềm năng du lịch rất lớn.
Giàng A Dê hướng dẫn du khách tham quan
Chỉ cần nói đến Mù Cang Chải, trong đó có La Pán Tẩn là người ta nghĩ ngay tới những kiệt tác ruộng bậc thang đẹp tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng. Đặc biệt, ruộng bậc thang ở La Pán Tẩn cùng với Chế Cu Nha, Dế Xu Phình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích danh thắng cấp quốc gia. Đây được coi là cơ sở tiền đề quan trọng để người dân xã La Pán Tẩn thay đổi cách nghĩ, cách làm kinh tế, trong đó có A Dê. Đó là khai thác những tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc để tạo ra các dịch vụ phát triển du lịch, trong đó có loại hình du lịch cộng đồng.
Ấp ủ dự án làm du lịch cộng đồng đã lâu, A Dê quyết tâm khởi nghiệp dù vấp phải không ít thách thức. “Mọi thứ vô cùng khó khăn, trước hết là huy động vốn. Mình vay mượn cả hai bên nội, ngoại, người thân và ngân hàng… được hơn 500 triệu đồng cho khởi nghiệp "Hello Mù Cang Chải", A Dê cho biết.
Không chỉ nguồn vốn, cơ sở vật chất cũng thiếu thốn. Ngay như con đường bê tông lên nhà trên đỉnh đồi dài khoảng 200m cũng do vợ chồng A Dê tự làm, xi măng mất khoảng 2 tấn, cát sỏi phải mua. Riêng đổ bê tông hai vợ chồng tự làm lấy mất 15 ngày, làm xong đoạn đường này, cả hai người đen nhẻm, gầy hốc hác.
Khó khăn vẫn chưa dừng lại, người Mông ở La Pán Tẩn, tập quán còn lạc hậu, số người biết tiếng Kinh đếm trên đầu ngón tay. A Dê đã phải kiên trì vận động, thuyết phục người dân bản cùng tham gia.
Xây dựng quê hương
Vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức, “Hello Mù Cang Chải” của vợ chồng A Dê ra đời ngay trên đỉnh đồi ở độ cao trên 1.000m. Với địa thế này, du khách có thể thỏa thích ngắm nhìn La Pán Tẩn, một kiệt tác thiên nhiên đẹp mê hồn, hùng vĩ với những ruộng bậc thang lên đến tận trời cao và được tận hưởng không khí trong lành.
Quê hương của chàng trai người Mông có khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp
Theo A Dê, phát triển dịch vụ là phải gắn với cuộc sống, sinh hoạt, phong tục, tập quán của người Mông thì mới đúng nghĩa của du lịch cộng đồng bền vững. Anh vừa làm vừa học, cái gì không rõ thì hỏi. Thậm chí anh học từ du khách rồi trên mạng internet.
“Quá trình khởi nghiệp, mình cũng nhận ra ngoài nguồn vốn còn ngôn ngữ giao tiếp là thách thức lớn. Trong điều kiện hội nhập quốc tế, khách nước ngoài đến Mù Cang Chải ngày một nhiều hơn và La Pán Tẩn không là ngoại lệ. Để giao tiếp được với họ là điều rất quan trọng quyết định sự thành bại của "Hello Mù Cang Chải", A Dê tâm sự.
Nhận thức rõ điều này, A Dê cùng vợ đã cố gắng sắp xếp công việc của "Hello Mù Cang Chải", vừa làm vừa học, tiếp tục cải tạo, tu sửa cảnh quan và vận hành. Du khách đến với mô hình của gia đình anh ngày càng đông hơn.
Thậm chí, khách du lịch nước ngoài đến họ nấu ăn, dạy tiếng Anh cho bà con dân bản, đi suối bắt cá, xuống ruộng cày, cấy mạ… Họ không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Mù Cang Chải mà còn trải nghiệm nhiều tập quán của người Mông.
Hoạt động của du khách khi đến với mô hình của chàng trai dân tộc Mông Giàng A Dê
Để các hộ kinh doanh homestay cùng phát triển bền vững, tháng 3/2019, tổ hợp tác du lịch cộng đồng do A Dê làm tổ trưởng đã hình thành với hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, thống nhất mức giá dịch vụ, san sẻ giới thiệu khách khi thiếu phòng.
Đầu năm 2020, A Dê nâng mô hình homestay của mình lên thành Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Hello Mù Cang Chải nhằm mục đích mở rộng hợp tác đón khách ngoại quốc. Đây cũng là hoạt động tạo nguồn khách ổn định, dồi dào cung ứng cho các homestay trong tổ hợp tác. Anh cũng liên kết với 13 hộ ở các bản Mông tham gia thiết kế đường leo núi, làm các dịch vụ vận chuyển đồ, hậu cần, phục vụ khách tham quan leo núi, ngủ rừng, trải nghiệm sinh hoạt cùng bà con bản Mông.
Không chỉ phát triển mô hình du lịch cộng đồng, A Dê và vợ còn mở lớp học tiếng Anh miễn phí cho 15 thanh niên với mục đích đưa họ trở thành những hướng dẫn viên địa phương trong thời gian tới. Anh cũng mở một tủ sách miễn phí với tên gọi “I Have A Book”, liên kết các tổ chức phi lợi nhuận như: KoTo và Sa Pa O Chau tuyển sinh các bạn thanh niên trong huyện. Hiện nay, 15 thanh niên đã có việc làm và có thu nhập tại các công ty như: Flamingo Đại Lải Resort, Lechamp Tú Lệ Resort, Tập đoàn Sun Group, Cosiana…
“Mình hy vọng những hoạt động này sẽ góp phần cải thiện đời sống của người dân La Pán Tẩn ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, từ việc làm của bản thân mình sẽ truyền cảm hứng để nhiều người Mông vươn lên thoát nghèo”, A Dê cho biết.