Đại học không phải là con đường duy nhất: Khi tư duy của người trẻ thay đổi

Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, trong số hơn 300.000 thí sinh trên cả nước, Hà Nội có 22.187 em không nhập nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học, cách biệt khá lớn với các tỉnh thành còn lại. Đây đều là những con số biết nói khi cho thấy một bộ phận thí sinh đã chủ động chuyển sang những ngã rẽ khác...
Độc đáo lớp học Lịch sử tại trường Đại học đầu tiên của Việt Nam Học phí Đại học tăng và câu chuyện “liệu cơm gắp mắm” Đoàn kết - khát vọng - bản lĩnh - sáng tạo - tiên phong

Đại học chỉ là con đường ngắn nhất

Tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, Nguyễn Huy Hùng (Thường Tín, Hà Nội) đạt 23,5 điểm (khối A01: Toán, Vật lý, Tiếng Anh). Sau khi biết điểm, nam sinh này quyết định không đăng ký xét tuyển đại học trên Hệ thống, với lý do số điểm này không thể giúp em trở thành sinh viên vào ngành Thương mại điện tử, Đại học Kinh tế Quốc dân – ngành học em mong muốn.

“Biết điểm xong thì em nhận thấy là mình không nên lãng phí thời gian và kinh tế khi số điểm em đạt được không có hy vọng đỗ ngành em muốn. Em chuyển sang hướng đi an toàn là học nghề. Em nghĩ rằng, đại học chỉ là con đường ngắn nhất, chứ không phải là con đường duy nhất để dẫn đến thành công. Em tin là bằng niềm đam mê cùng sự quyết tâm, bản thân có thể chinh phục được mục đích của mình.”, sĩ tử sinh năm 2004 cho hay.

Thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học trực tuyến
Thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học trực tuyến

Nguyễn Hoàng Anh, học sinh trường THPT Quang Trung (Đống Đa), đạt 26,5 điểm khối D trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Em hoàn toàn có cơ hội đỗ vào nhiều trường Đại học. Tuy nhiên, quyết định chuyển hướng sang học nghề của Hoàng Anh khiến nhiều người bất ngờ. “Dù thành tích học tập không tệ nhưng em không có hứng thú với việc học những phần lý thuyết dài dòng, sau đó rất khó áp dụng vào thực tế. Chính vì vậy, trường nghề sẽ là một lựa chọn phù hợp để em có thể áp dụng nhanh chóng kiến thức vào công việc sau này”, Hoàng Anh chia sẻ. Hiện tại, Hoàng Anh đã trở thành tân sinh viên K13, Khoa Điện – Điện tử, Trường Cao đẳng Nghề Công nghệ cao Hà Nội.

Có thể thấy, nhiều thí sinh đã nhận thức rõ về việc định hướng sau khi tốt nghiệp THPT. Dù điểm thi tốt nghiệp THPT của các em không thấp, các em không nhất thiết đặt tương lai vào cánh cổng Đại học.

Người trẻ đã có định hướng nghề nghiệp rõ ràng cho tương lai

Số thí sinh không tham gia xét tuyển đại học năm nay cho thấy các em đã có định hướng rõ ràng hơn trong việc lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai của mình. Theo GS. Phạm Tất Dong, cố vấn Hội Khuyến học Việt Nam, đây là tín hiệu tích cực khi nhiều bạn trẻ đã có những định hướng cho tương lai của chính mình.

Cũng theo GS. Dong, hiện nay nhu cầu về thợ lành nghề rất cao, do đó Đại học không phải con đường duy nhất để các bạn trẻ có thể lập nghiệp. Thay vào đó, nhiều em lựa chọn theo học các trường nghề, trường trung cấp cũng là điều tốt. Điều này không chỉ phù hợp với lực học của bản thân mà còn phù hợp với nhu cầu của xã hội, tránh gây lãng phí khi đào tạo ồ ạt cử nhân mà số lượng thất nghiệp cũng nhan nhản như thời gian qua.

Thợ tay nghề cao đang được săn đón trên thị trường lao động
Thợ tay nghề cao đang được săn đón trên thị trường lao động

Có thể nói, đầu ra có việc việc làm ngay đã được đông đảo học sinh tìm hiểu kỹ càng trước khi đăng ký xét tuyển. Theo thông tin từ TS. Trần Xuân Ngọc - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội, tính đến thời điểm này, trường có gần 200 thí sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT cao chính thức làm thủ tục nhập học tại trường. “Đây là một tín hiệu vui đối với nhà trường và hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN), thể hiện công tác hướng nghiệp, phân luồng ngày càng được chú trọng và đạt hiệu quả”, ông Ngọc nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm, TS. Ngọc cho hay, những năm trở lại đây, nhà trường liên tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp thể hiện ở việc cam kết có việc làm ngay sau khi sinh viên ra trường đã góp phần làm thay đổi nhận thức của phụ huynh và học sinh.

Đánh giá về lựa chọn theo học nghề thay vì học Đại học, GS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng, trước đây nhiều người quan niệm trượt Đại học mới chọn học nghề nhưng thực tế ngày nay cho thấy, không phải cứ học Đại học mới thành công. “Các em cần xác định rõ ngành nghề mình muốn theo đuổi, năng lực của bản thân, nhu cầu của xã hội và cả yếu tố tài chính của gia đình do xu hướng tự chủ Đại học, các trường sẽ tăng học phí từ năm học này và cả những năm sau. Lựa chọn học nghề ở bậc Cao đẳng, trung cấp hay sơ cấp cũng là một hướng đi, quan trọng là sự nỗ lực của người học sẽ làm nên thành công trong tương lai.”, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho hay.

Đình Trung
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động