Đại gia xăng dầu Petrolimex cũng gặp hạn vì Covid-19
Sau nghi vấn 'giấu lãi', cổ phiếu Petrolimex giao dịch ký quỹ trở lại Cổ phiếu bị cắt margin, vốn hóa Petrolimex "bốc hơi" hàng nghìn tỷ đồng |
Công ty CP Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy bức tranh kinh doanh của nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất Việt Nam đi xuống một cách tệ hại.
Theo đó, trong bối cảnh giá xăng giảm kỷ lục trong thời gian qua, doanh thu thuần của Petrolimex giảm 8% so với cùng kỳ, ghi nhận 38.478 tỷ đồng trong quý 1/2020. Sau khi trừ đi giá vốn hàng bán, doanh nghiệp chỉ còn vỏn vẹn gần 450 tỷ đồng lợi nhuận gộp.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Được biết, ngoài việc phải ghi nhận giá vốn cao do sử dụng tồn kho xăng dầu đã tích trữ từ trước, Petrolimex còn phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho gần 1.600 tỷ đồng.
Kết quả, Petrolimex ghi nhận lỗ ròng đến 1.893 tỷ đồng trong quý 1/2020, trong khi cùng kỳ năm trước lãi trên 1.200 tỷ đồng.
Theo giải trình của Petrolimex, nguyên nhân lỗ nặng ngoài do ảnh hưởng yếu tố giá dầu thế giới liên quan đến hoạt động kinh doanh còn do sản lượng xăng dầu bán ra trên toàn hệ thống giảm 10% so với cùng kỳ do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, lợi nhuận của một số công ty con thuộc tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực vận tải, gas, hóa dầu... sụt giảm so với cùng kỳ ở các mức độ khác nhau theo ảnh hưởng chung của nền kinh tế khi dịch Covid-19 có xu hướng phức tạp vào giai đoạn cuối quý 1/2020.
Trong quý 1/2020, việc tăng cường trả nợ người bán khiến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm tới 1.970 tỷ đồng. Tuy nhiên sự hụt đi của dòng tiền kinh doanh được bù đắp phần nào bởi dòng tiền đầu tư và dòng tiền tài chính nên tiền và tương đương tiền cuối kỳ của Petrolimex vẫn ở mức trên 10.600 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/3/2020, giá trị tài sản ngắn hạn của Petrolimex ghi nhận ở mức 31.940 tỷ đồng, giảm khoảng 18% so với hồi đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho chiếm hơn 6.759 tỷ đồng, giảm gần 43% so với cùng kỳ.
Cũng tại thời điểm cuối tháng 3/2020, Petrolimex ghi nhận khoản nợ phải trả lên tới 33.118 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu chỉ 21.959 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của Petrolimex hiện ở mức 1,5 lần; trong khi tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu là 0,74 lần.