Đại biểu Quốc hội quan tâm đến thu hút nhân tài cho Thủ đô

Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan tâm đến các quy định về đối tượng thu hút, chế độ đãi ngộ nhân tài...
Cần thể chế thuận lợi, phân cấp mạnh mẽ nhất cho Thủ đô Chính sách ưu đãi vượt trội cho phát triển văn hóa Thủ đô

Cần tiêu chí rõ ràng, rành mạch để thu hút nhân tài

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, thời gian qua có nhiều chương trình hỗ trợ học sinh, sinh viên ra nước ngoài học tập nhưng khi về không làm được việc hoặc có những người học xong không quay trở lại làm việc trong nước mà ở lại nước ngoài.

Do đó, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng cần có những tiêu chí rõ ràng, rành mạch để thu hút và dựa vào đó để quy định những chính sách cho nhân tài của Hà Nội, tránh “tiền mất, tật mang”, bị phản tác dụng.

Cùng cho ý kiến về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), một số đại biểu Quốc hội bày tỏ quan tâm với các quy định về đối tượng thu hút, chế độ đãi ngộ nhân tài, như tuyển dụng không qua thi tuyển, bổ nhiệm lãnh đạo; được đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại đơn vị sự nghiệp công lập...

Đại biểu Quốc hội quan tâm đến thu hút nhân tài cho Thủ đô
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)

Đại biểu Nguyễn Hải Anh (đoàn Đồng Tháp) nêu rõ, Thủ đô muốn phát triển thì không thể tách rời với các địa phương, thành phố trong cả nước, đặc biệt là tỉnh lân cận.

Trong khi đó, tại Điều 19 dự thảo luật quy hoạch xây dựng phát triển Thủ đô chỉ nêu là gắn với quy hoạch chung của Thủ đô.

Mặt khác, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ cũng có Quyết định số 768 về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, với phạm vi gồm toàn bộ ranh giới của Thủ đô Hà Nội và 9 tỉnh xung quanh. Do đó, đại biểu Nguyễn Hải Anh đề nghị, cần cân nhắc tính toán lại để phù hợp hơn.

Chính sách ưu đãi đặc biệt với người có tài năng

Đại biểu Nguyễn Hải Anh cho rằng, trong dự thảo luật còn thể hiện khá khiêm tốn, chưa cho thấy mong muốn khuyến khích tuyển dụng nhân tài của Thủ đô Hà Nội.

Ông Nguyễn Hải Anh cho rằng, trong dự thảo luật mới nêu ra các thủ tục, quy trình về mặt hành chính để một người nào đó có thể có những tài năng, thế mạnh nhất định thì sẽ được xét tuyển, ký hợp đồng.

Đại biểu Quốc hội quan tâm đến thu hút nhân tài cho Thủ đô
Đại biểu Nguyễn Hải Anh (đoàn Đồng Tháp)

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Hải Anh đề nghị cần điều khoản ghi rõ và khẳng định Hà Nội mời, khuyến khích, trọng dụng và chính sách ưu đãi đặc biệt đối với những người có tài năng, có nguyện vọng cống hiến, làm việc tại các cơ quan thành phố.

"Có như vậy mới thể hiện được quyết tâm thu hút nhân tài của Thủ đô", ông Nguyễn Hải Anh nói.

Trước đó, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) cho rằng, trong dự thảo luật bên cạnh việc chú trọng làm rõ các chính sách, cơ chế đặc thù cũng cần quan tâm chỉ rõ quy định về thu hút nhân tài phục vụ sự phát triển chung của Thủ đô.

Nêu đề xuất cần có Quỹ phát triển nhân tài nhằm tận dụng nguồn lực chất lượng cao của cả thế hệ trẻ và đối tượng đã về hưu, đại biểu tỉnh Thái Bình đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu quy định rõ hơn về nội dung thu hút nhân tài.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, quy định của dự thảo luật chưa rõ mục tiêu phát triển nguồn nhân lực để phục vụ bộ máy của hệ thống chính trị thành phố Hà Nội hay là phát triển nguồn nhân lực nói chung, chưa lý giải rõ căn cứ để cấp kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cho các đối tượng như quy định.

Cùng mối quan tâm, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sử dụng, bổ nhiệm nhân tài sau khi đã vào làm việc trong hệ thống.

Ngoài việc ban hành các chính sách thu hút nhân tài thì chính quyền thành phố Hà Nội cũng cần quan tâm, có biện pháp chủ động tìm kiếm hoặc đào tạo, bồi dưỡng phát triển nhân tài từ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện có để đáp ứng nhu cầu của địa phương.

Hậu Lộc
Phiên bản di động