Chính sách ưu đãi vượt trội cho phát triển văn hóa Thủ đô

Theo ý kiến của đại biểu Quốc hội, trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có cơ chế đặc thù, vượt trội về bảo tồn di sản, hỗ trợ cho văn hóa phát triển, sáng tạo...
Nâng giá trị cho các không gian văn hóa sáng tạo ở Hà Nội Người trẻ Hà Nội góp phần chấn hưng văn hoá

Ưu tiên phát triển văn hóa, du lịch

Cho ý kiến vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) bày tỏ quan tâm đến quy định về bảo tồn di sản, hỗ trợ cho văn hoá, phát triển không gian sáng tạo, trung tâm văn hoá (Điều 23).

Theo đại biểu Hà, quy định này của dự thảo luật kế thừa nội dung tại Điều 11 của Luật Thủ đô hiện hành, thể chế hóa Nghị quyết 15-NQ/TW năm 2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó có quy định về việc ưu tiên phát triển văn hóa, du lịch của Thủ đô thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là du lịch văn hóa; đồng thời cụ thể hóa các mục tiêu về phát triển sáng tạo.

Theo báo cáo đánh giá tác động, công nghiệp văn hóa Thủ đô có những bước phát triển nhất định, đặc biệt số lượng di tích đứng đầu cả nước, với gần 6.000 di tích các loại, trong đó có 5 di sản thế giới, dẫn đầu về số lượng nghệ nhân trong cả nước trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được Nhà nước phong tặng.

"Trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có cơ chế đặc thù, vượt trội về bảo tồn di sản, hỗ trợ cho văn hóa phát triển, sáng tạo", đại biểu Nguyễn Thị Hà chia sẻ.

Chính sách ưu đãi vượt trội cho phát triển văn hóa Thủ đô
Đại biểu Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh).

Nữ đại biểu cho rằng, các hoạt động đầu tư cho văn hóa chưa có ưu đãi đặc thù vượt trội để thu hút đầu tư từ vốn tư nhân, như triển khai các dự án phim trường, khu vui chơi lớn.

Do vậy, dự thảo luật cần có quy định tạo điều kiện để Hà Nội có thể hình thành một hoặc nhiều trung tâm công nghiệp văn hóa, với ưu đãi trong tiếp cận đất đai, đầu tư để thu hút nguồn vốn tư nhân.

"Những trung tâm công nghiệp văn hóa không chỉ tạo cơ hội để người dân được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ, sản phẩm chất lượng cao mà sẽ là nơi để sáng tạo nghệ thuật để có tác động lan tỏa tới công tác bảo tồn, gìn giữ và phát triển văn hóa của cả nước", bà Hà chia sẻ.

Băn khoăn quy định chế độ tài chính y tế

Về phát triển y tế Thủ đô và chăm sóc sức khoẻ Nhân dân (Điều 27), đại biểu Nguyễn Thị Hà cho biết, tại điểm a khoản 3 Điều 27 của dự thảo luật quy định: “HĐND TP Hà Nội quy định chế độ tài chính, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình”.

Chính sách ưu đãi vượt trội cho phát triển văn hóa Thủ đô
Băn khoăn việc cho phép được sử dụng nguồn kinh phí từ Quỹ bảo hiểm y tế để chi trả cho khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình và cấp cứu ngoại viện trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Trong khi đó, tại Điều 110 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định: "Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định phương pháp định giá đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; quy định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc danh mục do Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán, giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do ngân sách Nhà nước thanh toán, giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc danh mục do Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán, mà không phải là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế và các bộ khác; HĐND cấp tỉnh chỉ quy định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh về các nội dung nêu trên áp dụng đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn quản lý thuộc phạm vi được phân quyền nhưng không được vượt quá giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tương ứng do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định".

Trên cơ sở đó, đại biểu Nguyễn Thị Hà đề nghị làm rõ nội dung chế độ tài chính được HĐND TP quy định và mối liên hệ với phương pháp định giá và mức giá trần do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định để bảo đảm tính minh bạch, khách quan trong quá trình thực hiện.

Ngoài ra, Luật Bảo hiểm y tế hiện hành không quy định dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình và cấp cứu ngoại viện thuộc phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế.

Trong khi đó, tại khoản 4 Điều 27 của dự thảo luật lại cho phép được sử dụng nguồn kinh phí từ Quỹ bảo hiểm y tế để chi trả cho các dịch vụ này trên địa bàn thành phố Hà Nội là chưa bảo đảm nguyên tắc mọi người dân đều được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia bảo hiểm y tế và thụ hưởng các dịch vụ y tế được xác định trong Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Hà đề nghị nội dung này cần được nghiên cứu, cân nhắc và đánh giá tác động kỹ, lường trước tình huống người dân sẽ sử dụng dịch vụ nhiều hơn, với tần suất lớn hơn trong tương lai và xu hướng già hóa dân số, thay đổi mô hình bệnh tật, giá dịch vụ tăng cao hơn...

"Nếu đây không chỉ là vấn đề thực tiễn của riêng Hà Nội mà ở các địa phương khác cũng có yêu cầu tương tự thì cần nghiên cứu, tổng kết, quy định trong Luật Bảo hiểm y tế để áp dụng chung", bà Hà nói thêm.

Hậu Lộc
Phiên bản di động