Đại biểu Quốc hội: Phụ huynh lo lắng về tật ở mắt của trẻ em khi học trực tuyến lâu dài

TTTĐ - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho rằng, hiện nay nhiều phụ huynh lo lắng về tật ở mắt của trẻ em khi học tập trực tuyến lâu dài.
30 máy tính "cùng em học trực tuyến" trao tặng tới thiếu nhi Ba Vì Giữ sức khỏe thể chất, tinh thần khi học trực tuyến Học sinh Hải Dương tựu trường, khai giảng và học trực tuyến
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định)

Xem xét miễn giảm giá cước internet cho học sinh

Ngày 8/11, thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế, xã hội và dịch Covid-19, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến vấn đề dạy học trực tuyến.

Theo đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu), Đoàn đã tổ chức khảo sát về công tác dạy và học trực tuyến trên địa bàn tỉnh cho thấy việc này vẫn còn hạn chế, nhất là bậc tiểu học ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đại biểu cho biết, nhiều hộ gia đình học sinh, sinh viên nghèo không có điều kiện trang bị điện thoại thông minh, máy tính kết nối mạng để học tập trực tuyến; hạ tầng công nghệ, đường truyền, trang thiết bị và nguồn học liệu chưa đáp ứng được yêu cầu; giáo viên nhiều nơi chưa được tập huấn kỹ cả về công nghệ và phương pháp.

Để khắc phục những tồn tại này, đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, hoàn thiện, ban hành các văn bản hướng dẫn dạy học trực tuyến và đào tạo từ xa; Phát triển các nguồn học liệu điện tử phong phú, hợp lý, dễ sử dụng; bổ sung bài giảng, xây dựng kho học liệu điện tử kết nối với hệ tri thức Việt, số hóa chia sẻ chung cho cả nước.

Đại biểu cho rằng, cần phối hợp các bộ, ngành có liên quan để quy định thống nhất về thời lượng tiết học trực tuyến cho từng cấp học để đảm bảo sức khỏe cho học sinh; Sớm hướng dẫn quy đổi tiết dạy, trực tiếp với tiết dạy trực tuyến trong việc tính tiết vượt trội cho giáo viên.

Bên cạnh đó, các cơ quan cần thống nhất quy định phương pháp dạy học trực tuyến, thiết kế bài dạy trực tuyến, lựa chọn và quy định phần mềm từng cấp học trong dạy học. Học liệu phải bám sát chương trình và sách giáo khoa của từng cấp học, kết hợp dạy học, kiểm tra, đánh giá; Xây dựng hệ thống cách thức kiểm tra, đánh giá học sinh, hệ thống đề thi, bài kiểm tra, ngân hàng câu hỏi; Chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện kiểm tra, đánh giá trực tuyến theo quy định, đảm bảo chất lượng chính xác, hiệu quả, công bằng, khách quan, trung thực, đánh giá đúng năng lực của học sinh, sinh viên, phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Đại biểu Quân cũng đề nghị cần vận dụng chuyển đổi số trong ngành Giáo dục đối với đổi mới phương pháp dạy học trong tình hình mới nhằm nâng cao năng lực chuyển đổi số cho đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo để đáp ứng yêu cầu của phương pháp dạy học mới.

Bộ Y tế rà soát, hướng dẫn thống nhất phòng, chống dịch trong hoạt động giáo dục đào tạo; Sớm triển khai tiêm chủng cho học sinh trong độ tuổi trên phạm vi toàn quốc.

Bộ Thông tin và Truyền thông sớm ban hành hướng dẫn sử dụng an toàn các phần mềm công cụ dạy học trực tuyến; Chỉ đạo các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông công nghệ thông tin nghiên cứu, phát triển các giải pháp nền tảng dạy học và học trực tuyến, học liệu số; Hỗ trợ các cơ sở giáo dục, học sinh, sinh viên, giáo viên tiếp cận hạ tầng số dịch vụ truy cập internet tốc độ cao, bảo mật an toàn, dễ sử dụng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Bộ chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông xem xét miễn giảm giá cước, truy cập internet cho học sinh, sinh viên, giáo viên, giá cước sử dụng các ứng dụng phần mềm phục vụ trong giáo dục đào tạo và quản lý giáo dục cho các cơ sở giáo dục, giảm giá dịch vụ thuê máy chủ băng thông phục vụ đào tạo từ xa cho các cơ sở giáo dục đại học.

Chính phủ cần tiếp tục quan tâm có những chính sách hỗ trợ về trang thiết bị dạy học, cơ sở vật chất cho các học sinh, thầy cô giáo để đảm bảo việc học được hiệu quả, an toàn, nhất là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi để họ không bị "bỏ lại phía sau".

Học sinh tiểu học Hà Nội học online
Học sinh tiểu học tại Hà Nội học online

Đề nghị không xem điện thoại di động là thiết bị học trực tuyến

Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho rằng, qua một thời gian dạy học trực tuyến có phát sinh một số bất cập về nội dung, thời gian giảng dạy, khả năng tiếp thu, thái độ học tập của học sinh, ngay cả trang phục thầy cô và học sinh cũng chưa phù hợp.

Việc không quy định rõ nội quy học tập, điều kiện học tại nhà không chỉ làm mất nền nếp, thiếu đi phần "tiên học lễ" trong giáo dục mà cũng ảnh hưởng đến kết quả học tập, đến việc hình thành nhân cách của trẻ. “Hiện nay nhiều phụ huynh lo lắng về tật ở mắt của trẻ em khi học tập trực tuyến lâu dài”, đại biểu Cảnh nói.

Đại biểu đề nghị chương trình hỗ trợ thiết bị học tập cho các em không xem điện thoại di động là thiết bị học trực tuyến; Cần có chính sách tốt hơn để các em nhanh chóng có thiết bị học tập đảm bảo an toàn cho mắt, để sau này lớn lên các em sẽ nhớ trong đại dịch dưới mái trường xã hội chủ nghĩa các em luôn được quan tâm, lo lắng.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động