Đà Nẵng: Chủ kinh doanh ồ ạt trả mặt bằng dù giá cho thuê giảm nhẹ
Các cửa hàng căng biển thanh lý trả mặt bằng mọc như nấm sau mưa |
Dạo một vòng qua các trục đường “vàng” của Đà Nẵng như: Nguyễn Văn Linh, Hùng Vương, Điện Biên Phủ, Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Tất Thành…chi chít băng rôn “cho thuê mặt bằng, sang quán, thanh lý cửa hàng để đóng cửa” mọc như nấm sau mưa.
Các chủ cửa hàng không cầm cự nổi khi giá thuê mặt bằng vẫn cao ngất ngưởng |
Anh Việt làm môi giới cho thuê mặt bằng chia sẻ: “Thời điểm dịch này, chủ nhà có báo với chúng tôi sẽ giảm khoảng 20% - 30% so với giá ngày thường, không tính tiền trong thời gian cải tạo sửa chữa mặt bằng, sau một tháng mới bắt đầu ký hợp đồng nhưng cũng rất hiếm khách gọi hỏi thuê”.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, số người thất nghiệp tăng lên, không có thu nhập, hoặc thu nhập sụt giảm khiến tâm lý người dân dè sẻn trong việc mua sắm, hạn chế ra đường hoặc di chuyển xa.
Ngoài ra, nhiều lĩnh vực kinh doanh như: Cà phê, trà sữa, nhà hàng, làm đẹp…phải tạm đóng cửa để phòng chống dịch bệnh trong thời gian dài, khiến các chủ cửa hàng không chịu nổi tiền thuê mặt bằng với giá “ngất ngưởng” khi không có nguồn thu, đặc biệt tại các trục đường “vàng” của thành phố, dù giá cho thuê đã được giảm xuống. Theo đó, các cửa hàng buộc phải cho nhân viên nghỉ việc, sang quán, cho thuê lại hoặc trả mặt bằng để giảm bớt thua lỗ.
Trước đây, trên tuyến phố sầm uất Lê Duẩn, các cửa hàng kinh doanh thời trang luôn được lấp đầy. Để tìm thuê một vị trí kinh doanh tại tuyến đường này là việc khá khó khăn mặc dù giá thuê cực kỳ đắt đỏ. Thế nhưng, hiện rất nhiều shop cửa đóng then cài hoặc treo bảng “ thanh lý khủng” để sang lại cửa hàng, nhưng cũng không dễ bởi do tình hình khó khăn chung.
“Từ khi có dịch Covid - 19 có bán buôn bán được chi mô. Từ bữa hôm “lệnh giới nghiêm” của thành phố thì tụi tôi buộc phải đóng cửa. Với nói thiệt, chừ cũng không ai có tâm trạng mà đi nhậu. Không kinh doanh được, nội lo trả tiền mặt bằng ni không cũng đuối, nên tôi chấp nhận sang quán tìm công việc khác để đỡ lỗ”, anh Tám một chủ quán nhậu trên đường Nguyễn Tất Thành than thở.
Trước tình hình dịch bệnh vẫn đang có những diễn biến phức tạp, việc sang quán, trả mặt bằng của các hộ kinh doanh sẽ vẫn còn tiếp diễn trong thời gian tới, nếu dịch bệnh chưa được đẩy lùi.
Việc giảm sâu tiền thuê mặt bằng tạo điều kiện cho các chủ cửa hàng kinh doanh cầm cự, chờ sau khi hết dịch phục hồi lại là bài toán đang được chủ cho thuê mặt bằng và người thuê tính toán, để cùng dìu nhau vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch bệnh.