Bài 3: Hiểu bản sắc riêng của lễ hội để lan tỏa văn hóa Việt ra thế giới
Một mùa lễ hội đang dần được "gạn đục, khơi trong” Đề cương Văn hóa Việt Nam soi đường cho sự phát triển đất nước Di sản văn hóa - Nguồn lực để phát triển du lịch |
PV: Thưa ông, một mùa lễ hội đang trôi qua và chúng ta thấy rõ những đổi thay tích cực. Ở một số lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu sổ, tục lệ cổ hủ đã được bỏ đi nhưng cũng có ý kiến cho rằng như vậy sẽ làm mất đi “tính thiêng” của lễ hội? Ông nghĩ sao về điều này?
PGS. TS Bùi Hòa Sơn: Trong văn hóa thường bao gồm cả những yếu tố tích cực và yếu tố tiêu cực. Khi chúng ta xem xét quá khứ, chúng ta chỉ nên phục hồi và giữ gìn những giá trị tốt đẹp của các lễ hội đó.
Rõ ràng, chúng ta thấy, ở nhiều lễ hội hiện nay, vì sự tác động của nền kinh tế thị trường dẫn đến người dân đến với lễ hội và kể cả những người tổ chức đang thương mại hóa thái quá. Họ thậm chí muốn tạo ra những cái gì đó kỳ lạ, hấp dẫn thái quá, linh thiêng theo hướng mê tín dị đoan để hút được nhiều sự quan tâm của của du khách hơn. Những điều này gọi là trục lợi tâm linh và chúng ta cần lên án, loại bỏ.
PGS. TS Bùi Hòa Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội |
Chúng ta biết rằng, quá khứ rất quan trọng đối với đất nước và nhiệm vụ của thế hệ hôm nay là phải khai thác những giá trị của quá khứ để tạo ra bản lĩnh và sự tự tin để hội nhập quốc tế tốt hơn. Tuy nhiên, không phải cái gì trong quá khứ cũng phù hợp với bối cảnh xã hội ngày hôm nay.
Vậy nên, tôi cho rằng, để bảo tồn và phát huy các cái giá trị của lễ hội truyền thống, chúng ta nên bám vào nguyên tắc mà Bác Hồ đã chỉ rõ từ lâu, đó là những cái gì cũ mà tốt thì giữ gìn, cái gì phiền phức thì sửa đổi, cái gì xấu thì chúng ta phải loại bỏ.
PV: Thưa ông, phải thừa nhận, ở một vài lễ hội vẫn còn tình trạng chen lấn, đông đúc khiến không gian lễ hội trở nên chưa đẹp mắt. Điều này có phải do tác động của truyền thông và xu hướng “du lịch hóa” các lễ hội truyền thống?
PGS. TS Bùi Hòa Sơn: Chúng ta vẫn hay nói là “Trống làng nào, làng ấy đánh, Khánh làng nào, làng ấy thờ”, để thấy rằng, mỗi lễ hội đều có một nét đặc sắc riêng của địa phương đó.
Mỗi vùng miền trên đất nước Việt Nam có đặc trưng văn hóa riêng biệt. Hệ thống tôn giáo tín ngưỡng của người Việt cũng thể hiện nhiều giá trị đặc sắc của dân tộc. Đó là lý do tại sao khi chúng ta nhìn vào một lễ hội, đánh giá một hiện tượng văn hóa, cần phải đánh giá bằng con mắt của người trong cuộc và nhìn nhận với tư cách của người tổ chức, người giữ gìn và phát huy những giá trị đó. Nếu dùng tư duy chủ quan để đánh giá một sự kiện sự việc, có thể có sai lệch không đúng.
Một lễ hội có thể “thiêng”, có ý nghĩa với cộng đồng này nhưng có thể lại không “thiêng” với cộng đồng khác.
Nghi lễ dâng cúng Mẫu ở Lễ hội Đền Đông Cuông (Yên Bái) |
Trong bối cảnh hiện tại, với sự phát triển của các phương tiện truyền thông, chúng ta có thể có những ý kiến đa dạng, khác biệt thậm chí là trái ngược nhau về một hiện tượng văn hóa trong đó có những lễ hội. Việc cần làm là giúp cho tất cả mọi người những du khách thập phương đến dự lễ hội hay cả toàn xã hội nói chung hiểu rõ và sâu sắc hơn thông điệp, ý nghĩa của mỗi lễ hội: Đó là kể về truyền thống lịch sử địa phương, là phong tục thể hiện sự đoàn kết để chống giặc ngoại xâm khi xưa, hay là tôn vinh một vị anh hùng dân tộc, là ước vọng về một năm mới tốt lành…. Khi hiểu được ý nghĩa, tôn vinh những giá trị của cộng đồng thì lễ hội sẽ sống mãi, giúp chúng ta tự hào, tự tin hội nhập vì những bản sắc riêng đó.
PV: Thưa ông, liên tiếp những ngày đầu năm, chúng ta nhận được thông tin, rất nhiều lễ hội được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển du lịch của các địa phương sở hữu di sản phi vật thể đó?
PGS. TS Bùi Hòa Sơn: Mùa lễ hội năm nay rất đặc biệt bởi sau trong hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi COVID -19, các sinh hoạt văn hóa đều phải ngừng lại. Năm nay, lễ hội được tổ chức khắp nơi, người dân vui vẻ phấn khởi tham gia. Đó là nhu cầu tâm linh của người dân.
Bên cạnh đó, chúng ta vẫn đang giữ gìn, phát huy và tạo ra hành trang cho dân tộc để bước vào thế giới toàn cầu hóa mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là bản sắc của dân tộc, Văn hóa còn dân tộc còn”. Có nghĩa rằng, nếu chúng ta giữ gìn được giá trị văn hóa, cụ thể là lễ hội, nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng với câu chuyện về lịch sử dân tộc, địa phương, các anh hùng, danh nhân của đất nước thì nghĩa là chúng ta đang giữ lấy hồn cốt dân tộc.
Lễ hội Chử Xá (Gia Lâm - Hà Nội) vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia |
Việc các lễ hội đặc sắc được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia chính là niềm tự hào của người dân, chủ thể của lễ hội, trên cơ sở đó là động lực cho họ tiếp tục bảo tồn và gìn giữ những di sản văn hóa của địa phương mình.
Trong bối cảnh ngày nay, khi du lịch luôn phải lựa chọn những địa điểm, bối cảnh độc đáo để hút khách thì các lễ hội văn hóa được bảo tồn này sẽ đảm bảo yếu tố đặc trưng mang tính duy nhất, giúp người dân tập trung khai thác du lịch của địa phương mình hiệu quả và văn minh.
Trên thế giới, nhiều quốc gia phát triển du lịch theo hướng “more local, more international”, tức là càng giữ được nét bản sắc, càng đặc trưng, càng dễ dàng lan tỏa ra thế giới. Năm 2023, du lịch được kỳ vọng là lĩnh vực đột phá của chúng ta. Vì thế, lễ hội – di sản văn hóa phi vật thể sẽ chính là sản phẩm độc đáo để tiếp thị với khách quốc tế, trở thành nguồn lực tốt để phát triển du lịch.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông vì những chia sẻ thú vị!