Sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016

Hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo sự chủ động, linh hoạt cho cơ quan báo chí

Các chuyên gia cho rằng, trong quá trình triển khai thực hiện Luật Báo chí 2016, một số quy định đã bộc lộ hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Vì vậy, cần sớm hoàn thiện quy định của pháp luật, phát huy tính tự chủ, tạo được sự chủ động, linh hoạt cho cơ quan báo chí.
Cần có cơ chế đặc thù với những sản phẩm báo chí thiết yếu

Sửa đổi Luật Báo chí 2016 cho phù hợp với thực tiễn là cần thiết

Trình bày tham luận tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi - Luật Báo chí 2016 - Tổng kết thi hành Luật Báo chí 2016” diễn ra ngày 10/6, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương cho biết: Trong quá trình triển khai thực hiện Luật Báo chí 2016, một số quy định đã bộc lộ hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Sự phát triển vượt bậc, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại đã dẫn đến những yêu cầu, đòi hỏi cao hơn trong lĩnh vực báo chí, cần phải hoàn thiện quy định pháp luật để điều chỉnh, quản lý kịp thời, phù hợp.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương tham luận tại hội thảo
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương tham luận tại hội thảo

Cụ thể, theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, về thẻ nhà báo, tại Khoản 1 Điều 25, Luật Báo chí 2016 quy định: “Nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo” chưa bao quát hết các đối tượng đang thực hiện nghiệp vụ báo chí trong các cơ quan báo chí, bao gồm những người hoạt động nghiệp vụ dưới 2 năm (chưa đủ điều kiện để cấp thẻ nhà báo); Điểm C, Khoản 2, Điều 25 quy định: “Được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo...”. Quy định này không phù hợp với thực tiễn và mâu thuẫn với quy định tại Điểm C, Khoản 1, Điều 27: “Đối với trường hợp cấp thẻ lần đầu, phải có thời gian công tác liên tục tại cơ quan báo chí đề nghị cấp thẻ từ 2 năm trở lên tính đến thời điểm xét cấp thẻ...”.

Thực tế hiện nay nhà báo, phóng viên đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí ngoài Thẻ nhà báo do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp, lãnh đạo các cơ quan báo chí cấp giấy giới thiệu cử phóng viên đi tác nghiệp (đối với trường hợp chưa được cấp thẻ nhà báo), tuy nhiên, việc sử dụng giấy giới thiệu khi tác nghiệp chưa được đưa vào quy định của Luật Báo chí.

Về tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, bà Hương nêu, tại Điểm b, Khoản 2, Điều 4 quy định về chức năng, quyền hạn của cơ quan báo chí: “Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí...”. Tuy nhiên, Luật Báo chí chưa quy định cụ thể thế nào là tôn chỉ, mục đích dẫn đến việc cơ quan báo chí và cơ quan quản lý nhà nước có thể hiểu theo cách khác nhau, không thống nhất, khó khăn trong công tác quản lý, xử lý vi phạm.

Ngoài ra, chia sẻ về một số bất cập trong hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội được cấp phép, bà Hương cho biết, hiện nay, trang thông tin điện tử tổng hợp của tổ chức, doanh nghiệp không giới hạn về số lượng nguồn tin miễn là xin được thỏa thuận cho trích dẫn nguồn tin từ cơ quan báo chí; Được tùy chọn đăng tải lại những tin, bài từ cơ quan báo chí mà họ thấy phù hợp với lợi ích của doanh nghiệp, đơn vị mình mà không buộc phải đăng những tin, bài theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí cho họ dẫn nguồn. Các doanh nghiệp, đơn vị này không có trách nhiệm trong tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của đất nước và địa phương. Vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin điện tử tổng hợp vì lợi ích của mình chỉ tập trung khai thác các tin tiêu cực, mặt trái xã hội... khiến cho bức tranh thông tin trên mạng bị sai lệch, không phản ánh đúng tình hình xã hội của đất nước.

Quang cảnh hội thảo
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại Hội thảo

Việc chấn chỉnh, xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí đã được các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở Trung ương và địa phương tăng cường thực hiện nhưng vẫn chưa triệt để, nhất là những sai phạm liên quan việc thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích; Thông tin sai sự thật; Tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội...

“Qua thực tiễn quản lý, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội nhận thấy việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 cho phù hợp với thực tiễn là cần thiết. Việc sửa đổi, bổ sung Luật báo chí 2016 nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho báo chí hoạt động, phát triển, đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập, bổ sung quy định để điều chỉnh kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Đề xuất sớm trình Quốc hội sửa đổi Luật Báo chí 2016 cho phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình hiện nay, đảm bảo bám sát xu hướng phát triển, bao quát hết thực tế hoạt động báo chí, truyền thông và nhất quán với các quy định pháp luật liên quan”, bà Hương nhấn mạnh.

Cần có quy định cụ thể về quản lý các nền tảng báo chí số

Trình bày tham luận, PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam kiến nghị, thay vì chú trọng vào tam giác Nhà báo - Tác phẩm/ sản phẩm/ loại hình - Quản lý báo chí truyền thông, tức là chỉ chú trọng vào chủ thể sản xuất nội dung số trong Luật Báo chí 2016 thì cần đề cập tới quyền và trách nhiệm của tất cả các chủ thể của báo chí số và truyền thông đa nền tảng, chủ thể trong nước và nước ngoài, bổ sung và nhấn mạnh quyền, trách nhiệm của công chúng số; Định hướng phát triển các nền tảng số như: website, ứng dụng di động để thuận lợi hơn cho phát triển và quản lý báo chí số...

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Theo bà Hằng, sửa đổi theo hướng này sẽ góp phần tháo gỡ những vấn đề đặt ra về cơ sở pháp lý nhằm đảm bảo quản lý báo chí truyền thông trong chuyển đổi số báo chí, với xu hướng ứng dụng mạnh mẽ AI, blockchain..., xây dựng hệ thống dữ liệu số báo chí, hệ sinh thái số cũng như các vấn đề về phát triển và quản lý nền kinh tế số nói chung và kinh tế báo chí truyền thông số quốc gia và từng cơ quan báo chí.

Bà Hằng cũng đề xuất, bổ sung quy định về thu hồi giấy phép hoạt động báo chí, có quy định cụ thể về quản lý các nền tảng báo chí số, thống nhất với quy định về quản lý nội dung trên các nền tảng mạng xã hội, podcast...; Bổ sung quy định thu hồi giấy phép khi cơ quan báo chí không đảm bảo các điều kiện hoạt đông... Điều 59 về xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí quy định hình thức thu hồi giấy phép nhưng chưa quy định về trình tự, thủ tục dẫn đến khó khăn trong áp dụng thực hiện; Chưa thể hiện đúng bản chất của vấn đề là không đủ điều kiện hoạt động, không phải do hành vi vi phạm quy định tại Điều 9 Luật Báo chí. Việc thu hồi giấy phép theo Điều 59 còn phải thực hiện theo các quy định có liên quan tại Luật xử lý vi phạm hành chính.

Ngoài ra, theo bà Hằng, tại Điều 37 về liên kết trong hoạt động báo chí quy định trách nhiệm của cơ quan báo chí trong việc liên kết còn chung chung; Chưa quy định cụ thể về hình thức (hợp đồng liên doanh hay hợp tác kinh doanh...), yêu cầu về điều kiện, năng lực của đối tác liên kết, quy trình, thủ tục liên kết, chấm dứt hợp đồng và giải quyết tranh chấp trong hoạt động liên kết. Một số chương trình liên kết trên truyền hình, tập trung ở các chương trình giải trí, trò chơi truyền hình, truyền hình thực tế, chưa được quản lý chặt chẽ, đã để xảy ra một số sai sót trong nội dung thông tin, như hình ảnh, lời thoại phản cảm, thiếu tính thẩm mỹ, giáo dục...

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, gần 80 chuyên gia, các nhà báo, các luật sư, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực báo chí và luật học đã tham gia thảo luận tại hội thảo về góp ý, chỉnh sửa Luật Báo chí 2016. Bên cạnh những ý kiến của các cơ quan quản lý, hội thảo cũng lắng nghe nhiều ý kiến, tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, trao đổi, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp, cơ chế, phương thức thực thi Luật Báo chí nhằm nâng cao chất lượng nội dung tác phẩm, hoàn thành tốt trách nhiệm xã hội và gìn giữ sự trong sáng của đạo đức nghề nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, những ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ là thông tin hữu ích cho Bộ Tư pháp trong quá trình tham mưu, thẩm định đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 2016 cũng như đề xuất đưa Dự án này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội trong thời gian tới.

Lam Dương
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động