Cổ phiếu lên sàn HOSE: Ngân hàng ACB từng dính nhiều “phốt” về thuế

Nợ xấu của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tăng cao và nhà băng này cũng từng nhiều lần bị xử lý vi phạm về thuế với số tiền hàng tỷ đồng.
ACB loay hoay thu hồi 400 tỷ đồng cho vay tại Ngân hàng Xây dựng Người nhà Chủ tịch ACB "sang tay" khối cổ phiếu nghìn tỷ cho công ty vốn 5 tỷ đồng

Sáng 9/12, hơn 2,16 tỷ cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã chính thức được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) với giá tham chiếu 26.400 đồng/cổ phiếu.

Tính tại thời điểm 14h, chiều 9/12, cổ phiếu ACB tăng 2.200 đồng, tương đương 8,3% so với lúc mở cửa lên mức 28.600 đồng mỗi đơn vị. Với mức thị giá trên đã đưa vốn hóa của ngân hàng lên khoảng 61.700 tỷ đồng.

Theo dữ liệu giao dịch, tính đến thời điểm hiện tại, khối lượng giao dịch cổ phiếu ACB đạt hơn 23 triệu đơn vị, tương ứng giá trị xấp xỉ 650 tỷ đồng.

Cổ phiếu lên sàn HOSE: Ngân hàng ACB từng dính nhiều “phốt” về thuế
Ảnh minh họa

Theo tìm hiểu của phóng viên, Ngân hàng TMCP Á Châu được thành lập vào năm 1993 và niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vào ngày 31/10/2006.

Ngày 2/12, cổ phiếu ACB đã được hủy niêm yết trên HNX để thực hiện việc chuyển sàn sang HOSE. Việc chuyển sàn đã được cổ đông ngân hàng thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020.

Về kết quả kinh doanh, trong 9 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận trước và sau thuế của ACB đạt hơn 6.411 tỷ đồng và hơn 5.133 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại thời điểm cuối tháng 9/2020, tổng tài sản của ACB đạt hơn 418.748 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng 297.386 tỷ đồng, tăng 11%; các khoản phải thu 3.413 tỷ đồng, giảm 9%; các khoản lãi, phí phải thu 3.042 tỷ đồng, giảm 17% so với đầu năm.

Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu của ACB tại thời điểm 30/9/2020 xấp xỉ 2.480 tỷ đồng, tăng 71% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn 831 tỷ đồng tăng 253%, nợ nghi ngờ 543,4 tỷ đồng, tăng 75%, nợ có khả năng mất vốn cao nhất 1.105 tỷ đồng, tăng 22%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 0,54% đầu năm lên 0,84%.

Đặc biệt, theo tìm hiểu của phóng viên, trong năm 2019, ACB đã nhiều lần bị xử lý vi phạm về thuế với số tiền hàng tỷ đồng.

Theo đó, ngày 11/1/2019, ACB bị Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) quyết định xử lý vi phạm về thuế theo kết quả thanh tra thời kỳ năm 2016, 2017 với tổng số tiền truy thuế phải nộp và các khoản xử lý hành chính theo quy định do chậm nộp là hơn 11 tỷ đồng.

Sau đó, tháng 11/2019, ACB tiếp tục Cục Thuế TP HCM xử phạt, truy thu với tổng số tiền gần 350 triệu đồng do ngân hàng đã khai sai căn cứ tính thuế giá trị gia tăng dẫn đến làm giảm số tiền thuế giá trị gia tăng phải nộp; kê khai sai thu nhập doanh nghiệp chịu thuế dẫn đến làm giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.

Hậu Lộc
Phiên bản di động