Có dự án điện gió, điện mặt trời không đúng quy hoạch, giá cả không phù hợp
Tránh tình trạng "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau"
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2023 diễn ra sáng 19/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tăng trưởng xanh cũng là một chủ trương lớn và quan trọng của Đảng và Nhà nước Việt Nam nhằm đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030.
Trước xu hướng phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam đã được ban hành và thực thi với nhiều kết quả bước đầu đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo Thủ tướng, tăng trưởng xanh là xu thế của thời đại, cũng là vấn đề toàn cầu, do đó, phải kêu gọi đoàn kết, hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương trên tinh thần chân thành, tin cậy, hiệu quả. "Phát triển hôm nay nhưng phải nghĩ đến tương lai con cháu sau này; phát triển mang lại thu nhập cho người dân nhưng phải bảo đảm sức khoẻ cho người dân", Thủ tướng nói.
Lãnh đạo Chính phủ cho biết, Việt Nam đang tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ và chuyển đổi số. Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, đặc biệt lưu ý về quy hoạch phát triển điện lực quốc gia để phát triển năng lượng bền vững; đảm bảo quá trình chuyển đổi xanh theo nguyên tắc bình đẳng, bao trùm.
Cùng với đó, phát triển kinh tế xanh cần được triển khai quyết liệt ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu. Lấy con người là trung tâm, chủ thể, vừa là nguồn lực vừa là động lực quan trọng nhất và là mục tiêu cao nhất của sự phát triển, nhất là trong phát triển xanh. Tránh tình trạng "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau"; không chấp nhận phương thức tăng trưởng bằng mọi giá, thiếu tính bền vững; và càng không chạy theo tăng trưởng đơn thuần mà phải hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường sống của người dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: VGP |
Theo Thủ tướng, tăng trưởng xanh cần có lộ trình phù hợp, tính đến điều kiện và năng lực khác nhau của từng vùng miền, địa phương và doanh nghiệp. Khuyến khích sự hưởng ứng và tham gia của tất cả các chủ thể trong xã hội, nhất là doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) trong tăng trưởng xanh.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, thời gian tới, phản ứng chính sách của các nước, thị trường bị thu hẹp, các diễn biến địa chính trị, xung đột ở một số nơi, các vấn đề an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh thông tin, biến đổi khí hậu, già hóa dân số… sẽ tiếp tục tác động tới Việt Nam, mang tới không ít khó khăn, thách thức.
Trong khi đó, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn nhưng có độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng thích ứng còn hạn chế, chịu ảnh hưởng lớn trước các biến động của thế giới, trong khi nội tại còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
Thủ tướng mong muốn nhà đầu tư tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam vượt qua khó khăn, "các khó khăn lâu dài thì có giải pháp lâu dài, khó khăn trước mắt thì có giải pháp trước mắt". Điều quan trọng là các bên giữ vững bản lĩnh, phát huy những kết quả đã đạt được, những kinh nghiệm đã có, nhận diện được vấn đề, lắng nghe ý kiến của nhau, tìm ra giải pháp phù hợp, hợp tác bền chặt, lâu dài trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, nếu cấu trúc hài hòa này bị phá vỡ thì hợp tác không thể bền vững. Đồng thời, Thủ tướng mong muốn các nhà đầu tư, cộng đồng chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh, góp phần phát triển nền văn hóa Việt Nam ngang tầm với kinh tế và chính trị.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ về tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển, cụ thể là tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Chính phủ luôn quan tâm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; tăng tính minh bạch, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực; tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp, người lao động và các bên liên quan.Triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (về vốn, chuyển giao công nghệ, đào tạo, phát triển nhân lực…).
Cùng với đó, phát triển đồng bộ các loại thị trường tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận bình đẳng (thị trường hàng hóa và dịch vụ, tài chính - tiền tệ, chứng khoán; quyền sử dụng đất, bất động sản, khoa học - công nghệ, lao động, mua sắm công…).
Năng lượng tái tạo có dấu hiệu phát triển nóng
Về một số vấn đề quan tâm, kiến nghị cụ thể của nhà đầu tư, Thủ tướng cho biết các cơ quan sẽ tiếp tục giải quyết các vấn đề liên quan visa, giấy phép lao động theo hướng thuận lợi nhất. Các cơ quan cũng đang đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu… và các quy định liên quan. Về tới ngành dược, Quốc hội đã ban hành Luật Khám chữa bệnh sửa đổi và sắp tới các cơ quan sẽ trình Quốc hội sửa đổi Luật Dược.
Thủ tướng trao đổi với doanh nghiệp tại diễn đàn. Ảnh: VGP. |
Về thuế tối thiểu toàn cầu, Chính phủ đang bám sát thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm các nước để sớm có chính sách phù hợp, phấn đấu ban hành ngay trong năm nay, tạo cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài hoạt động thuận lợi, đóng góp nhiều hơn cho Việt Nam nhưng không ảnh hưởng tới lợi ích của nhà đầu tư.
Chia sẻ thêm về những quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Thủ tướng cho biết Việt Nam có tiềm năng lớn và cần phát triển ngành công nghiệp trong lĩnh vực này. Vừa qua, nhiều dự án điện gió, điện mặt trời đã được triển khai có hiệu quả nhưng có dấu hiệu phát triển nóng, có những dự án không đúng với quy hoạch, quy định hiện hành, giá cả không phù hợp.
Do đó, các bên phải ngồi lại, đàm phán lại về giá điện trên tinh thần không để ai thiệt thòi, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", bảo đảm giá điện phù hợp với điều kiện nền kinh tế và thu nhập của người dân. Mặt khác, ông cho biết Việt Nam đã thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp và sẽ khuyến khích cơ chế này trong thời gian tới. Thủ tướng cũng đề nghị các đối tác hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng bảo đảm công bằng, công lý với các khoản vay kéo dài hơn và lãi suất giảm đi.
Thủ tướng một lần nữa nêu rõ, với chủ đề điều hành năm 2023 là "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả", Chính phủ Việt Nam sẽ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực, quyết tâm cao nhất để đạt được mục tiêu đề ra, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, kinh doanh, bảo đảm lợi ích hài hòa các bên.
Phát biểu sau Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã tóm lại những vấn đề đáng chú ý tại diễn đàn.
Theo đó, chúng ta cần hoàn thiện thể chế chính sách về kinh tế xanh, cần tiếp tục rà soát, cải cách, tối ưu hoá các quy định liên quan về phát triển kinh tế xanh, môi trường và phát triển bền vững. Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong xây dựng và hoàn thiện các thể chế và thực thi pháp luật.
Về kinh tế số, đây là một trong những giải pháp quan trọng mang tính động lực, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của Việt Nam nhanh và bền vững. Trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện các khung pháp lý trong kinh tế số, an ninh mạng, thương mại điện tử, bảo vệ dữ liệu cá nhân, phát triển đội ngũ nhân lực số, xây dựng xã hội số, điện toán đám mây.
Về chuyển đổi năng lượng đóng vai trò quan trọng mang tính quyết định trong phát triển kinh tế xanh, đưa phát thải ròng về 0 trong năm 2050.
Thời gian tới, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam sẽ sớm ban hành Quy hoạch điện VIII điều chỉnh thể chế và hạ tầng để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện khí LNG… đồng thời áp dụng các dự án năng lượng tái tạo cho các khu công nghiệp.
Trong quá trình thảo luận, các bộ, ngành cũng đã có ý kiến trao đổi chi tiết, làm rõ hơn cho các doanh nghiệp, đặc biệt trong việc phát triển kinh tế xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, thực hiện có hiệu quả các cam kết về phát triển bền vững trong việc đồng hành cùng Chính phủ trong việc phát triển các mục tiêu đã đề ra.