Có bao nhiêu dự án điện tái tạo đã được duyệt giá tạm?
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến ngày 25/8, sản lượng điện phát lũy kế của 20 nhà máy/phần nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp (tổng công suất 1.171,72MW) đã hoàn thành thủ tục vận hành thương mại COD đạt hơn 357 triệu kWh.
Tính đến ngày 25/8, số lượng dự án đã gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện vẫn là 79/85 dự án, với tổng công suất 4.449,86MW.
Trong đó, 67 dự án (tổng công suất 3.849,41MW) đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 của Bộ Công thương).
Như vậy, hiện còn 6 dự án với tổng công suất 284,70MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.
Chiếu theo danh sách của EVN, các dự án chưa gửi hồ sơ đàm phán giá điện gồm: Điện gió khu du lịch Khai Long (Cà Mau, giai đoạn 1); điện gió số 18 - Sóc Trăng; điện gió Hòa Thắng 2.2; điện gió Lig Hướng Hóa 2; điện gió Xanh Sông Cầu giai đoạn 1; Nhà máy điện mặt trời Ngọc Lặc.
Ảnh minh họa. |
EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng mua bán điện (PPA) với 61/67 dự án; Bộ Công thương đã phê duyệt giá tạm cho 58 dự án với tổng công suất 3.181,41MW.
Theo EVN, có 23 dự án đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 29 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 39 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.
Vừa qua, Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban thường vụ Quốc hội về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021” đã làm việc với Bộ Công thương và các đơn vị liên quan về cơ chế giá mới cho các dự án điện tái tạo chuyển tiếp.
Với những dự án điện gió và điện mặt trời chuyển tiếp còn dang dở do cơ chế giá FIT (ưu đãi), tại sao chậm ban hành và Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt vấn đề về việc nếu cơ chế giá FIT không áp dụng nữa thì chuẩn bị cho sự chuyển đổi cũng như cơ chế, chính sách để thu hút, "giữ chân" nhà đầu tư trong lĩnh vực này?
Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, chính sách giá FIT chỉ có thời hạn nhất định, bởi lẽ đây là chính sách khuyến khích, không thể tiếp tục kéo dài.
Những dự án không được hưởng chính sách giá FIT hay đầu tư mới đều không có vướng mắc về chính sách, pháp luật. Luật Đầu tư, Luât Điện lực, Luật Đấu thầu hay một số thông tư của Bộ Công thương đã quy định cụ thể quy trình, thủ tục thực hiện.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thừa nhận có sự chậm trong việc ban hành cơ chế chuyển tiếp giá FIT. Nguyên nhân là do trong Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg đã quy định rõ những dự án chuyển tiếp (không được hưởng giá FIT) thì phải áp dụng giá cạnh tranh.
Do vậy, dù Bộ Công thương đã nhiều lần gửi văn bản lấy ý kiến các bộ, ngành, nhưng chưa ra được cơ chế giá chuyển tiếp, vì chưa thống nhất phương thức đấu thầu giá mua điện năng lượng tái tạo.
Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, nếu đấu thầu giá mua điện hàng năm, thì chủ đầu tư sẽ khó yên tâm thực hiện dự án vì giá mua điện sẽ thay đổi thường xuyên. Nhưng, nếu đấu thầu mức giá áp dụng trong 20 năm sẽ tương tự như giá FIT, là một dạng giá "FIT phẩy", cũng không được, vì phi thị trường”.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, vướng mắc này đã được tháo gỡ sau khi Bộ Công thương nghiên cứu Luật Điện lực, Luật Giá và đã xây dựng văn bản hướng dẫn doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện.