Có 59/85 dự án điện tái tạo chuyển tiếp đã gửi hồ sơ đàm phán giá điện
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong đó, 43 dự án đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 của Bộ Công thương).
Hiện EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng mua bán điện (PPA) với 40/43 dự án. Tập đoàn cũng đã có văn bản trình Bộ Công thương xem xét, thông qua đối với 40/43 chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đề xuất giá tạm.
Ngoài ra, 19 dự án đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 26 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy.
Ảnh minh họa. |
Hiện có 3 dự án đã được công nhận vận hành thương mại (COD) một phần nhà máy/toàn nhà máy, với tổng công suất 216,22MW. Tuy nhiên, đây đều là những phần nhà máy/toàn nhà máy đã thực hiện COD từ trước năm 2021 (chưa có giá điện).
Tại cuộc họp cách đây ít ngày, theo báo cáo của Bộ Công thương, do có nhiều chủ đầu tư vi phạm các các quy định pháp luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng… nên còn chưa đáp ứng các thủ tục pháp lý, chưa thể đàm phán giá với EVN. Một số chủ đầu tư đã được yêu cầu bổ sung hồ sơ từ cuối tháng 3/2023 nhưng sau 2 tháng vẫn không bổ sung được.
Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, Bộ Công thương đã chỉ đạo EVN, Sở Công thương các tỉnh, các cơ quan của bộ cùng đẩy nhanh công tác đàm phán cũng như phối hợp với các chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục.
Tuy nhiên, về phía các chủ đầu tư, cũng cần nỗ lực để hoàn thiện những thủ tục còn thiếu, nhất là về chủ trương đầu tư, đất đai thuộc thầm quyền cấp phép của cơ quan Nhà nước tại địa phương. Đây là những thủ tục liên quan đến pháp lý của dự án mà chủ đầu tư phải hoàn thiện theo quy định của pháp luật khi đưa dự án vào vận hành thương mại.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh, tinh thần chung là tháo gỡ tối đa vướng mắc cho các dự án. Tuy nhiên, đối với những dự án vi phạm pháp luật, quan điểm là không thể hợp thức hóa.