Chưa cấp phép đầu tư hãng hàng không Cánh Diều
Kiến nghị dừng cấp phép đầu tư hãng hàng không Cánh Diều Tiếp tục rà soát việc mở hãng bay Cánh Diều tại Quảng Nam |
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng liên quan đến chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Cánh Diều.
Theo đó, xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Cánh Diều, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trên cơ sở ý kiến của Bộ Giao thông vận tải về việc thành lập thêm các hãng hàng không trong tình hình mới nhằm đảm bảo quản lý nhà nước về hàng không, trả lời nhà đầu tư về việc chưa đáp ứng các điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật.
Trước đó, trong văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ tháng 1/2020, cơ quan này đã trình văn bản thẩm định lên Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Dự án vận tải hàng không Cánh Diều (Kite Air) do Công ty Cổ phần hàng không Thiên Minh đầu tư đã thực hiện đầy đủ căn cứ pháp lý để có thể xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án.
Ảnh minh họa. |
Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, Bộ Giao thông vận tải cũng đã có ý kiến thẩm định nhận định rằng, dự án của Kite Air phù hợp với định hướng, quy hoạch phát triển ngành hàng không Việt Nam, phù hợp với nhu cầu thị trường hàng không.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lo ngại việc thành lập mới hãng hàng không sẽ thêm khó khăn khi dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nặng tới lĩnh vực hàng không. Thời điểm thích hợp lập mới hãng hàng không là khi thị trường đã hồi phục (dự kiến sau 2022).
Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ dừng xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Cánh Diều như những tờ trình trước đó của các Bộ.
Hồi tháng 7 vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đồng ý về nguyên tắc kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải về việc rà soát, xem xét việc thành lập thêm các hãng hàng không mới trong tình hình mới. Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm về các kiến nghị của mình trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành hàng không.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với chức năng là cơ quan thẩm định chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Cánh Diều, căn cứ kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng về chủ trương đầu tư dự án.
Tháng 8/2019, Công ty CP Hàng không Thiên Minh đã gửi hồ sơ lên Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam đề xuất thành lập hãng hàng không Cánh Diều với tổng vốn đầu tư dự án là 5.500 tỷ đồng. Trong đó, có 4.500 tỷ đồng vốn cố định (bao gồm 2.300 tỷ đồng đầu tư tàu bay ATR, 1.700 tỷ đồng thuê khô tàu thân hẹp và 500 tỷ đồng đầu tư thiết bị, văn phòng). Trong số 4.500 tỷ đồng này, dự kiến 28% vốn chủ sở hữu (1.530 tỷ đồng); 72% còn lại là đi vay của các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước và nước ngoài. Thời gian hoạt động 50 năm
Về quy mô dự án, Công ty CP Hàng không Thiên Minh sẽ đầu tư 6 máy bay ATR72 trong năm đầu tiên hoạt động. Số tàu bay này sẽ tăng gấp đôi trong năm thứ hai. Năm thứ 3, Công ty CP Hàng không Thiên Minh dự kiến khai thác 15 tàu ATR72 và 5 tàu bay A320/A321. Các năm thứ 4 và thứ 5, doanh nghiệp sẽ đưa thêm 5 tàu bay A320/A321 hoặc tương đương vào khai thác trong mỗi năm. Đến năm 2024, hãng này dự kiến sẽ đầu tư tổng cộng 30 máy bay. Trong đó, có 15 máy bay ATR72 và 15 máy bay A320/A32.