Chú trọng hơn nữa việc khai thác lợi thế sông, hồ của Hà Nội
Bộ Chính trị nhấn mạnh tăng cường phân cấp, phân quyền cho Hà Nội Bộ Chính trị thống nhất nghiên cứu xây sân bay thứ 2 ở Hà Nội |
Đây là nội dung được nêu trong Kết luận số 80-KL/TW kết luận của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu chú trọng hơn nữa việc khai thác lợi thế sông, hồ của Hà Nội, nhất là là tiềm năng Hồ Tây, sông Hồng, sông Đuống, sông Tô Lịch; xác định khu vực dự trữ phát triển cho thế hệ tương lai.
Đặc biệt là cần chú trọng nghiên cứu phương án phát triển trục sông Hồng để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển của Thủ đô với sự phân bố hài hoà các không gian sinh thái, không gian văn hoá, lịch sử, không gian xanh, không gian đô thị hiện đại hai bên bờ sông Hồng, góp phần tạo diện mạo mới của Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, với mục tiêu không gian phát triển sông Hồng sẽ là "biểu tượng phát triển mới" của Thủ đô.
Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng lưu ý việc nghiên cứu, bổ sung vào các quy hoạch và quyết định quy hoạch định hướng để sử dụng hiệu quả quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, sông Đuống cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cho phát triển du lịch, dịch vụ.
Chú trọng hơn nữa việc khai thác lợi thế sông, hồ của Hà Nội. |
Thực tế, với hệ thống sông, hồ tự nhiên gắn với yếu tố lịch sử, văn hóa ngàn năm, Hà Nội sở hữu một “mỏ vàng”, chứa đựng trong đó tiềm năng du lịch to lớn.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, cần phải huy động nguồn lực để khai thác triệt để “mỏ vàng” này để mang lại lợi ích kinh tế, phù hợp với chủ trương đưa du lịch thành mũi nhọn, phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô.
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, với vai trò là Thủ đô, Hà Nội đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch, thành phố cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, Chính phủ.
Về vấn đề quy hoạch, sinh thời, Bác Hồ đã luôn định hướng, công tác quy hoạch phải đi trước một bước, tránh phá đi, làm lại. Năm 1959, lần quy hoạch đầu tiên của Hà Nội, Bác đã nhấn mạnh vấn đề trong xây dựng phải có quy hoạch, đồng bộ, làm từng bước và chú ý cả nội và ngoại thành Hà Nội, thành phố phải có nhiều cây xanh.
Từ đó đến nay, Hà Nội trải qua nhiều lần quy hoạch phù hợp với từng giai đoạn lịch sử. Đến giờ, sau khi có Luật quy hoạch năm 2017, Hà Nội đang triển khai quy hoạch giai đoạn 2021-2030. Một trong những yêu cầu của quy hoạch là đánh giá, phát triển, định hướng và mỗi lần đều có giải pháp khác nhau nhưng luôn kế thừa kết quả của quy hoạch giai đoạn trước.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam. |
Quy hoạch lần này sáng tạo và được nâng tầm ở chỗ, Hà Nội vừa nghiên cứu lập quy hoạch giai đoạn 2021-2030 theo kiểu tích hợp, vừa điều chỉnh quy hoạch chung, vừa thực hiện chương trình phát triển du lịch, vừa đưa 7 huyện lên thành quận, xây dựng mô hình mới “Thành phố trong Thủ đô” phù hợp với sự phát triển đô thị trên thế giới.
Với quy hoạch giai đoạn 2021-2030, 3 trục không gian quan trọng được đề cập gồm: Sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm; trục Hồ Tây – Ba Vì kết nối giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh; trục Nhật Tân – Nội Bài là trục đô thị thông minh...
Bên cạnh đó, với những yếu tố văn hóa, truyền thống, lịch sử lâu đời, minh chứng cho Hà Nội có quá trình phát triển lâu dài hơn các Thủ đô khác, chúng ta có trục mới Ba Vì – Hồ Tây và Hồ Tây nối với Cổ Loa… Hà Nội cũng sẽ có những hành lang xanh liên quan đến các dòng sông như sông Nhuệ, để kết nối đường vành đai với trục trung tâm; có hệ thống sông, hồ gắn với lịch sử văn hóa ngàn năm của Thủ đô. Đây chính là tiềm lực to lớn của Hà Nội để phát triển du lịch.
Thực tế, trong định hướng phát triển, Hà Nội đã chú trọng khai thác giá trị mặt nước trên dòng sông. Ví dụ, đối với 2 bên sông Hồng, chúng ta từng có quy hoạch giao thông đường thủy, có tour du lịch trên sông để ngắm cảnh quan, phát triển du lịch tâm linh. Đoạn sông Hồng chảy qua Hà Nội gần 120km, riêng 40 cây số qua trung tâm, đã có tới hơn 20 di tích có ý nghĩa, gắn với văn hóa lâu đời.
Nếu khai thác các bãi bên sông như bãi Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Chương Dương… với diện tích khoảng 2000ha thành điểm du lịch thì vô cùng lợi thế. Chẳng hạn, tại khu vực bãi bồi ven sông, có thể tổ chức các khu chức năng không gian công viên cây xanh, khu chức năng trồng cây ngắn ngày, cây cảnh, cây hoa theo mùa, kết hợp phục vụ khách du lịch.
Nhìn từ quy hoạch của TP Hồ Chí Minh, còn có thể thấy nếu khai thác tốt, sông Hồng còn góp phần giải tỏa giao thông đường bộ trong nội thành. Điều này từng đặt ra trong rất nhiều dự án song đều vướng mắc về phân công, phân cấp và chính sách ưu đãi đầu tư…
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, muốn khai thác dòng sông Hồng, phải giải quyết vấn đề mực nước sông Hồng; phải làm thế nào để ở mức nào cũng khai thác được, rồi kết nối với các bãi bên trong như thế nào, bằng cáp treo hay du thuyền.
Đối với sông Tô Lịch, Kim Ngưu mang rất nhiều yếu tố văn hóa, muốn khai thác được phải làm sạch nhưng không thể chỉ làm sạch một đoạn. Các hồ nước cũng cần phải được chú trọng đảm bảo vệ sinh môi trường, thậm chí còn phải làm mới một số hồ để đảm bảo chống úng ngập. Hà Nội quan tâm đến vấn đề khai thác, phát triển du lịch từ sông hồ nhưng chưa thực sự quyết liệt.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh, muốn làm triệt để, phải có chính sách ưu đãi để huy động nguồn lực, hợp tác công – tư hiệu quả.