Bộ Chính trị nhấn mạnh tăng cường phân cấp, phân quyền cho Hà Nội

Bộ Chính trị lưu ý việc tăng cường phân cấp, phân quyền, cơ chế thí điểm phù hợp, hiệu quả cho Thủ đô, trọng tâm là các lĩnh vực đầu tư, tài chính, tổ chức bộ máy, cán bộ, biên chế nhằm tạo sự chủ động sáng tạo, tăng tính tự chủ, tự lực, tự cường, tự chịu trách nhiệm...
Bộ Chính trị thống nhất nghiên cứu xây sân bay thứ 2 ở Hà Nội Hà Nội phải hoàn thành 14 tuyến đường sắt đô thị trước năm 2035

Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký ban hành Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Trong đó, Bộ Chính trị lưu ý cần tiếp tục rà soát, xác định rõ chức năng, vị trí, vai trò của Thăng Long - Hà Nội trong suốt hơn 1.000 năm lịch sử và các tiềm năng, lợi thế, đặc thù riêng của Hà Nội để khai thác, phát huy tối đa cho phát triển Thủ đô.

Đồng thời, Bộ Chính trị cũng yêu cầu đánh giá cụ thể các hạn chế, bất cập để thấy rõ nguyên nhân gốc rễ của điểm nghẽn, nút thắt, từ đó có tư duy đổi mới, giải pháp đột phá, chiến lược gắn với lộ trình ưu tiên thực hiện; giải pháp thực hiện các quy hoạch cần gắn với hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả với các cơ chế, chính sách ưu tiên, vượt trội để phát triển Thủ đô, gắn với Luật Thủ đô (sửa đổi).

Bộ Chính trị nhấn mạnh tăng cường phân cấp, phân quyền cho Hà Nội
Tăng cường phân cấp, phân quyền cho Thủ đô nhằm tạo sự chủ động sáng tạo, tăng tính tự chủ, tự lực, tự cường, tự chịu trách nhiệm, cơ chế kiểm soát quyền lực trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Thủ đô Hà Nội.

Đặc biệt, Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh việc tăng cường phân cấp, phân quyền, cơ chế thí điểm phù hợp, hiệu quả cho Thủ đô, trọng tâm là các lĩnh vực đầu tư, tài chính, thu hút nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, cơ chế hợp tác công tư, quy hoạch, đất đai, phát triển văn hoá, quản lý phát triển đô thị, quản lý trật tự xây dựng, giao thông, vệ sinh, môi trường, chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, dân cư, tổ chức bộ máy, cán bộ, biên chế nhằm tạo sự chủ động sáng tạo, tăng tính tự chủ, tự lực, tự cường, tự chịu trách nhiệm, cơ chế kiểm soát quyền lực trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Thủ đô Hà Nội.

Trước đó, cho ý kiến góp ý vào Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam), dự luật cần có những quy định tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự quyết cho chính quyền TP Hà Nội để thực hiện cải cách bộ máy, thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó là làm rõ trách nhiệm trực tiếp gắn với thẩm quyền, giải trình trước Đảng, Nhà nước, Nhân dân; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra.

Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh) đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu quy định chính quyền thành phố phân cấp cho cấp dưới, hoặc cơ quan Nhà nước cấp dưới quyết định thực hiện các nhiệm vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao nhằm giảm áp lực công việc cho chính quyền thành phố và giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Bộ Chính trị nhấn mạnh tăng cường phân cấp, phân quyền cho Hà Nội
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh)

Tương tự, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quan trọng quốc gia, trái tim của cả nước, đô thị đặc biệt quan trọng, bộ mặt quốc gia, cửa ngõ giao lưu, hội nhập quốc tế và thường xuyên đón tiếp các nguyên thủ quốc gia.

Do đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, việc phân cấp, ủy quyền cho Hà Nội nhiều hơn nữa là rất cần thiết. Trên cơ sở đó, đại biểu mong muốn lãnh đạo Thủ đô nên ưu tiên lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ hơn là lĩnh vực kinh tế.

Theo ông Ngân, Hà Nội cần tập trung bảo tồn các di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, giá trị văn hóa người Hà Nội, đặc biệt vị trị có giá trị lịch sử thiêng liêng tại các quận Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Hai Bà Trưng...

Trong khi đó, đại biểu Triệu Quang Huy (đoàn Lạng Sơn) cũng thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô gắn với Quy hoạch Thủ đô nhằm nâng cao vị thế Hà Nội là Thủ đô của cả nước.

Đại biểu Triệu Quang Huy đề nghị tiếp tục rà soát các quy định theo hướng bám sát cơ sở chính trị, thực tiễn hoàn thiện chính sách, nhất là Nghị quyết số 15-NQ/TW của Trung ương. Đặc biệt là cần thể hiện rõ các cơ chế, chính sách đặc thù, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho thành phố Hà Nội có điều kiện thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

"Các điều kiện kèm theo cũng cần nêu rõ hệ thống chính sách phát triển nhân lực, nguồn lực tương xứng, trong đó làm rõ cơ chế phân cấp, phân quyền, chế độ trách nhiệm cụ thể", đại biểu Triệu Quang Huy nói.

Hậu Lộc
Phiên bản di động