Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu tập trung GPMB tái định cư, nhà ở xã hội

Ngày 3/10, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 9/2024 nghe và cho ý kiến công tác quản lý Nhà nước tháng 9; triển khai thực hiện nhiệm vụ tháng 10.
Vĩnh Phúc: Khai trương Trang thông tin điện tử Thành ủy Vĩnh Yên Vĩnh Phúc: Tổ chức “Ngày hội Y tế cơ sở phòng chống bệnh không lây nhiễm" Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông đánh giá cao nỗ lực của các sở, ngành, doanh nghiệp đã góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh tăng trưởng ấn tượng trong quý III/2024. Ảnh: Chu Kiều
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông đánh giá cao nỗ lực của các sở, ngành, doanh nghiệp đã góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh tăng trưởng ấn tượng trong quý III/2024.

Phiên họp đã thông qua 25 báo cáo, tờ trình của các sở, ngành theo luật định và chương trình, kế hoạch quan trọng lấy ý kiến tham gia của các đại biểu để triển khai thực hiện trong tháng 10 và các tháng cuối năm.

Trong 9 tháng năm 2024, kinh tế của tỉnh vượt qua khó khăn, dần phục hồi, khởi sắc cả ở 3 khu vực kinh tế. Tốc độ tăng GRDP 9 tháng ước đạt từ 7,2 - 8,2% so với cùng kỳ.

Thu hút đầu tư FDI đạt cao, với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 507,94 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch cả năm 2024 (năm 2024, kế hoạch thu hút vốn FDI đạt 400 triệu USD).

Chánh Văn phòng UBND tỉnh Phan Thế Huy trình bày kết quả công tác cải cách thủ tục hành chính. Ảnh: Chu Kiều
Chánh Văn phòng UBND tỉnh Phan Thế Huy trình bày kết quả công tác cải cách thủ tục hành chính.

Số doanh nghiệp thành lập mới đến ngày 15/9 đạt 1.093; số doanh nghiệp quay trở lại thị trường 288, đưa số doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động trong tháng 9 đạt 1.381.

Trong 9 tháng, tỉnh giải quyết việc làm mới cho hơn 18.000 lao động, đạt 105,9%, vượt mục tiêu năm 2024, trong đó có 759 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 9 tăng 16,56% so với cùng kỳ; chỉ số tồn kho giảm 11,75%; chỉ số tiêu dùng tăng 7,51%. Tính chung chỉ số IIP 9 tháng tăng 12,67% so với cùng kỳ, là mức tăng cao thứ 2 trong giai đoạn 2020 - 2024, chỉ sau mức tăng 15,11% năm 2022.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Xuân Quang phân tích các chỉ số thành phần tạo nên những gam màu sáng cho nền kinh tế của tỉnh những tháng cuối năm. Ảnh: Chu Kiều
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Xuân Quang phân tích các chỉ số thành phần tạo nên những gam màu sáng cho nền kinh tế của tỉnh những tháng cuối năm.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản dù gặp khó khăn do thiên tai nhưng vẫn ổn định. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 141 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao cấp tỉnh trở lên.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn đạt cao, riêng tháng 9 đạt 6.919,7 tỷ đồng, tăng 1,84% so với tháng 8 và tăng 12,36% so với cùng kỳ; lũy kế tổng doanh thu 9 tháng từ lĩnh vực này đạt 58.288 tỷ đồng, tăng 9,01% so với cùng kỳ.

Hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tăng cao, tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước đạt 13,05 tỷ USD, tăng 12,58% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt 13,55 tỷ USD, tăng 26,37% so với cùng kỳ.

Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 9 tháng đạt 20.535 tỷ đồng, bằng 64,6% so với dự toán năm 2024, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu nội địa đạt 18.860 tỷ đồng, bằng 63,9% dự toán giao, tăng 9,8% so với cùng kỳ; thu xuất nhập khẩu đạt 3.675 tỷ đồng, bằng 62% dự toán giao, tăng 2,1% so với cùng kỳ.

Tổng chi ngân sách Nhà nước đạt 12.268 tỷ đồng (chưa bao gồm chi tạm ứng các dự án xây dựng cơ bản), bằng 57,3% so với dự toán, giảm 3,3% so với cùng kỳ.

Đến hết tháng 9, giải ngân vốn đầu tư công đạt 4.487,2 tỷ đồng, bằng 57,3% kế hoạch vốn Trung ương giao, cao hơn bình quân chung của cả nước (đạt 47,29%).

Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên Nguyễn Mạnh Hùng báo cáo khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án.
Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên Nguyễn Mạnh Hùng báo cáo khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án.

Công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực y tế, nội vụ, tư pháp, giáo dục và đào tạo, an sinh xã hội; công tác dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng; công tác bảo đảm an ninh trật tự, an ninh nội bộ và trật tự an toàn xã hội, an ninh - quốc phòng được quan tâm, giữ vững.

Tuy nhiên, tăng trưởng GRDP của tỉnh chưa bền vững, thu hút vốn DDI đạt thấp, bằng 23% so với cùng kỳ; thu ngân sách Nhà nước chưa cao; tăng trưởng hệ thống ngân hàng thấp so với cùng kỳ và kế hoạch; dự án phát triển nhà ở xã hội không đạt mục tiêu đề ra; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp.

Nguy cơ xảy ra sự cố mất an toàn thực phẩm, nguy cơ sạt lở đất khi có mưa lũ lớn và ảnh hưởng thiên tai đến thủy lợi, sản xuất trên địa bàn một số địa phương vẫn còn; tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến của tỉnh thấp hơn trung bình cả nước...

Sau khi nghe các đại biểu báo cáo, tham gia vào 19 báo cáo, tờ trình về phương hướng nhiệm vụ tháng 10 và 2 tháng cuối năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông phân tích những thuận lợi, khó khăn, đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp thu, điều chỉnh kế hoạch phù hợp.

Nâng cao tinh thần trách nhiệm, bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, các nhiệm vụ UBND tỉnh xây dựng trong năm và tháng 10, tiếp tục chỉ đạo điều hành quyết liệt, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, tăng cường thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng.

Tiếp tục mở rộng nguồn thu và điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; quyết liệt xử lý vi phạm đất đai, nhất là trường hợp phát sinh mới; quan tâm công tác bồi thường - giải phóng mặt bằng các dự án còn vướng mắc; đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, nhất là dự án lớn, trọng điểm của tỉnh.

Quan tâm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo mốc thời gian quy định, đảm bảo hoàn thành mục tiêu; nâng cao hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin vào thực tiễn; quan tâm vấn đề bảo vệ môi trường...

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông giao Sở Tài nguyên và Môi trường bám sát Luật Đất đai mới phối hợp triển khai hiệu quả việc thực hiện giá đất, ban hành văn bản, giao quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân, đẩy nhanh giải quyết hồ sơ tồn đọng.

Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành kịch bản chương trình hành động kinh tế vĩ mô của tỉnh, dự báo đầu tư công trung hạn 2026 -2030 đúng nguyên tắc.

Sở Tài chính thực hiện tiết kiệm chi từ sự nghiệp; rà soát nguồn cân đối đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp điều kiện thực tế của tỉnh.

Cục Thuế tỉnh đẩy mạnh thu thuế, hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước; Sở Công thương theo dõi sát tình hình xuất nhập khẩu, báo cáo khó khăn triển khai các dự án điện; Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh theo dõi mặt bằng thu hút đầu tư; Sở Xây dựng tháo gỡ khó khăn trong việc xây dựng khu đô thị, nhà ở xã hội. Cục Thống kê đánh giá, tham mưu sát với các chỉ tiêu của tỉnh.

Các huyện, thành phố tập trung giải phóng mặt bằng tái định cư, nhà ở xã hội. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện khắc phục thiệt hại do bão số 3 và các nhiệm vụ trọng tâm, lĩnh vực được phân công hiệu quả, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu KT-XH đề ra.

Lê Sơn
Phiên bản di động