Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo khắc phục hậu quả sau mưa lũ tại Yên Lạc
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông kiểm tra trạm bơm Nguyệt Đức - Yên Phương |
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông cho biết, những ngày qua, do ảnh hưởng của bão số 3, các tỉnh miền Bắc có mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về làm mực nước sông Hồng dâng cao, một số xã ven đê của huyện Yên Lạc bị nước tràn vào nhấn chìm nhiều diện tích chăn nuôi, hoa màu, gây thiệt hại nặng nề cho Nhân dân.
Kiểm tra tại trạm bơm tiêu Nguyệt Đức – Yên Phương thuộc Dự án chống ngập lụt tỉnh và công tác ứng phó mưa bão tại xã Liên Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông đánh giá cao tinh thần chủ động tích cực phòng chống lụt bão theo phương châm “4 tại chỗ” của các lực lượng chức năng huyện Yên Lạc.
Trong đó, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc biểu dương những nỗ lực của các công nhân trạm bơm Nguyệt Đức – Yên Phương trong việc điều hành hoạt động các tổ máy, phát huy hết công suất tiêu thoát nước, đảm bảo an toàn cho nhân dân.
Từ đó cho thấy hiệu quả của trạm bơm tiêu Nguyệt Đức – Yên Phương thuộc Dự án chống ngập lụt tỉnh trong việc tăng cường khả năng chống lũ, chống ngập, giúp cắt giảm điều tiết lũ cho lưu vực sông Phan, sông Cà Lồ; tăng khả năng tiêu thoát lũ; làm giảm thiểu tác động của thiên tai trên địa bàn huyện và các vùng lân cận, trong đó có thành phố Vĩnh Yên.
Đánh giá cao tinh thần không quản ngại khó khăn, nguy hiểm của cán bộ, nhân dân xã Liên Châu trong việc di dời tài sản, vật nuôi khỏi ảnh hưởng của lũ lụt, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông đề nghị xã Liên Châu tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến thời tiết; huy động lực lượng dọn dẹp đường giao thông, vệ sinh môi trường; phòng, chống dịch bệnh; huy động tối đa nhân lực, phương tiện, thiết bị, vật tư để hỗ trợ đời sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh sau bão…
Kiểm tra công tác ứng phó với mưa bão tại xã Liên Châu |
Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã đề nghị huyện Yên Lạc tiếp tục chỉ đạo các lực lượng tiếp tục khắc phục hậu quả sau mưa lũ. Hiện nay, mực nước trên sông Hồng tại trạm đo thủy văn Đại Định là +14,30m, dưới báo động II là 0,1m và yêu cầu các địa phương tiếp tục duy trì lực lượng, phương tiện, vật tư bảo an toàn hệ thống đê điều theo cấp báo động số I. Tổ chức kiểm tra đê, kè, cống, nhất là cống qua đê và các công trình đê điều phía sông để phát hiện, xử lý kịp thời những loại hình sự cố thường xảy ra khi lũ rút.
Đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo để người dân không qua lại chỗ nguy hiểm có nguy cơ đổ sập và sạt lở cao…đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.