Chủ tịch Quốc hội: Ngăn rủi ro "bắt sóng" xuất khẩu, để hổng thị trường trong nước

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, ngành nông nghiệp cần lấy yếu tố bảm bảo chất lượng gạo và thương hiệu, bảo đảm tiến độ giao hàng là giải pháp “sâu rễ, bền gốc”.
Nếu không có bất thường, nhu cầu gạo trong nước và xuất khẩu đủ đến cuối năm Bộ trưởng Lê Minh Hoan sẽ trả lời chất vấn về xuất khẩu gạo, an ninh lương thực

Chiều 15/8, phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhóm vấn đề nông nghiệp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận ngành nông nghiệp có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế.

Các cân đối cung - cầu, an ninh lương thực quốc gia được bảo đảm vững chắc; nguồn cung, sản lượng lúa gạo, thịt, thuỷ sản đều tăng so với cùng kỳ năm trước đáp ứng tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ ngành liên quan và địa phương ban hành nhiều văn bản theo thẩm quyền để hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản, quy định của Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không theo quy định và không khai báo (IUU); tạo cơ sở pháp lý để phát triển nghề cá bền vững.

Chủ tịch Quốc hội: Ngăn rủi ro
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhu cầu thị trường trong nước phục hồi chậm, thị trường nông sản xuất khẩu có nhiều biến động, số lượng đơn hàng giảm, giá vật tư nông nghiệp, phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng, kết nối, điều hòa cung – cầu còn bất cập; việc phát triển bền vững nông nghiệp nói chung, ngành thủy sản nói riêng còn nhiều thách thức…

Từ các vấn đề đặt ra, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế.

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nông sản. Trong đó cần khẩn trương hoàn thiện chính sách, pháp luật phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản chủ lực; cập nhật, phân tích đánh giá thông tin, diễn biến thị trường một cách toàn diện, cẩn trọng để kịp thời phổ biến, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt khó, tận dụng cơ hội thị trường; củng cố các thị trường hiện có, khai mở các thị trường mới cho nông sản Việt Nam.

Lãnh đạo Quốc hội cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát diễn biến thị trường và giá lương thực trên thế giới, có kế hoạch vừa đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, vừa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu tăng cao; ngăn ngừa rủi ro “bắt sóng xuất khẩu, để hổng thị trường trong nước” cần lấy yếu tố bảm bảo chất lượng gạo và thương hiệu, bảo đảm tiến độ giao hàng là giải pháp “sâu rễ, bền gốc”.

Về chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đơn vị đôn đốc lập, phê duyệt trong năm 2023 các quy hoạch tỉnh, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện; các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành liên quan có sử dụng đất, đảm bảo tuân thủ chỉ tiêu sử dụng đất, đồng bộ, thống nhất với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia.

Đồng thời, các đơn vị phải kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi đất trồng lúa, nhất là đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp, đặc biệt là đất khu công nghiệp. Xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất và xây dựng nhà trái phép. Hài hòa lợi ích giữa các bên trong quá trình chuyển đổi đất đai theo quy hoạch, nhất là bảo đảm cuộc sống cho người bị thu hồi đất.

Hậu Lộc
Phiên bản di động