Chủ tịch Quốc hội: Luật Đấu thầu sửa đổi phải ngăn ngừa hành vi tiêu cực, tham nhũng
Chưa thể đấu thầu dự án điện năng lượng tái tạo với tiêu chí giá cạnh tranh Chủ tịch Quốc hội: Tiêu cực trong đấu thầu, luật “hổng” ở đâu? |
Sáng 15/3, tại Phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Báo cáo một số vấn đề lớn và nội dung còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, về nội dung liên quan đến vấn đề vốn Nhà nước từ hoạt động tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, theo quy định của Luật Đầu tư công, nguồn vốn đầu tư từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công là vốn đầu tư công, do đó phải thực hiện đấu thầu và được thực hiện ổn định từ trước đến nay.
Vì vậy, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách thống nhất không quy định tách riêng phần thu từ hoạt động tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Về đối tượng điều chỉnh đối với vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và quy định đối tượng áp dụng đối với dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có trên 50% vốn thuộc sở hữu của doanh nghiệp Nhà nước. Đồng thời đề nghị cân nhắc để tránh làm hạn chế tính chủ động của các doanh nghiệp, trường hợp cần thiết, chỉ quy định các công ty con của các doanh nghiệp Nhà nước có 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp Nhà nước…
Liên quan đến vấn đề chỉ định thầu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã phối hợp các cơ quan rà soát, chỉnh lý Điều 23 dự thảo luật mới theo hướng giảm một số trường hợp chỉ định thầu. Đồng thời, bổ sung luật hóa quy định đang được hướng dẫn tại Nghị định về hạn mức áp dụng chỉ định thầu tại điểm k khoản 1 của điều 23 của dự thảo luật.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. |
Về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị phối hợp với ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý, luật hóa tối đa quy định tại Quyết định số 17/2019 của Thủ tướng Chính phủ về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo hướng: Quy định rõ trường hợp đặc biệt đối với gói thầu mua sắm thông qua các tổ chức quốc tế; gói thầu mua sắm vắc xin trong quá trình thử nghiệm, có yêu cầu đặc thù của nhà sản xuất về điều kiện mua, thanh toán, bảo lãnh…
Về vấn đề đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách thống nhất với quy định tại dự thảo luật vì theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 2 dự thảo Luật, dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) là các dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đất đai.
Về đấu thầu qua mạng, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhận thấy, đây là những hình thức ứng dụng công nghệ mua sắm mới, có những đặc thù khác biệt với quy trình thực hiện các hình thức lựa chọn nhà thầu.
Do đó, để bảo đảm tính linh hoạt, cũng như có cơ sở pháp lý để Chính phủ hướng dẫn cụ thể, phù hợp với thực tiễn, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề xuất bổ sung nguyên tắc áp dụng trong trường hợp này và giao Chính phủ quy định chi tiết về hình thức, quy trình, đối tượng phù hợp với tính năng mới của hệ thống mạng, bảo đảm mục tiêu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong đấu thầu.
Phát biểu tại phiên họp,Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) với 180 lượt ý kiến thảo luận tại tổ và 18 ý kiến phát biểu tại hội trường. Cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã tổng hợp và nghiên cứu tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo luật.
Tại phiên họp này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị tập trung cho ý kiến và lưu ý một số vấn đề như việc đảm bảo quan điểm, mục tiêu định hướng chính sách lớn đặt ra khi sửa đổi luật và đủ điều kiện trình Quốc hội thảo luận xem xét thông qua, việc tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các nội dung cần được hoàn thiện thêm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị thảo luận và cho biết quan điểm về 3 vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau gồm: Đối tượng điều chỉnh đối với vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước trên 50% vốn điều lệ thì áp dụng các quy định của Luật Đấu thầu khác với phương án Chính phủ trình.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) là nội dung quan trọng liên quan nhiều đến việc sử dụng vốn, tài sản Nhà nước, các thủ tục, cách thức, quy trình, cải cách thủ tục hành chính, minh bạch, công khai môi trường đầu tư kinh doanh, ngăn ngừa các hành vi tiêu cực, tham nhũng.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội cho ý kiến về các nội dung còn ý kiến khác nhau và một số nội dung còn cảm thấy băn khoăn..
Về phạm vi đối tượng áp dụng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng nên áp dụng cả đối với việc sử dụng vốn nhà nước trong đầu tư, đối với các doanh nghiệp dưới 50% vốn điều lệ và kể cả những doanh nghiệp mà không có một đồng vốn nhà nước vẫn phải áp dụng. Bởi vì việc sử dụng vốn nhà nước với lại vốn nhà nước tại đơn vị là 2 khái niệm khác nhau.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, kể cả doanh nghiệp không có đồng vốn nhà nước nào nhưng sử dụng vốn nhà nước để đầu tư, do Nhà nước giao nhiệm vụ đầu tư thì phải đấu thầu. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, không sợ quy định này làm chậm quá trình mà làm minh bạch, công khai.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thiết kế lại quy định này để đảm bảo khái quát; trong trường vẫn giữ cách thức thiết kế theo phương pháp liệt kê thì nên viết cụ thể thêm, bổ sung đối với các dự án đầu tư khác mà có sử dụng vốn nhà nước, dự án đầu tư khác có sử dụng vốn Nhà nước.
Chủ tịch Quốc hội lý giải, quy định này có nghĩa là kể cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp dưới 50% vốn nhà nước, doanh nghiệp không có vốn Nhà nước mà có sử dụng vốn Nhà nước thì phải đấu thầu và không hạn chế tỷ lệ phần trăm.