Không để "quân xanh, quân đỏ" lũng đoạn khi đấu thầu làm cao tốc

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu phải bảo đảm cạnh tranh, công bằng và minh bạch, không hình thức, không để xảy ra tình trạng "quân xanh, quân đỏ" khi đấu thầu.
Khởi công cao tốc hơn 17.000 tỷ đồng, nối TP HCM với Tây Nguyên Năm 2025 sẽ khởi công 6 dự án đường bộ cao tốc quy mô lớn

Văn bản số 908/VPCP-CN ngày 6/2/2025 của Văn phòng Chính phủ nêu: Xét báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình triển khai một số dự án đầu tư xây dựng các đoạn tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, Ninh Bình - Hải Phòng các đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng, tỉnh Nam Định, tỉnh Thái Bình và quy trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hướng dẫn các địa phương là cơ quan có thẩm quyền thực hiện lựa chọn nhà đầu tư triển khai các dự án theo phương thức PPP theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 564/TB-VPCP ngày 19/12/2024 của Văn phòng Chính phủ, bảo đảm cạnh tranh, công bằng và minh bạch, không hình thức, không để xảy ra tình trạng "quân xanh, quân đỏ" khi đấu thầu; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định để có thể lựa chọn nhanh nhất được nhà đầu tư, nhà thầu có kinh nghiệm và tiết kiệm chi phí hơn việc đấu thầu.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương là cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án theo phương thức PPP chủ động, đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư, tổ chức triển khai dự án theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, sớm hoàn thành các dự án để phát huy hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí.

Không để
Ảnh minh họa.

Theo Bộ Giao thông vận tải, năm 2025, có 19 dự án giao thông mới sẽ được khởi công và có đến 50 dự án cán đích, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu 3.000km đường bộ cao tốc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, có 6 dự án đường bộ cao tốc đặc biệt quy mô lớn sẽ được khởi công trong năm nay.

Theo đó, dự án đầu tư xây dựng tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn có điểm đầu kết nối đường cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn; điểm cuối dự án kết nối đường cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng, TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn. Tổng mức đầu tư dự án là 5.750 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Dự án mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cao Bồ - Mai Sơn có điểm đầu dự án kết nối với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thuộc địa phận xã Yên Bằng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định; điểm cuối kết nối với Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, thuộc địa phận xã Mai Sơn, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.

Dự án có chiều dài khoảng 15,245km sẽ được đầu tư mở rộng 2 làn xe bên trái đường hiện hữu, bề rộng nền đường mở rộng 15,25m (đảm bảo quy mô hoàn thiện 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25m). Tổng mức đầu tư dự án là 1.875,616 tỷ đồng, được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Dự án mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn có chiều dài tuyến khoảng 98,35km, hướng tuyến bám theo tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đang khai thác. Dự án có điểm đầu (Cam Lộ) tại Km0+000, kết nối với điểm cuối dự án đường bộ cao tốc đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ thuộc địa phận xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị; điểm cuối (La Sơn) tại khoảng Km102+200, kết nối với điểm đầu dự án La Sơn - Hòa Liên thuộc địa phận xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Dự án thực hiện đầu tư mở rộng nền, mặt đường và các công trình trên tuyến từ quy mô 2 làn xe lên 4 làn xe. Đây là dự án nhóm A, đầu tư theo hình thức đầu tư công. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 6.488 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Dự án mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn La Sơn - Hòa Liên có điểm đầu (La Sơn) có điểm đầu (Km0), kết nối với điểm cuối của tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, thuộc địa phận thị trấn La Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế; điểm cuối (Hòa Liên) kết nối với điểm đầu tuyến Hòa Liên - Túy Loan, thuộc địa phận xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng.

Dự án thực hiện đầu tư mở rộng theo quy mô mặt cắt ngang với 4 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 22m, mặt đường rộng 20,5m. Tổng mức đầu tư Dự án là 3.010 tỷ đồng được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước.

Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 có chiều dài tuyến khoảng 26,6 km; điểm đầu kết nối với tuyến N2 tại lý trình khoảng Km 96+875 (lý trình N2) thuộc thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp; điểm cuối tại nút giao An Bình (đầu cầu Cao Lãnh), thuộc huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Dự án có bình đồ, mặt cắt dọc và các yếu tố hình học phù hợp với tiêu chuẩn đường cao tốc có vận tốc thiết kế 100km/h; mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 6 làn xe, mặt cắt ngang giai đoạn 1 được phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường 17m, bề rộng mặt đường 16m.

Tổng mức đầu tư của dự án là 6.127,819 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc (thông qua Quỹ Hợp tác Phát triển Kinh tế - EDCF) khoảng 4.462,465 tỷ đồng; vốn đối ứng khoảng 1.665,354 tỷ đồng.

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú giai đoạn 1 theo phương thức PPP có điểm đầu tại khu vực nút giao với Quốc lộ 1, kết nối với cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, thuộc địa phận thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối kết nối với Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng), thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Tổng chiều dài Dự án khoảng 60,24km.

Dự án có đình đồ, mặt cắt dọc và các yếu tố hình học phù hợp với tiêu chuẩn đường cao tốc có vận tốc thiết kế 100km/h. Mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường 24,75m; mặt cắt ngang giai đoạn 1 được phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường 17m, mặt đường 16m. Tổng mức đầu tư của dự án là 8.981,539 tỷ đồng, trong đó vốn do nhà đầu tư huy động khoảng 7.681,539 tỷ đồng.

Hậu Lộc
Phiên bản di động