Chủ tịch Quốc hội: Tiêu cực trong đấu thầu, luật “hổng” ở đâu?
Sở TN&MT Thanh Hóa có "tiếp tay" cho doanh nghiệp vi phạm luật Đấu thầu tại thị xã Bỉm Sơn? Hàng loạt gói thầu tiền tỷ tại Viễn thông Sơn La có vi phạm Luật đấu thầu? |
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày dự án Luật tại phiên họp |
Trình bày Tờ trình tóm tắt dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự án Luật lần này có nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu.
Sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp chỉ định thầu nhằm tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi để áp dụng trong các trường hợp cấp bách hoặc cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, trọng điểm như: Gói thầu phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh; Gói thầu thuộc các dự án quan trọng quốc gia cần triển khai ngay theo Nghị quyết của Quốc hội; Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn; gói thầu thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Dự án Luật cũng làm rõ, phân định cụ thể các trường hợp, điều kiện áp dụng chỉ định thầu và điều kiện áp dụng lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.
Dự án Luật đẩy mạnh phân cấp cho Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong việc quyết định lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định về danh mục, quy trình lựa chọn nhà thầu đối với trường hợp gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên của các cơ quan nhà nước có phạm vi áp dụng chung trên cả nước; Chấp thuận chủ trương đối với dự án, gói thầu có quy mô lớn, liên quan đến quốc phòng, an ninh, biên giới lãnh thổ.
Đáng chú ý là hoàn thiện quy định về tiêu chí bảo đảm cạnh tranh trong nội dung hồ sơ mời thầu nhằm hạn chế tình trạng “cài cắm” tiêu chí đánh giá, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp |
Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, Thường trực Ủy ban TCNS tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; Góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong đấu thấu, lựa chọn nhà thầu và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước.
Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị làm rõ nội hàm “yêu cầu cao và tính đặc thù” để tránh tùy tiện và lạm dụng khi thực hiện đối với đấu thầu hạn chế. Dự án Luật đã bổ sung, mở rộng thêm nhiều trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu. Do vậy, cần giới hạn việc áp dụng chỉ định thầu với các trường hợp đặc thù.
Thảo luận dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu thực tế vừa qua nổi lên tình trạng về tham nhũng, tiêu cực, gian lận trong đấu thầu. "Trong đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng đã chỉ ra việc tham nhũng xảy ra trong đấu thầu rất nhiều. Vậy khi có tham nhũng, tiêu cực trong đấu thầu thì có nguyên nhân nào do hệ thống pháp luật không, trong dự án Luật đấu thầu sửa đổi lần này quy định vấn đề này ở điều nào", Chủ nhiệm Lê Thị Nga đặt câu hỏi.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, phải nhận diện rõ vấn đề trong đấu thầu đầu tư công, phần lớn là do thủ tục hành chính nên dẫn đến kéo dài... Vậy khi sửa đổi luật lần này cần nhận diện rõ ở điều nào, khoản nào gây ách tắc dẫn đến đấu thầu kéo dài, phải chỉ rõ ra.
Nêu vấn đề thực trạng hiện nay kết quả giảm giá qua đấu thầu rất thấp. Theo lý giải của các cơ quan đưa ra đều viện cớ để sau đó chỉ định thầu. "Tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông thầu, tham nhũng, tiêu cực thì luật khắc phục ở chỗ nào? Chắc chắn là có lỗ hổng thì mới diễn ra tình trạng này và lỗ hổng hiện nay có phải ở luật không, hay ở khâu tổ chức thực hiện? Hổng ở đâu và bịt lỗ hổng như thế nào?”- Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề; đồng thời cho rằng, lần sửa Luật này cần luật hóa tất cả các khâu và công khai.