Chủ tịch Quốc hội: Kinh tế báo chí rất khó khăn

Kinh tế báo chí rất khó khăn trong điều kiện quảng cáo trên nền tảng trực tuyến rất phát triển như hiện nay nên cần có những đề xuất trong dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Quốc hội khóa XV triệu tập kỳ họp thứ 7 Chính phủ đề xuất cơ chế đặc thù xây cao tốc kết nối Tây Nguyên - Đông Nam Bộ

Đây là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi thảo luận về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 32, diễn ra ngày 23/4.

Chủ tịch Quốc hội cho biết dự thảo luật đã liệt kê 26 nhóm đối tượng không chịu thuế, trong đó chuyển 10 nhóm hàng hóa sang chịu thuế 5%...

Đáng chú ý, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề cập đến lĩnh vực báo chí xuất bản có đưa vào luật này hay không?.

"Hiện nay báo giấy với báo điện tử thì đều khó khăn cả. Kinh tế báo chí rất khó khăn trong điều kiện quảng cáo trên nền tảng trực tuyến rất phát triển như hiện nay. Lĩnh vực báo chí đang rất khó, các đồng chí cũng nên nghiên cứu thêm chỗ này", Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề.

Chủ tịch Quốc hội: Kinh tế báo chí rất khó khăn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Trước đó, báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) dự kiến gồm 4 Chương, 16 Điều. Dự thảo luật về cơ bản vẫn được kế thừa từ luật hiện hành nhưng có chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp với nội dung chính sách.

Trong đó, về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, dự thảo luật vẫn giữ nguyên 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng nhưng đã thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng trong 26 nhóm này.

Chủ tịch Quốc hội: Kinh tế báo chí rất khó khăn
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Theo đó, dự thảo luật sửa đổi đã bỏ 12 loại hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng gồm: Phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; lưu ký chứng khoán; dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; dịch vụ bưu chính công ích; dịch vụ viễn thông công ích; dịch vụ Internet phổ cập theo chương trình của Chính phủ; dịch vụ duy trì vườn thú; dịch vụ duy trì vườn hoa, công viên; dịch vụ duy trì cây xanh đường phố; dịch vụ chiếu sáng công cộng.

Thẩm tra sơ bộ dự thảo luật, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội bày tỏ nhất trí về sự cần thiết sửa đổi luật để giải quyết các bất cập trong thực tiễn cũng như hoàn thiện chính sách thu, phù hợp với mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.

Về mục tiêu, quan điểm và phạm vi các nội dung sửa đổi, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ bám sát các mục tiêu, định hướng đã được xác định trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 để cân nhắc bổ sung phạm vi các nội dung chính sách được sửa đổi, bảo đảm tính bao quát, tổng thể đối với các nguồn thu, ít nhất là trong trung hạn của hệ thống chính sách thuế giá trị gia tăng.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, đáp ứng chiến lược cải cách thuế, đặc biệt lưu ý đến quan điểm sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, phí theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, gắn với cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế và áp dụng mức thuế suất hợp lý; định hướng tiến tới cơ bản áp dụng một mức thuế suất và thực hiện tăng thuế theo lộ trình.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ rà soát phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự án Luật để đáp ứng quan điểm, mục tiêu, yêu cầu sửa đổi luật; khắc phục khó khăn, vướng mắc của luật hiện hành, hoàn thiện các quy định, đảm bảo bao quát trong trung hạn chính sách thuế giá trị gia tăng.

Hậu Lộc
Phiên bản di động