Chính phủ đề xuất cơ chế đặc thù xây cao tốc kết nối Tây Nguyên - Đông Nam Bộ

Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư xây dựng dự án đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành dài 128,8km với quy mô 4 làn xe đầy đủ, tổng mức đầu tư sơ bộ 25.540 tỷ đồng.
Thủ tướng đề nghị ưu tiên ngân sách để nâng cấp cao tốc 2 làn xe Có 5 tuyến cao tốc 2 làn xe sẽ được nâng cấp, mở rộng lên 4 làn

Chiều 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về tờ trình của Chính phủ về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Ttrình bày tờ trình tại phiên họp, Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành là dự án trọng điểm quốc gia, việc triển khai không chỉ tạo động lực, sức lan tỏa, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên mà còn góp phần hoàn thiện mạng lưới cao tốc theo quy hoạch liên kết vùng.

Mục tiêu đầu tư dự án nhằm kết nối Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, kết nối TP HCM với các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai và các địa phương khác trong vùng, tạo không gian phát triển mới; khai thác tiềm năng sử dụng đất, phát triển du lịch, công nghiệp chế biến, khai khoáng… góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và quốc gia theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành có điểm đầu giao đường Hồ Chí Minh (QL14) tại Km1915+900, thuộc địa phận huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông; điểm cuối kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đức Hòa, thuộc địa phận thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

Chính phủ đề xuất cơ chế đặc thù xây cao tốc kết nối Tây Nguyên - Đông Nam Bộ
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Tổng chiều dài dự án khoảng 128,8km; trong đó đoạn qua địa phận Bình Phước khoảng 101km, đoạn qua địa phận Đắk Nông khảng 27,8km; chiều dài đường cao tốc khoảng 126,8km, chiều dài đoạn tuyến kết nối từ nút giao với cao tốc TP HCM - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đức Hòa khoảng 2km.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, theo quy hoạch, dự án sẽ có quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh; giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch 6 làn xe. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 25.540 tỷ đồng, bao gồm 12.770 tỷ đồng vốn Nhà nước và 12.770 tỷ đồng vốn do nhà đầu tư huy động.

Trên cơ sở các quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng và thực tiễn triển khai một số dự án cao tốc quan trọng quốc gia đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư trong thời gian qua, Chính phủ đề xuất phân chia Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành thành 5 dự án thành phần (gồm 1 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP - đối tác công tư và 4 dự án thành phần đầu tư công).

Về tiến độ dự kiến, theo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, dự án sẽ tiến hành chuẩn bị đầu tư từ năm 2023, thực hiện từ năm 2024, phấn đấu hoàn thành vào năm 2026. Cụ thể, chuẩn bị dự án năm 2023 - 2024; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư năm 2024 - 2025; thi công xây dựng từ năm 2025, phấn đấu hoàn thành năm 2026.

Về một số đề xuất cơ chế, chính sách đầu tư dự án, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép dự án áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù.

Chính phủ đề xuất cơ chế đặc thù xây cao tốc kết nối Tây Nguyên - Đông Nam Bộ
Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng.

Về nguồn vốn, Chính phủ đề xuất Quốc hội chấp thuận bố trí 8.770 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách Trung ương năm 2022 và 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025.

Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép kéo dài thời gian giải ngân đến hết năm 2026 đối với số vốn bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách Trung ương năm 2022 để thực hiện dự án (8.770 tỷ đồng).

Về cơ chế chỉ định thầu, Chính phủ đề xuất cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư và áp dụng trong 2 năm kể từ ngày dự án được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để thực hiện dự án, Chính phủ đề xuất cho phép trong giai đoạn triển khai, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng.

Việc khai thác khoáng sản quy định tại khoản này được thực hiện đến khi hoàn thành dự án. Trường hợp không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản thì không phải thực hiện thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ dự án có ý nghĩa quan trọng. Trước đây dự án được các đại biểu Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội đề xuất.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định sự cần thiết và bày tỏ ủng hộ về mặt chủ trương đầu tư dự án này bởi dự án có ý nghĩa chiến lược giúp kết nối khu vực Tây Nguyên với Đông Nam Bộ, tạo điều kiện phát triển cho các địa phương trong khu vực.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều mong muốn dự án được trình sớm hơn. Tuy nhiên, để bảo đảm chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm các yêu cầu đề ra nên đến nay các cơ quan mới hoàn thiện hồ sơ để trình.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra và các ý kiến tại phiên họp để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, bổ sung báo cáo ý kiến của Kiểm toán Nhà nước để hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội chủ trương đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) tại kỳ họp thứ 7.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ lưu ý một số vấn đề: Tiếp tục rà soát để đảm bảo đầu tư dự án phù hợp với các quy hoạch, các chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất, đề xuất tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư và phương án thiết kế sơ bộ đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định pháp luật, tránh ảnh hưởng đến môi trường hệ sinh thái.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đánh giá kỹ các yếu tố tác động đến tiến độ triển khai để có giải pháp đến năm 2026 cơ bản hoàn thành dự án, đặc biệt là việc thu hồi đất, đền bù hỗ trợ tái định cư, việc lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP, khả năng bố trí nguồn lực và khả năng hấp thụ vốn và giải ngân vốn...

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung hồ sơ, báo cáo rõ sự cần thiết phù hợp, tuân thủ một số nội dung có liên quan đến giảm chiều dài đầu tư, đầu tư thêm 2km tuyến kết nối, phân tích rõ hơn về phương án hỗ trợ tái định cư, chi phí liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng... đền bù hỗ trợ tái định cư phải công khai minh bạch đúng quy định đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân và phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp các ngành các địa phương và quyết tâm để đảm bảo tiến độ việc thực hiện dự án.

Về các cơ chế đặc thù, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất trình Quốc hội cho phép dự án áp dụng các cơ chế về tổ chức thực hiện dự án, chỉ định thầu, khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường để thực hiện dự án. Tuy nhiên, cần rà soát điều chỉnh lại các nội dung cơ quan thẩm tra đề nghị cụ thể, chỉ đề xuất các cơ chế chỉ định thầu đối với các nội dung vượt quá quy định của Luật Đấu thầu; bổ sung các quy định nhà thầu thi công và UBND các tỉnh phải thực hiện tương tự tại khoản 2 khoản 3 Điều 4 Nghị quyết 106 của Quốc hội.

Hậu Lộc
Phiên bản di động