Chủ tịch Hà Nội yêu cầu tập trung xử lý giao thông, cấp điện, tiêu nước sau bão

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung xử lý giao thông, cấp điện, tiêu nước sau bão, sớm ổn định đời sống cho người dân.
Hoài Đức: Không có thiệt hại về người do bão Yagi Quận Hoàng Mai: Gần 100 cán bộ, chiến sĩ lực lượng Quân đội khắc phục sự cố do bão

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Công thương, Công an thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô và Tổng công ty Điện lực Hà Nội tập trung xử lý thông đường giao thông sau bão, khôi phục cấp điện phục vụ tiêu nước, phục vụ sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân Thủ đô.

Ngay khi có các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai bất lợi và các chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương, thành phố, các cấp, ngành đã chủ động triển khai công tác phòng ngừa, ứng phó với bão số 3 theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Một số nhiệm vụ, phương án cụ thể tiếp tục được triển khai gồm: Chỉ đạo vận hành trạm bơm tiêu thoát nước đệm, triển khai các biện pháp hạ thấp mực nước hồ chứa thủy lợi; rà soát dừng thi công các công trình có nguy cơ ảnh hưởng của bão, đặc biệt là thực hiện nghiêm công tác cấp phép thi công các công trình liên quan đến đê điều, thủy lợi theo quy định, rà soát các khu vực nguy hiểm, xung yếu nhằm bảo đảm an toàn cho nhân dân ở mức cao nhất, cũng như bảo đảm an toàn cho học sinh những ngày đầu năm học mới.

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu tập trung xử lý giao thông, cấp điện, tiêu nước sau bão
Cây đổ ngổn ngang do bão Yagi.

Thường trực Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu các ban, sở, ngành, địa phương tập trung kiểm tra công tác bảo đảm an toàn hệ thống lưới điện, phải huy động tối đa, bảo đảm có điện cao nhất và khắc phục sự cố nhanh nhất, duy trì cung ứng điện khi có mưa, lũ xảy ra; đặc biệt bảo đảm điện phục vụ cho các công trình tiêu úng, thoát lũ.

Các địa phương, đơn vị theo dõi sát tình hình bão, lũ, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, khai thác và ngăn nguy cơ ngập lụt từ lũ rừng ngang; bảo đảm dự trữ, cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu của người dân.

Đồng thời, các đơn vị chủ động kích hoạt các trạm bơm tiêu để đón trước các khu vực trọng điểm tiêu úng; triển khai các biện pháp bảo vệ hồ đập, đê điều, nhất là khu vực các huyện: Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thạch Thất...

Trước đó, trả lời báo chí, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài ghi nhận và đánh giá cao cán bộ, chiến sĩ lực lượng quân đội, công an cùng cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương đã thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, TP; chủ động triển khai từ sớm, từ xa các phương án phòng, chống bão số 3.

Đồng thời, Bí thư Thành ủy cũng biểu dương sự chủ động phòng, chống bão và tinh thần hợp tác, phối hợp của người dân. Nhờ sự chung sức, đồng lòng của cả TP nên đã trước mắt giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.

Về các nhiệm vụ trong những ngày tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, theo sát diễn biến của mưa bão; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và Nhân dân.

Theo Bí thư Thành ủy, bão có thể suy yếu nhưng tình hình thời tiết do ảnh hưởng trong những ngày tới vẫn rất đáng lo ngại. Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là phải bảo đảm an toàn sức khoẻ tính mạng của Nhân dân và hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của người dân và Nhà nước. Hơn lúc nào hết, đây là lúc người dân cần sự hỗ trợ, các lực lượng chức năng phải làm hết lòng, hết sức với trách nhiệm cao nhất vì Nhân dân.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP, Ban Cán sự đảng UBND TP, các quận ủy, huyện ủy, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy, các ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ TP chủ động nắm sát tình hình địa bàn cơ sở theo sự phân công. Triển khai nghiêm, hiệu quả, chặt chẽ các phương án phòng, chống bão, lũ; tập trung bảo vệ những mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, những địa bàn xung yếu, những nơi có nguy cơ mất an toàn đối với người dân như có thể xảy ra lũ quét, sạt lở đất, nhà cửa có nguy cơ sụt lún, đổ sập; chỉ đạo tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ người dân tránh trú an toàn; kiên quyết di dời người dân ra khỏi chung cư nguy hiểm, nơi cư trú có nguy cơ cao, người dân thuyền chài, các tàu, thuyền, bè trên sông, hồ vào nơi tránh trú an toàn...

Đặc biệt, các cấp ủy Đảng chỉ đạo hệ thống chính trị nắm bắt sâu sát tình hình nhân dân; huy động sự vào cuộc của MTTQ và các tổ chức chính trị, đoàn thể, nhất là đoàn viên thanh niên, phụ nữ quan tâm chăm sóc, kịp thời hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già, neo đơn, ốm yếu, hộ nghèo, gia đình chính sách; kịp thời cung cấp lương thực, thực phẩm và các vận dụng thiết yếu khác khi cần thiết; quyết tâm không để người dân nào bị đói, bị rét, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Hậu Lộc
Phiên bản di động