Chọn ngành học như thế nào để dễ xin việc và phát triển lâu dài?
400 thiếu nhi hưởng ứng cuộc thi vẽ tranh “Làm nghìn việc tốt” |
Ngành học “hot” chỉ theo thời điểm
Nếu như tầm khoảng mười năm trước, các nhóm ngành ngành nổi bật khiến mọi người đổ xô đăng ký gồm có: Kiến trúc, kế toán, ngân hàng,... thì vài năm trở lại đây đa phần các thí sinh sẽ lựa chọn: Công nghệ thông tin, truyền thông, marketing….
Mỗi giai đoạn, mỗi thời điểm, nhu cầu xã hội sẽ thay đổi, vì thế, những ngành học “hot”, dễ xin việc cũng phải tùy theo thời thế.
Khi lựa chọn ngành học, các bạn học sinh có thể dựa vào và nhiều yếu tố khác nhau như sở thích, đam mê, thế mạnh bản thân, định hướng đang theo đuổi cho tới cơ hội việc làm ổn định sau tốt nghiệp. Đặc biệt khái niệm "ngành hot" luôn là cụm từ được quan tâm trong mỗi mùa tuyển sinh, đó là những ngành học theo xu thế của xã hội, ra trường tỷ lệ thất nghiệp thấp và có mức đãi ngộ tốt.
Sinh viên trường Đại học Trưng Vương tham gia vào các hoạt động truyền thông của Nhà trường |
Theo ông Nguyễn Duy Ninh, Phó chủ tịch Hội đồng trường Đại học Trưng Vương: “Muốn biết ngành nghề nào dễ xin việc sau khi tốt nghiệp thì chúng ta nhìn vào xu thế công nghệ phát triển và nền kinh tế trong tương lai.
Nước ta đang trong quá trình phát triển nhanh và mạnh, mức độ hội nhập cao nên theo tôi nền kinh tế trong tương lai sẽ rất cần các ngành nghề như: Công nghệ thông tin, thương mại điện tử, truyền thông đa phương tiện, du lịch, nông nghiệp, logistics, công nghệ ô tô, tiếng Trung, Nhật, Hàn. Bên cạnh đó thì các ngành nghề truyền thống như: Kế toán, tài chính, quản trị, luật kinh tế sẽ tăng trưởng tỷ lệ thuận với sự phát triển của nền kinh tế".
Giải thích về những nhận định của mình, ông Ninh cho rằng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang thay đổi thế giới mà trong đó Công nghệ thông tin là trung tâm của cuộc cách mạng này. Đại dịch đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn mạnh hơn và rộng hơn đã khiến hành vi mua sắm của người tiêu dùng có sự dịch chuyển mạnh mẽ lên môi trường số. Việc này đã thúc đẩy ngành thương mại điện tử, logistics ngày càng phát triển. Kinh tế biển và phát triển du lịch đã được Đảng và nhà nước xác định là một trong những mũi nhọn của kinh tế Việt Nam trong tương lai...
Chọn ngành học luôn là những băn khoăn của nhiều thí sinh |
Cũng theo ông Ninh, biến đổi khí hậu đã khiến an ninh lương thực ngày càng trở thành chủ đề nóng trên toàn thế giới, Việt Nam đã xác định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng ô tô điện đang diễn ra trên toàn cầu, Việt Nam là một nước có độ mở rất lớn, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore là những quốc gia đã, đang và sẽ tiếp tục là những nước có giao thương với Việt Nam nên nhu cầu sử dụng ngôn ngữ của các quốc gia này sẽ ngày càng lớn và quan trọng.
Chọn điểm rơi của xu hướng và nhu cầu xã hội
Phân tích xu hướng nguồn nhân lực trong những năm gần đây, ông Ninh cũng cho biết rằng: “Trong những năm gần đây nguồn nhân lực có xu hướng sử dụng ngoại ngữ, kỹ năng mềm tốt hơn, có khả năng tiếp cận công việc thực tế nhanh hơn. Tuy nhiên doanh nghiệp vẫn phải đào tạo để các bạn trẻ có thể đáp ứng được môi trường công việc và thái độ làm việc chuyên nghiệp”.
Vậy nhìn vào thực tế đó, phải làm sao để các bạn thí sinh lựa chọn được ngành nghề phù hợp? đầu tiên, các bạn cần phải trả lời câu hỏi: Ngành này có phát huy được hết thế mạnh của mình không? Vì chưa chắc ngành mình thích nhất đã là ngành phù hợp với mình nhất. Nhu cầu xã hội ngành này trong tương lai nhiều hay ít? Mình có hứng thú khám phá các lĩnh vực của ngành này không?
Đối với trường học, các thí sinh cũng nên tự trả lời những câu hỏi sau để chắc chắn về định hướng bản thân mình: Trường này có phù hợp với khả năng của mình không? Có phù hợp với điều kiện của mình không? Hãy chọn những trường có chương trình học bám sát thực tế được thực hành, thực tập nhiều vì đây vẫn là điểm yếu cố hữu của sinh viên Việt Nam.
Hoạt động học tập của sinh viên trường Đại học Trưng Vương |
Cuối cùng là cơ hội việc làm sau khi học xong trường này như thế nào? Đặc biệt nên lưu ý, không phải sinh viên của trường lớn hay trường có học phí cao nào khi tốt nghiệp cũng tìm được việc làm và có thu nhập tốt, việc này phụ thuộc vào nỗ lực của chính các bạn và chương trình đào tạo, mô hình đào tạo của nhà trường.
Điều quan trọng mà nhiều chuyên gia đưa ra lời khuyên cho các thí sinh, để chọn được ngành nghề phù hợp không chỉ dựa trên nhu cầu của thị trường lao động, thí sinh cần phải xác định được tính cách, năng lực phù hợp với ngành nghề nào mới có thể phát triển lâu dài. Bởi thực tế, có không ít sinh viên khi theo ngành học được 1,2 năm , thấy mình không phù hợp lại phải chuyển sang ngành khác.
Khi chọn ngành học, mỗi ngành sẽ có một đặc thù riêng, không phân biệt ngành "hot" hay không vì chính sự nỗ lực tự thân sẽ quyết định tới tương lai sau này. Vậy nên các bạn học sinh cần tỉnh táo nhận định và thường xuyên cập nhật tin tức trên nhiều phương diện, lĩnh vực để có thể định hình ngành học phù hợp cho mình.
PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, cho rằng ngành nào cũng vô cùng cần thiết với sự phát triển kinh tế xã hội đất nước. Do đó, thí sinh không nên nặng nề việc phải chọn ngành "hot" mà quên việc nhìn vào thực lực bên trong bản thân. Các em cần phải trả lời câu hỏi: “Sẽ làm gì trong tương lai với nghề nghiệp đã lựa chọn?”. Thực tế, có những lĩnh vực rất khó tuyển dụng nhưng đất nước lại vô cùng cần. Nếu có năng lực thực sự, các em vừa có sự thành công cá nhân, vừa có thể tạo ra sự thay đổi cho đất nước. |