Chính phủ yêu cầu xử nghiêm vi phạm trật tự giao thông dịp 30/4-1/5
Huy động sức dân giữ gìn trật tự đô thị, an toàn giao thông |
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 36/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 và cao điểm du lịch hè 2024.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, như người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn, ma tuý, chở quá tải trọng, quá số người quy định; phương tiện kinh doanh vận tải vi phạm quy định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường…
Đồng thời, Bộ Công an chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi tụ tập gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép; cương quyết xử lý, trấn áp những đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ; có phương án điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý, hướng dẫn lưu thông an toàn, thông suốt, nhất là trên các tuyến đường, các khu vực được dự báo sẽ có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 và nghỉ hè 2024.
Ảnh minh họa. |
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan trực thuộc bộ, các Sở Giao thông vận tải và các đơn vị kinh doanh vận tải xây dựng phương án tổ chức vận tải đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, bảo đảm an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông; chỉnh trang, bảo đảm điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông, thực hiện nghiêm việc tổ chức, hướng dẫn bảo đảm giao thông trên các đoạn, tuyến, công trình có hoạt động thi công xây dựng.
Cùng đó, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo khắc phục kịp thời sự cố về kết cấu hạ tầng giao thông, khẩn trương hoàn thành nâng cấp, sửa chữa các tuyến giao thông trọng điểm, nhất là các tuyến giao thông chính, các đầu mối giao thông quan trọng, nhất là tại các đô thị lớn và địa bàn thu hút đông khách du lịch; khẩn trương xử lý các điểm đen tai nạn giao thông mới phát sinh.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải cũng phải rà soát, bổ sung hệ thống báo hiệu, biển chỉ dẫn bảo đảm dễ nhận biết, tạo thuận lợi cho người tham gia giao thông; kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Đối với đường bộ cao tốc (đặc biệt là đối với tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư có hai làn xe, chưa có làn dừng khẩn cấp), chỉ đạo các cơ quan có liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát kết cấu hạ tầng giao thông (nhất là hệ thống báo hiệu đường bộ), phương án tổ chức giao thông; phát hiện và xử lý kịp thời tồn tại, bất cập phát sinh.
Lãnh đạo Chính phủ lưu ý các giải pháp về phân luồng điều tiết giao thông từ xa, tổ chức các điểm dừng nghỉ tạm thời dọc các tuyến cao tốc chưa có trạm dừng nghỉ; trường hợp cần thiết, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung hoặc thay thế phương án tổ chức giao thông trên cao tốc, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, nâng cao an toàn giao thông.
Cũng tại công điện, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
Các địa phương phải có giải pháp kiểm soát chặt chẽ và phương án tổ chức giao thông an toàn, thông suốt, gắn chặt với hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong việc đi lại; nỗ lực cao nhất không để xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trên tuyến, khu vực có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông trên địa bàn; chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn.
Đối với các địa phương có tổ chức các hoạt động du lịch, đường đèo dốc quanh co nguy hiểm, thường xảy ra tai nạn, cần tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, yêu cầu các lái xe tuân thủ quy tắc giao thông và các hướng dẫn phòng ngừa tai nạn trên các đoạn đường đèo dốc quanh co, ban đêm; có phương án phân luồng giao thông phù hợp với thực tế lưu lượng phương tiện.
Các bộ, ngành, địa phương tổ chức trực theo chế độ 24/7; tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin trực về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giữa các đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên tuyến, địa bàn (như lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, các đơn vị quản lý đường bộ, các đơn vị chức năng có liên quan); công bố số điện thoại đường dây nóng về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông để tiếp nhận, kịp thời xử lý các phản ánh của người dân về tình hình trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ trên địa bàn.