CHẮP CÁNH CHO KINH TẾ TƯ NHÂN
Chính phủ ra chỉ đạo mới về phát triển kinh tế tư nhân Trình Quốc hội chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân Đột phá pháp lý cho kinh tế tư nhân |
KINH TẾ TƯ NHÂN KHÔNG CÒN PHẢI TỰ BƠI
Ngày 4/5/2025, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW, một văn kiện có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu bước ngoặt lớn trong tư duy phát triển nền kinh tế Việt Nam – nơi khu vực kinh tế tư nhân được khẳng định là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân.
Không chỉ là sự ghi nhận về mặt tư tưởng, Nghị quyết 68-NQ/TW phản ánh một tầm nhìn cải cách sâu rộng, đổi mới thực chất, đặt doanh nghiệp tư nhân vào trung tâm của công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, khơi thông nguồn lực và giải phóng sức dân.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Nghị quyết số 68-NQ/TW không chỉ là một thông điệp chính trị mạnh mẽ, mà còn là lời khẳng định rõ ràng về vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế quốc dân.
"Ngay khi Nghị quyết số 68-NQ/TW được ký ban hành từ tập đoàn lớn đến hộ kinh doanh nhỏ lẻ đều hồ hởi và họ mong đợi điều này từ lâu. Nghị quyết đã khẳng định rõ ràng vị trí của khu vực kinh tế tư nhân, với những chính sách thực chất và mang tính cách mạng", ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ.
Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, điểm đột phá đầu tiên của Nghị quyết số 68-NQ/TW chính là việc xóa bỏ những định kiến, nghi kỵ vốn tồn tại lâu nay về vai trò của kinh tế tư nhân. Lần đầu tiên, khu vực này được xác định là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 68-NQ/TW còn đề ra những chính sách rất cụ thể như miễn thuế trong ba năm đầu, bỏ phí môn bài, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tham gia vào các lĩnh vực vốn là "vùng cấm" chỉ dành cho doanh nghiệp nhà nước như công nghiệp quốc phòng, an ninh và cả tư pháp.
Một trong những chính sách được giới doanh nghiệp đặc biệt đón nhận là việc tách bạch rõ ràng giữa trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm pháp nhân trong các sai phạm kinh tế. Đây là bước tiến rất lớn trong cải cách pháp lý.
![]() |
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). |
"Nghị quyết đã xác lập chủ trương ưu tiên áp dụng các biện pháp hành chính, dân sự, kinh tế đối với vi phạm trước khi xem xét đến giải pháp hình sự. Giải pháp hình sự chỉ được áp dụng sau khi các biện pháp khắc phục kinh tế và bồi thường đã không đạt hiệu quả. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro pháp lý, tạo môi trường kinh doanh an toàn hơn và phù hợp với thông lệ quốc tế", ông Tuấn nhận định.
Ông Tuấn cho rằng, chính sách này được kỳ vọng sẽ giúp khu vực tư nhân an tâm trong quá trình vận hành, tránh việc hình sự hóa các sai phạm kinh tế không nghiêm trọng. Đây cũng là điểm nhấn quan trọng giúp môi trường kinh doanh của Việt Nam trở nên thân thiện và hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Mặt khác, một trong những rào cản lớn nhất khiến doanh nghiệp tư nhân khó phát triển chính là sự bất bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực. Ông Đậu Anh Tuấn chỉ rõ, doanh nghiệp Nhà nước được cấp vốn, doanh nghiệp FDI được bảo lãnh và có lãi suất thấp, trong khi doanh nghiệp tư nhân trong nước phải tự bơi, tự lo vốn với lãi suất cao.
Để khắc phục tình trạng này, Nghị quyết số 68-NQ/TW đưa ra nhóm giải pháp quan trọng nhằm cải thiện khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp tư nhân. Trong đó, đáng chú ý nhất là chủ trương khuyến khích ngân hàng cho vay dựa trên dòng tiền thay vì tài sản thế chấp.
Ông Đậu Anh Tuấn nhận định, đây là một thay đổi mang tính thực chất, bởi hầu hết các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ đều thiếu tài sản bảo đảm nhưng lại có khả năng vận hành linh hoạt và dòng tiền ổn định.
Không chỉ có vốn, đất đai cũng là một điểm nghẽn cố hữu. Nghị quyết số 68-NQ/TW yêu cầu các địa phương khi quy hoạch khu, cụm công nghiệp cần dành quỹ đất riêng cho doanh nghiệp tư nhân - điều chưa từng được xác lập rõ ràng trong các chính sách trước đây. Đồng thời, Việt Nam phải hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia trong năm 2025 và thực hiện các giao dịch đất đai trên nền tảng trực tuyến.
"Đây không chỉ là cải cách hành chính mà còn là cách tạo sân chơi minh bạch, giảm chi phí tiếp cận tài nguyên", ông Đậu Anh Tuấn đánh giá.
Cũng theo ông Đậu Anh Tuấn, để Nghị quyết số 68-NQ/TW thực sự trở thành động lực phát triển, điều quan trọng nhất vẫn là sự chuyển đổi từ tư duy quản lý sang tư duy hỗ trợ. Khi tư duy quản lý thay đổi, kinh tế tư nhân sẽ thực sự trở thành động lực mạnh mẽ, góp phần xây dựng nền kinh tế quốc dân bền vững và năng động.
KHÔNG CÒN PHẢI SỐNG TRONG SỢ HÃI
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Tưởng, Chủ tịch Công ty Trầm hương Khánh Hòa ATC chia sẻ, khi Nghị quyết số 68-NQ/TW được ban hành, cộng động doanh nghiệp có cảm giác vỡ òa khi được chứng kiến một sự thừa nhận chính danh dành cho những người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế, vốn đã âm thầm cống hiến, kiên cường bám trụ và bền bỉ vượt qua biết bao định kiến suốt nhiều năm qua.
"Tôi khởi nghiệp từ thập niên 1990, thời mà tư duy "công dân chỉ được làm những gì pháp luật cho phép" vẫn là rào chắn vô hình. Khi bắt đầu kinh doanh trầm hương - lúc đó vẫn nằm trong danh mục hàng quốc cấm - tôi không đơn thuần chỉ mở một lối mưu sinh, mà đang đi ngược chiều gió. Trầm hương là sản vật của núi rừng mang giá trị kinh tế và văn hóa cao, lẽ ra phải được phát triển, không phải bị cấm đoán.
![]() |
Ông Nguyễn Văn Tưởng, Chủ tịch Công ty Trầm hương Khánh Hòa ATC. Ảnh: FBNV. |
Tôi đã kiên trì vượt qua muôn vàn thủ tục, định kiến và sợ hãi để rồi, sau nhiều nỗ lực, trầm hương không còn là hàng quốc cấm. Nhưng nỗi ám ảnh "không quản được thì cấm", hay "hình sự hóa các quan hệ kinh tế", cùng cơ chế xin - cho... vẫn như bóng ma lởn vởn, khiến không ít doanh nhân co mình lại, không dám nghĩ khác, làm khác", ông Tưởng chia sẻ.
Ông Tưởng tin rằng, Nghị quyết số 68-NQ/TW với cam kết xây dựng Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, phát triển kinh tế tư nhân như một chiến lược lâu dài chứ không phải biện pháp tình thế, sẽ truyền cảm hứng mạnh mẽ.
"Doanh nhân hôm nay sẽ không còn phải "sống trong sợ hãi" như thế hệ chúng tôi từng trải qua. Họ được tiếp thêm niềm tin để khởi nghiệp, đổi mới và sáng tạo, đúng với tinh thần mà doanh nhân luôn mang trong mình", ông Tưởng chia sẻ thêm.
Cũng theo ông này, Nghị quyết số 68-NQ/TW không chỉ là một cú hích ở tầm chiến lược, mà còn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ để doanh nhân dấn thân, tìm con đường riêng, tạo dựng những giá trị mới. Khi được "giải phóng" khỏi những nỗi e dè và rào cản vô hình, khu vực kinh tế tư nhân sẽ vươn lên với những sản phẩm, dịch vụ mang đẳng cấp cao và đậm đà bản sắc Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Tưởng cũng cho rằng, Nghị quyết số 68-NQ/TW đã chỉ ra một trong những điểm then chốt đó là cần tạo thuận lợi để khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận được các nguồn lực thiết yếu như đất đai, vốn và nhân lực chất lượng cao. Đây không chỉ là một khẳng định đúng mà còn rất trúng, bởi đó chính là nút thắt hàng đầu kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân lâu nay.
Với kinh nghiệm trong thương trường hơn 3 thập kỷ, ông Tưởng cho biết, rất nhiều doanh nghiệp tư nhân khó vay vốn ngân hàng vì không có đất thế chấp. Nhưng muốn có đất thì phải có dự án, mà để có dự án, doanh nhân phải vượt qua cả một "núi" thủ tục. Nhiều người nản lòng, bỏ cuộc.
"Cái vòng luẩn quẩn "có đất mới có vốn - có vốn mới có đất" vẫn kìm hãm phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong khi một số ít vì lý do nào đó không minh bạch lại dễ dàng tiếp cận các nguồn lực", ông Tưởng chia sẻ.
Ông Tưởng cũng cho rằng, khu vực kinh tế tư nhân đang đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách Nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động, với Nghị quyết số 68-NQ/TW, khu vực này sẽ tiếp tục bứt phá mạnh mẽ.
"Trước đây, nhiều khi chúng ta tự "mua dây buộc mình" với những cơ chế, chính sách không thân thiện với tinh thần kinh doanh. Nay, khi những rào cản ấy được tháo gỡ, khi tư duy kiến tạo thay vì kiểm soát được xác lập, thì đó chính là con đường để kinh tế tư nhân vươn mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới", ông Tưởng nhìn nhận.
Cùng quan điểm, ông Trần Hồng Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings chia sẻ, Nghị quyết số 68-NQ/TW sẽ là cú hích lớn thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước; đồng thời việc xóa bỏ các rào cản các yêu tố tâm lý lo sợ bị hình sự hóa các vấn đề kinh tế sẽ giúp doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong đầu tư, kinh doanh.
“Nghị quyết số 68-NQ/TW thể hiện sự đột phá về tư tưởng, tư duy khi lần đầu tiên khu vực kinh tế tư nhân được xác định là một động lực quan trọng nhất cho sự phát triển đất nước. Nếu triển khai đúng hướng, thực thi hiệu quả và thực chất thì phần lớn các điểm nghẽn hiện tại sẽ được tháo gỡ”, ông Phúc chia sẻ.
Theo ông Phúc, Nghị quyết số 68-NQ/TW với tinh thần đổi mới mạnh mẽ đã mở ra không gian mới cho khu vực kinh tế tư nhân. Để chuyển hóa chủ trương thành hiện thực, sẽ cần một quá trình đồng hành và nỗ lực chung, không chỉ từ phía Nhà nước mà còn từ cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ chuyên gia và toàn xã hội.