Cha mẹ Gen Z dạy con tiêu tiền lì xì đúng cách
Trẻ em sử dụng tiền lì xì như nào cho đúng? Rầm rộ săn tiền lì xì, đổi tiền mới Bé trai bỏ hết tiền tiết kiệm để ủng hộ quỹ phòng, chống dịch Covid-19 |
Dạy con sử dụng tiền lì xì đúng cách
Sau mỗi dịp Tết, trẻ nào cũng rủng rỉnh tiền mừng tuổi vì trong Tết vừa được ông bà, bố mẹ và họ hàng... lì xì. Sở hữu một khoản tiền lớn, nhiều trẻ dễ tiêu xài phung phí vào những món đồ chơi hay bánh kẹo. Cũng vì vậy mà không ít bố mẹ đã lấy danh nghĩa “giữ hộ” để “tịch thu” khiến trẻ cảm thấy khó chịu, không đồng ý.
Chị Thanh Huyền (Hà Đông, Hà Nội) cho biết ngay từ trước Tết, vợ chồng chị đã dạy con rất kỹ lưỡng về cách sử dụng tiền lì xì. “Con gái mới học lớp 3 nên khi có một khoản thu nhập “trời cho” như vậy cháu rất mong muốn được mua những món đồ chơi yêu thích, truyện tranh,..., vì thế mình đã phải dặn con đây là khoản tiền may mắn mà người lớn tặng nên con cần phải suy nghĩ trước khi sử dụng, không được phung phí”, chị Huyền chia sẻ.
Vừa để con có thể giữ tiền lì xì, vừa không tiêu phung phí, chị Huyền đã cùng con lên kế hoạch sẽ dùng số tiền này vào những mục đích nào, “Mình chỉ con chia số tiền ra làm hai phần, một phần để tiết kiệm bỏ lợn, một phần sẽ dùng để mua những món đồ con thích. Tuy nhiên, không phải món nào cũng có thể mua mà phân tích nên mua món nào và chốt được danh sách các món đồ”.
Chính vì đã được dạy dỗ kỹ lưỡng nên con gái chị Thanh Huyền rất hào hứng lên kế hoạch mua chiếc xe đạp con yêu thích và số tiền còn lại sẽ tiết kiệm như thế nào, để dành cho mục đích dài hạn.
Phụ huynh nên dạy con những bài học về cách quản lý tài chính. (Ảnh Internet) |
Khi con trẻ nhận được lì xì dịp Tết, chị Phương Nga (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã nhân cơ hội này để dạy con những bài học về chi tiêu, cách tiết kiệm, sử dụng tiền mừng tuổi thật hợp lý. Chị Nga cho biết, con lớn của chị từ 2 năm trước đã bắt đầu muốn giữ tiền lì xì và chị hiểu đã đến thời điểm thích hợp để giáo dục tài chính và cách ứng xử cho con thông qua tiền lì xì Tết.
“Khi con muốn giữ tiền mừng tuổi của bản thân, mình đã hướng dẫn con chia ra những phần nhỏ. Con có thể sử dụng một khoản lớn để phục vụ nhu cầu cá nhân như mua dụng cụ học tập hay những món đồ con yêu thích. Mình cũng giúp con gửi tiết kiệm một khoản từ tiền lì xì của con và phần còn lại mình khuyến khích con sử dụng để giúp đỡ người khác”, chị Nga chia sẻ.
Dạy con giá trị của việc quản lý tài chính
Những đứa trẻ được nhận lì xì dịp Tết đa phần đều sẽ được bố mẹ “giữ hộ” và số tiền sau đó sẽ “một đi không trở lại” khiến trẻ nhỏ thất vọng. Vì vậy, việc để lại một phần tiền cho trẻ sử dụng có thể thúc đẩy sự hiểu biết của con về các khái niệm chi và dịp Tết là cơ hội tốt để cha mẹ dạy con những kiến thức bổ ích.
PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội cho rằng, giá trị của những phong bao lì xì ngày càng tăng lên nhờ sự phát triển của kinh tế, vì vậy các bậc phụ huynh cần có những cách quản lý và giải thích để con quyết định cách thức sử dụng. Những đứa trẻ được tạo cơ hội đưa ra quyết định tài chính từ sớm, phù hợp với lứa tuổi, có thể hình thành khả năng lập kế hoạch chi tiêu và học cách quản lý tiền bạc trong cuộc sống sau này.
“Với những trẻ nhỏ đã dần có nhận thức nhất định về tài chính, bố mẹ hãy trao đổi và có cách thức giúp con tiếp cận phù hợp, quản lý chi tiêu để các em có quan điểm đúng đắn và tránh việc tiêu xài hoang phí. Khi con muốn giữ tiền lì xì, phụ huynh có thể giúp con lên kế hoạch và định hướng một cách khéo léo, từ đó trẻ sẽ học được cách chi tiêu phù hợp”, PGS.TS Bùi Thị An chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo chị Thanh Huyền, nếu muốn dạy con về cách sử dụng tiền lì xì hiệu quả, bố mẹ cũng nên học cách quản lý tiền bạc đúng cách. “Tùy vào độ tuổi, khả năng nhận thức, mức độ quan tâm của con về tài chính mà phụ huynh có thể có cách giáo dục phù hợp. Nhưng điều quan trọng là bố mẹ nên làm sao cho trẻ hiểu ý nghĩa thực sự của tiền bạc, không nên đặt giá trị đồng tiền lên tất cả khiến trẻ có những nhận thức sai lệch”, chị Huyền cho biết.