Cầu an trực tuyến, cúng dường online

Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi mọi thứ trong đó có cả việc thực hành tín ngưỡng tôn giáo. Mới đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thử nghiệm việc dùng công nghệ để cúng dường và thực hiện lễ cầu an trực tuyến.
Phủ Tây Hồ chật kín người cầu an

Vào những năm trước, chùa Phúc Khánh, ngôi chùa nổi tiếng tại Hà Nội thường có hàng ngàn người xếp hàng bái vọng tham gia đại lễ cầu an dịp rằm tháng Giêng. Năm nay, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, ngôi chùa này đã quyết định tổ chức lễ cầu an theo hình thức trực tuyến.

Theo đó, đại lễ cầu an trực tuyến sẽ diễn ra vào 20h tối nay (25/2) tức 14 tháng Giêng năm Tân Sửu. Nghi lễ diễn ra trong khoảng một giờ do các sư cử hành khóa lễ và được đăng tải trên các kênh Facebook, YouTube để phật tử cả nước tham gia, theo dõi.

Cầu an trực tuyến, cúng dường online
Một lễ cầu an trực tuyến được ghi lại và phát trên mạng xã hội Phật giáo

Giáo hội Phật giáo đưa ra sự hợp tác thử nghiệm với Ví Momo hướng tới 3 mục tiêu: Tránh tập trung đông người trong dịch bệnh; Minh bạch tiền công đức; Quan trọng là thay đổi hành vi gài tiền, rải tiền vào tay tượng phật. Đây là bước thử nghiệm để tiến tới đạt được mong muốn tốt đẹp trong văn hóa đi lễ chùa cũng như cầu an đầu xuân.

Mới đây, mạng xã hội cũng xôn xao vì thông tin một số chùa như Yên Tử kêu gọi cúng dường trực tuyến qua Ví Momo. Theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, việc cúng dường qua ví điện tử là sự thật. Đây là thử nghiệm mới của Giáo hội trong mùa dịch Covid-19 và việc cúng dường online là cách để đảm bảo phòng dịch, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân.

Cầu an trực tuyến, cúng dường online
Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Ví Momo thử nghiệm hình thức cúng dường online

Việc cầu an trực tuyến, cúng dường online có thấy một xu thế mới trong thực hành tín ngưỡng tôn giáo giữa thời Covid-19. Tuy nhiên, điều này đang đưa đến hai luồng dư luận trái chiều.

Luồng ý kiến ủng hộ cho rằng, việc cầu an dù trực tiếp hay trực tuyến đều có thể truyền tải những thông điệp chính xác của nghi lễ. Giáo lý nhà Phật là "tùy duyên phương tiện, khế lý khế cơ", tùy hoàn cảnh mà có thể biến đổi cách thức, phương tiện, miễn sao là truyền tải được giáo lý giáo luật tinh thần Phật giáo đến tín đồ và người dân. Phật tại tâm nên ở bất cứ đâu, người dân cũng có thể niệm Phật, cầu ước điều bình an.

Cùng với lễ cầu an, mọi người thường thành tâm phát công đức, tự nguyện cúng dường. Khi các chùa chiền đóng cửa, tránh tập trung đông người thì việc cúng dường online sẽ phương thức giúp người dân thỏa mãn tâm nguyện của mình.

Trả lời phỏng vấn báo chí, Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết: “Công đức hay cúng dường là sự tự nguyện phát tâm công đức chứ không phải việc bắt buộc. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) thử nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong việc công đức là hình thức phù hợp với tình hình mới”.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia cho rằng: "Chủ trương cúng dường online chắc chắn sẽ làm thay đổi văn hóa đi lễ chùa". Từ thực tế của việc thực hành nghi lễ tâm linh trong thời gian gần đây, ông đánh giá, có một bộ phận người dân có nhu cầu cúng dường, làm lễ giải hạn online và tôn giáo dù là một lĩnh vực đặc biệt của đời sống xã hội vẫn chịu sự chi phối của đời sống xã hội.

"Nếu chúng ta thấy các hiện tượng học online, mua bán online, biểu diễn nghệ thuật online thì việc chuyển tiền cúng dường online cũng là điều có thể hiểu được", ông nói.

Dù đến với Phật bằng các trực tiếp hay trực tuyến thì chuyên gia này cho rằng, điều quan trọng nhất là "tâm của chúng ta hướng thiện, lòng chúng ta thanh thản, niềm tin của chúng ta vững vàng.

Tôi cho rằng, chủ trương nhận cúng dường, làm lễ giải hạn qua ví điện tử là một sáng kiến phù hợp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tất nhiên, vì là sáng kiến, chưa có kiểm nghiệm đúng sai nên chúng ta cần có thời gian để biết chắc chắn hơn về hiệu quả của sáng kiến này", ông nói.

Trong khi đó, luồng ý kiến phản đối thì cho rằng, làm lễ giải hạn online hay cúng dường trực tuyến không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt. Lí do được đưa ra là vì khi đi chùa lễ Phật, người ta đứng trước ban thờ Phật, tự giác ngộ, thành tâm kính Phật. Việc phát tâm công đức là tự nguyện. Nếu chuyển khoản hay quét QR Code thì nặng tính buôn bán quá. Đồng tiền không thể thay thế tâm thành, thay thế sự kính trọng và lòng tin người dân dâng lên đức Phật.

Một số ý kiến khác cảnh báo về nguy cơ giả mạo để trục lợi tiền công đức - vấn nạn mà công nghệ càng phát triển thì tình trạng giả mạo lừa đảo càng tinh vi.

Hiện Giáo hội Phật giáo Việt Nam vẫn đang lắng nghe những ý kiến góp ý về thử nghiệm cúng dường online và sẽ tổng kết, đánh giá ưu nhược điểm, hệ quả, hậu quả.

"Chúng tôi muốn nghe ý kiến nhiều chiều để có có cái nhìn tổng quát, đánh giá, rút kinh nghiệm. Còn triển khai tiếp hay không thì phải được Hội đồng thường trực Ban Trị sự Chư tôn đức lãnh đạo thông qua thì mới triển khai thành cái chung", Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.

Những năm gần đây, Trung ương GHPGVN và nhiều cơ sở tự viện trên cả nước đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) không chỉ trong quản lý điều hành mà còn trong công tác hoằng pháp, phục vụ nhu cầu tâm linh của Phật tử, người dân như tổ chức các khóa lễ cầu an, lễ Vu Lan… theo hình thức trực tuyến.

Tết Tân Sửu năm nay, GHPGVN ký kết với ví điện tử MoMo để tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu phát tâm công đức. Mạng xã hội Phật giáo Butta mở cổng đăng ký cầu an trực tuyến tại địa chỉ https://cauan.butta.vn. Nhờ ứng dụng CNTT, Phật tử và người dân có thể tham dự, theo dõi các khóa lễ được tổ chức trang nghiêm, thành kính qua các website, các nền tảng mạng xã hội, kênh Youtube của GHPGVN, tránh việc tụ tập đông người, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

D.Minh
Phiên bản di động