Sơn Tây - Hà Nội: Hiệu quả từ mô hình quản lý tiền công đức tại đền Và
Kỳ bí chuyện "sọt cỏ gánh nước" và những điều tâm linh tại Đền Và (Sơn Tây) |
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, có hiệu lực thi hành từ ngày 19/3/2023; trong đó có quy định rõ về tiếp nhận tiền công đức, tài trợ.
Theo đó, tổ chức lễ hội, di tích phải mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.
Đền Và (Sơn Tây) thờ Thánh Tản Viên - đây là địa chỉ tâm linh nổi tiếng xa gần |
Về tiếp nhận tiền mặt, tổ chức lễ hội, di tích cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận. Đối với tiền trong hòm công đức (nếu có), định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận.
Đối với các khoản tiền đặt không đúng nơi quy định, không phù hợp với việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích được thu gom để kiểm đếm hoặc bỏ vào hòm công đức để kiểm đếm chung.
Đối với số tiền mặt tạm thời chưa sử dụng thì gửi vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để bảo đảm việc quản lý an toàn, minh bạch các khoản công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đã tiếp nhận.
Ông Trịnh Quang Hoà - Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hưng bên cạnh hòm công đức đã được khoá cẩn thận |
Thông tư số 04/2023/TT-BTC đã gây ra sự chú ý lớn trong dư luận xã hội, bên cạnh đó, một số tiếng nói từ các cơ sở tôn giáo cho rằng khó thực hiện. Tuy nhiên, tại Đông Cung Đền Và (phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây), vấn đề quản lý và sử dụng tiền công đức đã thực hiện minh bạch như thông tư nêu trên từ khá lâu.
Ông Trịnh Quang Hoà - Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây cho biết, khoảng 15 năm trước, Ban quản lý di tích đền Và cũng như chính quyền địa phương đã ý thức rõ về việc minh bạch trong quản lý thu, chi tiền công đức.
Theo ông Hòa, tất cả các hòm công đức tại đền Và đều có khoá và niêm phong. Đến cuối tuần (hoặc cuối ngày lễ, ngày rằm), hòm công đức sẽ được mở khoá trước sự chứng kiến của đại diện chính quyền, ban quản lý, kế toán, đoàn thanh niên ... Tổng tiền công đức được ghi chép vào sổ kế toán, rồi gửi tài khoản đã mở tại kho bạc Nhà nước.
Lực lượng Đoàn viên tiếp nhận, ghi chép tiền công đức |
Việc sử dụng tiền công đức tại đền Và cũng nhận được sự đồng thuận cao của Nhân dân địa phương.
"Trước năm 2021, khi Hội đồng Nhân dân phường vẫn còn, các chi tiêu từ nguồn tiền công đức đều phải xin ý kiến của Hội đồng nhân dân và đồng ý bằng nghị quyết. Tiền công đức từ đền Và chỉ để xây dựng, tôn tạo đền Và, cũng như xây dựng, tôn tạo các công trình tâm linh ở địa phương", ông Trịnh Quang Hoà nói và cho biết thêm, nhờ "lộc Thánh", trong các năm gần đây địa phương đã sửa chữa Tam quan chùa Vân Gia, đình Mai Trai và một số công trình khác.
Đình làng Mai Trai được xây dựng, tôn tạo từ tiền công đức của đền Và |
Phóng viên đã tìm đến đình Mai Trai, ghi nhận công trình này đã được tôn tạo khang trang, sạch đẹp.
Bà Phùng Thị Bảy (Trưởng thôn Mai Trai) vui mừng cho biết: "Đình làng Mai Trai có lịch sử hàng trăm năm, là địa chỉ tâm linh của người dân địa phương. Tuy nhiên, theo thời gian, đình đã xuống cấp, nhiều hạng mục hư hỏng. Đến năm 2020, phường Trung Hưng đã đầu tư 3,6 tỷ đồng sửa chữa tả mạc, hữu mạc, đại bái. Năm 2021, lại xây dựng mới hậu cung. Nhân dân vô cùng phấn khởi".
Đền Và thuộc địa phận thị xã Sơn Tây, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 50km. Ngôi đền nằm trên đồi và được bao quanh bởi một rừng cây lim cổ thụ cùng những cánh đồng, có không khí trong lành và tươi mát quanh năm. Di tích này có quy mô lớn nhất trong gần 200 di tích lịch sử ở thôn Đoài. Đây là nơi thờ thần núi Tản Viên trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam - một trong bốn vị thánh bất tử của dân tộc Việt (cùng với Chử Đồng Tử, Thánh Gióng, Mẫu Liễu Hạnh). |