Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ: Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn từ việc mở hộ lan

Nhiều đoạn rào hộ lan bảo vệ ven cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (khu vực gầm cầu vượt Thường Tín) đã bị phá dỡ, mở lối tắt vào khu dân cư tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, có dấu hiệu phá hoại tài sản nhà nước.
Băng ngang cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, người đi bộ tử vong

Tòa soạn Tuổi trẻ và Pháp luật nhận được phản ánh của người dân trên khu vực gầm cầu vượt Thường Tín có một đoạn hộ lan bị phá dỡ đi tắt ngang qua đường Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho các phương tiện tham gia trên tuyến đường này.

Ở khu vực hộ lan bị phá dỡ, xuất hiện tình trạng người dân đứng dọc đường bắt xe và nhiều xe khách đang đi với tốc độ cao đột ngột dừng lại sai quy định để bắt và trả khách.

tiem an nguy co tai nan tu viec mo ho lan cao toc phap van cau gie
Nhiều chiếc xe khách ngang nhiên đi vào đón trả khách tại khu vực này tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao.

Trao đổi với PV, chị Đ.T.M, người dân sinh sống trên khu vực này cho biết: "Tình trạng này đã diễn ra từ lâu, người dân quanh khu vực này vẫn có thể đi xe máy ra vào khiến giao thông nơi đây trở nên hỗn loạn. Các phương tiện trên cao tốc đang đi với tốc độ cao đột ngột phải dừng lại né tránh các phương tiện đi ngược từ hướng đó ra, gây nguy hiểm đến tính mạng của nhiều người điều khiển phương tiện".

tiem an nguy co tai nan tu viec mo ho lan cao toc phap van cau gie
Khu vực đoạn gầm cầu vượt Thường Tín.
tiem an nguy co tai nan tu viec mo ho lan cao toc phap van cau gie
Một đoạn hộ lan bị tháo dỡ.

"Không rõ là do ban quản lý cao tốc họ tự ý mở ra hay do một số cá nhân hoặc doanh nghiệp gần đó phá dỡ để nhằm trục lợi riêng. Tại đây cứ khoảng 5 đến 10 phút là có một xe khách lao vào đó để đón trả khách, lúc thì taxi hoặc xe ôm lao ra bất ngờ, việc này nên xử lý dứt điểm ngay", chị M bức xúc cho biết thêm.

tiem an nguy co tai nan tu viec mo ho lan cao toc phap van cau gie
Trụ sở Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Để làm rõ, PV đã đặt lịch làm việc và liên hệ với Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, nhưng đại diện phía công ty đã nhiều lần từ chối và báo bận chưa xắp xếp được lịch làm việc.

Trước những thông tin trên, Tòa soạn Tuổi trẻ và Pháp luật kính chuyển đến cơ quan chức năng có liên quan sớm vào cuộc kiểm tra làm rõ.

Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ quy định:

Điều 40. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, TP

1. Tổ chức, chỉ đạo việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong phạm vi địa phương.

2. Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong phạm vi địa phương.

3. Chỉ đạo và kiểm tra đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện, Sở Giao thông vận tải thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý vi phạm, giải tỏa vi phạm hành lang an toàn đường bộ trong phạm vi địa phương.

Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ được giao trên địa bàn huyện quản lý.

2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và giáo dục nhân dân các quy định về phạm vi đất dành cho đường bộ, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Ngoài quy định tại Nghị định này, nếu trường hợp để xẩy ra tai nạn, gây những hậu quả đáng tiếc xẩy ra thì còn phải xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương do buông lỏng quản lý, giám sát về hành vi của người có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước đã không thực hiện đầy đủ các biện pháp quản lý tài sản thuộc trách nhiệm của mình theo quy định tại Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 2015 Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp như sau:

“1. Người nào có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, vì thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá 2.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

4. Người phạm tội còn có thể cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Duy Tân - Văn Huy
Phiên bản di động