Cảnh báo nhiều mối lo kinh tế Việt Nam phải “đối mặt” năm 2021

Năm 2021, Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ… không chỉ ở thị trường Mỹ.
Kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục mạnh mẽ trong “một năm thật đặc biệt” Chuyên gia “hiến kế” giúp bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2021 tươi sáng hơn Sáu hạn chế, thách thức của nền kinh tế Việt Nam

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) ngày 15/1 đã công bố Báo cáo Kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng 2021: “Đổi mới để thích ứng”, trong đó nêu ra nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta năm 2021.

Theo đó, CIEM dự báo 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt mức 5,98% theo Kịch bản 1 và 6,46% trong Kịch bản 2.

Cũng theo dự báo của CIEM, xuất khẩu cả năm 2021 của Việt Nam dự kiến tăng 4,23% trong Kịch bản 1 và tăng 5,06% trong Kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 5,49 tỷ USD và 7,24 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2021 lần lượt đạt 3,51% và 3,78%.

Cảnh báo nhiều mối lo kinh tế Việt Nam phải “đối mặt” năm 2021
Ảnh minh họa

Đáng nói, theo CIEM, diễn biến kinh tế Việt Nam trong năm 2021 có thể chịu ảnh hưởng của 7 yếu tố.

Thứ nhất, kinh tế thế giới còn bất định, rủi ro, thách thức từ bên ngoài vẫn đang hiện hữu. Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục các biện pháp để kiềm chế Trung Quốc về kinh tế - thương mại – công nghệ và có thể củng cố được liên minh với một số nước đối tác để thực hiện các biện pháp này.

Đồng thời, xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn khiến cho các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế có nhu cầu dịch chuyển địa điểm sản xuất để tránh mức thuế cao. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với Việt Nam.

Thứ hai, dịch Covid-19 và các biến thể diễn biến phức tạp, khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát làn sóng tiếp theo.

Thứ ba, việc nhiều nền kinh tế thực hiện các gói hỗ trợ quy mô lớn, trong khi thiếu điều phối ở cấp độ toàn cầu, có thể gây ra những rủi ro không nhỏ đối với thị trường tài chính thế giới và tình trạng nợ toàn cầu.

Thứ tư, cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số tiếp tục chuyển biến nhanh, ảnh hưởng đến sự phát triển của cả doanh nghiệp và thị trường trong nước Việt Nam.

Thứ năm, khả năng duy trì các cải cách thực chất đối với môi trường đầu tư – kinh doanh sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, quyết định mở rộng đầu tư của nhiều doanh nghiệp nước ngoài.

Thứ sáu, nhu cầu tiêu dùng trong nước có thể gia tăng nhanh hơn, và doanh nghiệp có thể tập trung hơn đến khai thác thị trường trong nước.

Thứ bảy, dù kỳ vọng nhiều vào tác động tích cực của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ… không chỉ ở thị trường Mỹ.

Trên cơ sở đó, các chuyên gia cho rằng, năm 2021 Việt Nam cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro, đặc biệt gắn với Covid-19 - trong bối cảnh “bình thường mới”. Các nỗ lực này không tách rời, mà là một phần tiên quyết ngay trong kế hoạch phục hồi kinh tế của Việt Nam.

Hậu Lộc
Phiên bản di động