Cảnh báo nạn buôn lậu, gian lận thương mại khu vực biên giới và nội địa
Vẫn đang điều tra vụ buôn lậu 600 tấn quặng đồng của Công ty TNHH Ngọc Thiên Sáu tháng, phát hiện và xử lý hơn 30 nghìn vụ buôn lậu, gian lận hóa đơn |
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia vừa có thông báo tới Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 các địa phương về một số phương thức, thủ đoạn phổ biến về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả xảy ra thời gian qua.
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, qua công tác nắm tình hình và tổng hợp báo cáo các bộ, ngành, địa phương cho thấy hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng diễn biến phức tạp về phương thức, thủ đoạn trên tất cả các tuyến, địa bàn, lĩnh vực.
Lực lượng Quản lý thị trường Lạng Sơn phát hiện 60 đơn vị phụ tùng ô tô có dấu hiệu nhập lậu ngày 10/8. |
Theo đó, trên tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, do các lực lượng chức năng tập trung kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, nên tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cửa khẩu, đường mòn, lối mở được ngăn chặn, không phát sinh điểm nóng.
Tuy nhiên, tại một số địa bàn biên giới, các đối tượng sử dụng phương thức thủ đoạn như: lợi dụng một số kho bãi để tập kết, cất giấu hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không có nguồn gốc xuất xứ trước khi đưa vào nội địa tiêu thụ.
Các đối tượng chuyển hướng kinh doanh, vận chuyển hàng lậu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, giả mạo nhãn mác, xuất xứ, không rõ nguồn gốc... qua đường bưu điện, chuyển phát nhanh nhằm tránh sự kiểm tra, phát hiện của các lực lượng chức năng tiếp tục diễn biến phức tạp.
Hàng hóa được vận chuyển về tập kết tại các kho hàng của công ty chuyển phát nhanh, kho hàng hóa nội địa của các công ty dịch vụ hàng không, kho hàng của các công ty Logistic sau đó chuyển đến các khách hàng, mặt hàng chủ yếu là: quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ chơi trẻ em, linh kiện điện tử...
Đáng chú ý, do dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp, lợi dụng tình trạng khan hiếm mặt hàng khẩu trang y tế, nên các đối tượng đã vận chuyển trái phép qua khu vực đường mòn, lối mở khẩu trang không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng kém để đưa ra nước ngoài hoặc nhập khẩu vào Việt Nam.
Trong nội địa, việc lợi dụng kinh doanh thương mại điện tử để thực hiện hành vi bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ gia tăng. Lợi dụng sự khan hiếm thiết bị y tế, các đối tượng đã sản xuất, kinh doanh khẩu trang, găng tay, bộ đồ bảo hộ giả mạo nhãn hiệu, xuất xứ, kém chất lượng.
Ngoài ra, các đối tượng còn thực hiện hành vi tái chế khẩu trang, găng tay đã qua sử dụng rồi đóng vào hộp mang thương hiệu của các hãng khác để đem đi tiêu thụ, ảnh hưởng lớn đến công tác phòng dịch.
Trên cơ sở đó, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đề nghị Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 các địa phương tiếp tục nắm tình hình, chủ động tham mưu Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng nâng cao tinh thần trách nhiệm, tập trung kiểm tra để ngăn chặn các hành vi vi phạm, đảm bảo hiệu quả công tác phòng dịch và phát triển kinh tế.