Cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng
Lấn chiếm công viên, lòng đường và vỉa hè
Hiện nay, khu vực quanh công viên Bồ Đề Xanh, Bệnh viện Tâm Anh (phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội) đang được nhiều tổ chức trông giữ phương tiện sử dụng làm điểm đỗ xe ngoài quy định. Trong đó, nổi lên là hoạt động trông giữ của Công ty TNHH Khai thác Điểm đỗ 369, Công ty TNHH Dịch vụ Đầu tư Khai thác Điểm đỗ Long Biên và dịch vụ xe Vietanhauto.
Thay vì dành lối đi cho người dân và khách ra vào bệnh viện, xe máy, xe ô tô của các bãi xe này lại lấn chiếm khu vực công viên, đỗ vuông góc trên vỉa hè để tận dụng đỗ được nhiều xe, gây khó khăn cho người đi bộ và tạo cảnh nhếch nhác tại khu vực vốn dĩ là không gian công cộng.
Xe ô tô đỗ kín khuôn viên công viên Bồ Đề Xanh và đỗ ra cả phần đường kẻ vạch (Ảnh chụp tháng 10/2024) |
Vào khung giờ cao điểm, đặc biệt là sáng sớm, buổi trưa và cuối giờ chiều, lượng xe đỗ ở khu vực công viên và lòng đường nơi đây tăng lên đột biến, gây ách tắc cục bộ, thậm chí còn cản trở lối vào của các phương tiện cấp cứu tại Bệnh viện Tâm Anh.
Vì tình trạng trông giữ xe lộn xộn, nên người đi bộ chỉ còn cách luồn lách (Ảnh chụp tháng 10/2024) |
Người dân sống quanh khu vực cho biết, tình trạng lấn chiếm này khiến họ không thể tiếp cận công viên để tập thể dục hay đi dạo, phải di chuyển khó khăn qua các khu vực xe đỗ kín lối. Công viên Bồ Đề Xanh, vốn là nơi sinh hoạt công cộng, nay lại trở thành bãi đỗ xe nhếch nhác, không còn phục vụ được mục đích của mình.
Bãi trông giữ xe kiêm rất nhiều dịch vụ khác mà không hề có bất cứ dấu hiệu của một khu vực trông giữ có phép, đúng quy định (Ảnh chụp tháng 10/2024) |
Trông giữ xe lấn chiếm toàn bộ vỉa hè (Ảnh chụp tháng 10/2024) |
Cần vào cuộc mạnh tay, không thể "phạt rồi cho tồn tại"
Đối diện với tình trạng này, đại diện UBND phường Bồ Đề cho biết đã ghi nhận và xử lý vi phạm hành chính nhưng tình trạng tái diễn vẫn xảy ra.
Ông Lưu Ngọc Tiến, Phó Chủ tịch UBND phường Bồ Đề cho biết, mặc dù chính quyền đã xử phạt các vi phạm liên quan đến trật tự đô thị tại khu vực công viên Bồ Đề Xanh và Bệnh viện Tâm Anh.
Khi được hỏi, ông Tiến cung cấp những số liệu xử phạt tính ở thời điểm đầu tháng 9/2024, tuy nhiên, những hình ảnh phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô ghi nhận được là thời điểm cuối tháng 10/2024 và giữa tháng 11/2024.
Thay vì hướng dẫn khách đỗ xe theo đúng vạch kẻ, đơn vị trông giữ hướng dẫn chủ xe đỗ vuông góc với vỉa hè để có thêm nhiều diện tích cho xe đỗ (Ảnh chụp ngày 15/11/2024) |
Thực tế trên cho thấy, do thiếu các biện pháp xử lý mạnh tay, tình trạng lấn chiếm vẫn tiếp diễn, chưa thể ngăn chặn triệt để các hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.
Tình trạng này diễn ra rất lâu và chưa có dấu hiệu chấm dứt |
Trước sự thiếu hiệu quả trong việc xử lý bằng biện pháp hành chính, người dân địa phương bày tỏ mong muốn có sự vào cuộc quyết liệt và mạnh mẽ hơn từ Ban Chỉ đạo 197 phường Bồ Đề.
Việc “phạt cho tồn tại” chỉ khiến vấn đề ngày càng nghiêm trọng hơn, trong khi các điểm trông giữ phương tiện vẫn ngang nhiên hoạt động. Lực lượn chức năng cần có các biện pháp răn đe mạnh, kể cả việc thu hồi giấy phép hoạt động nếu các công ty tiếp tục lấn chiếm, biến không gian công cộng thành bãi đỗ xe thương mại.
Thời điểm ghi nhận những hình ảnh này là buổi trưa 15/11/2024, công viên Bồ Đề Xanh trở thành một bãi trông giữ xe rộng lớn (Ảnh chụp ngày 15/11/2024) |
Người dân cũng kỳ vọng Ban Chỉ đạo 197 sẽ không chỉ dừng lại ở việc phạt hành chính mà cần có biện pháp kiên quyết, đồng bộ để xử lý tận gốc tình trạng này. Họ cho rằng, nếu Ban Chỉ đạo 197 không vào cuộc mạnh tay, các đơn vị khai thác điểm đỗ như: Công ty TNHH Khai thác Điểm đỗ 369, Công ty TNHH Dịch vụ Đầu tư Khai thác Điểm đỗ Long Biên và Vietanhauto sẽ tiếp tục lấn chiếm không gian chung.
Người dân quanh khu vực công viên Bồ Đề Xanh và Bệnh viện Tâm Anh kỳ vọng Ban Chỉ đạo 197 sẽ có những biện pháp xử lý triệt để, vừa lập lại trật tự đô thị, vừa đảm bảo quyền lợi sử dụng không gian công cộng của cư dân.
Sự vào cuộc quyết liệt từ Ban Chỉ đạo 197 không chỉ nhằm giải quyết vấn đề tức thời mà còn giúp nâng cao ý thức chấp hành của các tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng không gian đô thị một cách có trách nhiệm, tạo ra một môi trường xanh, sạch và văn minh đúng nghĩa.