Cần hoàn thiện cơ chế phối hợp, chia sẻ nguồn lực giữa các tỉnh trong vùng
Kịp thời sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan đến cơ chế phát triển vùng
Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) cho biết, trong tháng 4 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp chủ trì quán triệt Nghị quyết 11 và 13 về phát triển kinh tế Trung du miền núi Bắc bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là những định hướng quan trọng trong phát triển kinh tế vùng.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) phát biểu tại kỳ họp. (Ảnh: Quochoi.vn) |
Quan tâm đến các giải pháp để phát triển kinh tế vùng, Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cho rằng cần kịp thời sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan đến cơ chế phát triển vùng.
“Nếu như nhìn vào hệ thống pháp luật về tài chính, ngân sách, đầu tư, chúng ta nhận thấy đang thiếu cơ chế điều hòa, phối hợp, chia sẻ nguồn lực giữa các tỉnh trong một vùng” , đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nêu.
Theo đại biểu, nếu như hiện nay nhìn vào hệ thống pháp luật tài chính ngân sách và đầu tư thì có thể dễ dàng nhận thấy chúng ta đang thiếu những quy định về một cơ chế điều hòa, phối hợp chia sẻ nguồn lực… Tuy nhiên, nhìn từ góc độ phân bổ nguồn lực, danh sách từng địa phương là khá độc lập. Trên thực tế hỗ trợ phát triển hợp tác giữa các vùng thời gian qua là hết sức mờ nhạt.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cũng đề nghị phải tăng cường hơn nữa vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương trong phát triển kinh tế vùng. Tuy nhiên, có một thực tế đáng lo ngại, đó là trong những năm gần đây, ngân sách Trung ương có xu hướng giảm dần.
Năm 2021, mặc dù ngân sách Trung ương có tăng thu nhưng chỉ chiếm 21,7%; trong giai đoạn 2021-2025, tổng nguồn lực Trung ương đầu tư cho các dự án liên kết vùng chỉ chiếm 11,7%. Đây là mức rất thấp.
Trong khi đó, khối địa phương chủ động một tỷ lệ chi khá cao, từ năm 1992 là 20% lên hơn 60% năm 2020; Hiện nay đang tiếp quản hươn 3/4 nguồn lực đầu tư công. So với các nước trên thế giới, việc phân bổ tỷ lệ chi cũng có tỷ lệ cao hơn so với các nước có cùng trình độ phát triển là 20%.
“Nếu chúng ta tiếp tục giữ vai trò của ngân sách Trung ương như hiện nay, thì việc thực hiện thành công các nhiệm vụ liên kết vùng như Nghị quyết của Đảng đã đề ra sẽ gặp khó khăn”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nói.
Liên quan liên kết vùng, nữ đại biểu đoàn Hà Nội cũng nêu khía cạnh quy mô các tỉnh, thành Việt Nam. Nếu so sánh với nhiều nước trên thế giới, quy mô tỉnh thành của Việt Nam tương đối nhỏ. Chúng ta có 1,5 triệu dân bình quân trên một tỉnh; trong khi khối OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - PV) là 3 triệu dân.
Diện tích Việt Nam nhỏ nhưng số lượng tỉnh thành lớn. Năm 1986 chúng ta có 40 tỉnh, thành; hiện nay chúng ta có 63 tỉnh, thành. Đây là một thực tế khó có thể thay đổi, xét dưới giác độ quản lý cũng tạo ra những lợi ích nhất định. Tuy nhiên nhìn từ khía cạnh liên kết vùng thì cũng ảnh hưởng phần nào đến phát huy tối đa tiềm lực của từng tỉnh cho mục tiêu chung.
“Xuất phát từ ý nghĩ như vậy, tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta cần hoàn thiện thể chế. Cần có cơ chế điều phối hợp lý, linh hoạt giữa các tỉnh trong một vùng, giữa các tỉnh trong cả nước để tạo ra sức mạnh tổng thể trong phát triển kinh tế vùng. Đặc biệt, cần đề cao vai trò của ngân sách Trung ương để thực hiện các mục tiêu có ý nghĩa vùng miền”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề xuất.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện thể chế, có một cơ chế điều phối hợp lý liên quan giữa các tỉnh trong một vùng; đề cao vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương để tạo một sức mạnh tổng thể phát triển kinh tế vùng.
Khẩn trương đưa Nghị quyết 43 về phục hồi phát triển kinh tế vào cuộc sống
Về gói phục hồi kinh tế, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, thực tế không thể phủ nhận là quá trình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chậm so với tiến độ, thậm chí có những mục tiêu khó hoàn thành trong thời gian thực hiện Nghị quyết.
“Một câu hỏi đặt ra là chúng ta có lý do để chậm hay không?”, đại biểu đặt vấn đề và cho rằng không có lý do gì để chậm trễ, bởi về khách quan có một số điều kiện thuận lợi: Dịch COVID-19 được khống chế và đẩy lùi; nguồn lực thực hiện theo Nghị quyết là sẵn sàng; quy trình thủ tục được đơn giản hóa tối đa; thực hiện phân cấp, phân quyền tối đa đến từng bộ, ngành, địa phương với những tiền lệ chưa từng được áp dụng…
Quốc hội thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước chiều 1/6 |
Cho rằng, lãng phí cơ hội, thời gian đồng nghĩa với việc lãng phí nguồn lực, ngân sách, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị Chính phủ rà soát tổng thể để làm rõ việc thực hiện Nghị quyết đang chậm ở đâu, vướng ở đâu; xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc không bảo đảm tiến độ.