Cán bộ, Đảng viên phải là “đầu tàu” nêu gương
Xóa điểm nóng cơ sở và trách nhiệm nêu gương Đối thoại và nêu gương, “bí kíp” làm nguội điểm nóng |
Ngày 30/10/2019, thành phố Hà Nội đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNECSO) ghi danh vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của thế giới. Với lợi thế rất lớn là truyền thống, nguồn lực nội tại về văn hóa, khi tiếp tục hòa vào dòng chảy chung, đi cùng xu thế của các thành phố lớn trên thế giới là phát triển dựa trên khoa học công nghệ, quản trị xã hội hiện đại; Bảo vệ môi trường; chuyển đổi số… Hà Nội sẽ có thêm cơ hội, động lực để phát triển.
Xác định nguồn lực văn hóa, văn hiến đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: “Trong những ngày qua, chúng ta vừa chứng kiến các hoạt động ý nghĩa chào mừng và kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây thực sự vừa là niềm tự hào, vừa là dịp để mỗi chúng ta nhìn lại truyền thống quý báu được ông cha ta hun đúc từ ngàn đời”.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong |
Dù vậy, yếu tố con người cũng vô cùng quan trọng. Bởi con người luôn là chủ thể sáng tạo nên văn hóa, thụ hưởng văn hóa ấy. Chính vì thế, đồng chí Nguyễn Văn Phong một lần nữa chỉ đạo: “Tự hào với truyền thống lịch sử của mảnh đất ngàn năm văn hiến, mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thủ đô hơn lúc nào hết cần phát huy ý thức và tinh thần trách nhiệm của mình, tự giác, cổ vũ, lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống, những tấm gương, hành vi đẹp trong cuộc sống bình dị hằng ngày; Đồng thời kiên quyết đấu tranh phê phán những cái xấu, những biểu hiện lệch lạc về đạo đức, chuẩn mực xã hội để Hà Nội trong mắt người dân Thủ đô, bạn bè trong nước và quốc tế mỗi ngày một đẹp hơn, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến, Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo”.
Trong Dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội cũng khẳng định: Văn hóa và con người phải thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Để quan điểm này thực sự đi vào thực tiễn hiệu quả, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội cần nhận thức sâu sắc rằng, trong mọi công việc, yếu tố văn hóa cần được quan tâm trước hết, nhất là văn hóa truyền thống tốt đẹp của Thăng Long - Hà Nội; Để văn hóa Thăng Long - Hà Nội trở thành một dòng chảy xuyên suốt trong mọi lĩnh vực đời sống: Chính trị, kinh tế, xã hội, phát triển con người... khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tình yêu Hà Nội, ý chí, khát vọng vươn lên, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị; Xây dựng người Hà Nội có lối sống nhân ái, nghĩa tình, sống và làm việc theo pháp luật...
Trước đó, đồng chí Nguyễn Văn Phòng từng cho biết: Nói đến Hà Nội, mọi người đều khẳng định đây là trung tâm văn hóa lớn và là đại diện tiêu biểu cho văn hóa quốc gia. Hà Nội xác định văn hóa cùng với con người vừa là mục tiêu phải hướng đến và cũng là nguồn động lực to lớn, rất quan trọng cho Hà Nội phát triển bền vững; Đồng thời cũng để tạo dựng nên một bản sắc của Hà Nội, dựa trên nền tảng truyền thống nghìn năm văn hiến và cập nhật, hòa mình vào dòng chảy chung của thế giới.
Định hướng lớn của thành phố Hà Nội trong thời gian tới là tiếp tục bảo tồn, duy trì và phát huy các giá trị văn hóa của đô thị Hà Nội cũng như vùng nông thôn của Hà Nội, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Thứ hai là phát triển công nghiệp văn hóa. Đồng chí Nguyễn Văn Phong phân tích đây là thế mạnh của Hà Nội. Nếu biết cách khai thác, phát triển theo hướng công nghiệp văn hóa, cũng chính là một cách tuyên truyền, quảng bá và thực hiện đối ngoại văn hóa, xuất khẩu văn hóa ngay tại chỗ.
Vấn đề thứ 3 là tập trung vào xây dựng con người Hà Nội. Vấn đề này xác định phải kiên trì, bởi văn hóa không phải ngày một ngày hai, mà là quá trình có bồi đắp, có tiếp thu, trên nền văn hóa gốc của Thăng Long - Hà Nội.
Để làm được việc này, đồng chí Nguyễn Văn Phong cũng xác định cần kiên trì tuyên truyền để người dân tuân thủ pháp luật, thượng tôn pháp luật, ứng xử có văn hóa, có tấm lòng vị tha, bao dung, nhân nghĩa, nhân văn… Trong việc xây dựng, phát triển người Hà Nội thanh lịch văn minh, đội ngũ cán bộ, đảng viên công chức, viên chức của thành phố phải gương mẫu và tự giác thực hiện, để lan tỏa ra xã hội.
“Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, đây không chỉ là thể hiện trách nhiệm của người đứng trong đội ngũ của Đảng mà còn thể hiện tình yêu Hà Nội của công dân Thủ đô, tạo động lực phát triển thực chất cho văn hóa Hà Nội.
Cẩm Tú
Ảnh: Vương Đức