Xóa điểm nóng cơ sở và trách nhiệm nêu gương
Kiểm soát các điểm “nóng”
Xuất phát từ thực tiễn, ngày 4/7/2017, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU “Về việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội”.
Thực tế cơ sở đã chứng minh, việc ban hành Nghị quyết 15 là quyết định lãnh đạo kịp thời, sáng suốt và đem lại hiệu quả cả trước mắt và lâu dài của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Lợi ích to lớn nhất đó là sự bình yên cho Thủ đô.
Trong thời gian qua, tất cả các tổ chức, địa phương, đơn vị, địa bàn đã được rà soát và được yêu cầu tự rà soát để chỉ ra ở đâu, việc gì tiềm ẩn nguy cơ. Trên cơ sở tổng hợp báo cáo từ các ban Đảng Thành ủy, các cơ quan thành phố, Ban Tổ chức Thành ủy đã lập được danh sách 200 vụ việc phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Hà Nội; phân tích 17 vụ việc phức tạp có nguy cơ trở thành “điểm nóng” nhất. Cấp ủy 30 quận, huyện, thị xã cũng chỉ đạo rà soát thống kê được 326 vụ việc phức tạp khác.
Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2020” tại huyện ủy Hoài Đức. |
Các cấp ủy còn lập danh sách 86 tổ chức cơ sở Đảng cần được củng cố, trong đó có 82 Đảng bộ xã, phường, thị trấn. Nói về ý nghĩa của những con số này, đồng chí Nguyễn An Huy, Chánh Thanh tra thành phố nêu rõ: “Trước khi có Nghị quyết 15 ngay cả Thanh tra thành phố cũng khó kiểm soát được con số những vụ việc phức tạp. Nhờ có Nghị quyết này, chúng ta đã kiểm soát được tình hình”.
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15-CT/TU đã được thực hiện toàn diện. Một số vấn đề phức tạp, nhạy cảm và những vướng mắc về cơ chế, chính sách đã được lãnh đạo thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt. Ban Chỉ đạo đã yêu cầu các quận, huyện, thị ủy rà soát, xây dựng kế hoạch, quyết liệt chỉ đạo thực hiện việc củng cố tổ chức cơ sở Đảng không hoàn thành nhiệm vụ, tổ chức cơ sở Đảng có vấn đề cần quan tâm củng cố.
Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2020” tại Sở Tư pháp |
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo cũng đề xuất nhiều giải pháp để giải quyết việc khiếu kiện đông người; đôn đốc và triển khai có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; giải quyết kịp thời những vấn đề dân sinh bức xúc, các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giảm phát sinh các vụ việc phức tạp.
Qua đó, ý thức trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, cơ quan trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo đã có chuyển biến tích cực.
Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm khách quan, chính xác, chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân được nâng lên.
“Hạ nhiệt” và giải quyết thấu đáo
“Đến nay, việc triển khai chỉ thị, nghị quyết đã thẩm thấu đến từng cơ sở và mỗi cán bộ, đảng viên từ đó tạo bầu không khí mới, trách nhiệm tinh thần làm việc mới để quan tâm, chăm lo tốt hơn đến tổ chức cơ sở Đảng, xem xét, giải quyết thấu đáo những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân. Đặc biệt, các địa phương đã chủ động giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phòng ngừa những vấn đề liên quan đến trật tự, an toàn xã hội, tạo tiền đề để Thủ đô hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị”, đồng chí Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15-CT/TU của Thành ủy Hà Nội đánh giá.
Xóa điểm nóng cơ sở và trách nhiệm nêu gương |
Như vậy, trách nhiệm, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, trực tiếp là những người công tác ở cơ sở, gần dân, không phải là những khái niệm chung chung mà được thành phố chỉ ra rất rõ, cụ thể. Thành tích hay khuyết điểm của cán bộ, đảng viên được định lượng thông qua hiệu quả thực hiện nhiệm vụ theo chức trách được phân công. Để đơn vị, địa phương, địa bàn mình phụ trách xảy ra những vụ việc tiêu cực, khiếu nại, khiếu kiện của người dân chậm được giải quyết hoặc giải quyết không đến nơi đến chốn dẫn đến “chuyện bé xé ra to” thành những điểm “nóng” chính là thể hiện sự yếu kém trong nêu gương. Nơi nào, khi nào có những biểu hiện ấy thì nơi đó, khi đó người dân sẽ mất niềm tin vào cán bộ, ảnh hưởng xấu đến hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị địa phương.
Hạ nhiệt "điểm nóng" là một quá trình bền bỉ, nhiều khó khăn. Do đó, không được chủ quan, mà phải luôn nỗ lực không ngừng để đưa "điểm nóng" từng bước trở thành "điểm sáng", từ tổ chức Đảng yếu kém, cần củng cố thành tổ chức Đảng vững mạnh, tiêu biểu. Hà Nội luôn đặt ra mục tiêu để hướng đến.