Đối thoại và nêu gương, “bí kíp” làm nguội điểm nóng

Ở những điểm nóng nhất về đất đai, người dân luôn thấy Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ (Hà Nội) Đinh Mạnh Hùng xuất hiện để đối thoại. Khi mưa lũ, ông Hùng xuống tận đê kiểm tra, chỉ đạo, ăn ngủ cùng dân. Cũng ở trong huyện Chương Mỹ, lãnh đạo thị trấn Xuân Mai đã giải được “bài toán khó” tái lập trật tự đô thị nhờ gương mẫu, sâu sát với dân.
Tin tức nổi bật tuần qua: Không nêu gương, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải bị Thủ tướng kỷ luật cảnh cáo Đà Nẵng đối thoại với người dân về Khu liên hợp Nhà máy xử lý rác thải Khánh Sơn 'Viết và Đối thoại' - những lát cắt trong sự nghiệp của nhà báo Trần Mai Hạnh Tăng cường đối thoại là yếu tố nòng cốt để xử lý các điểm nóng về đất đai Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Chống bạo lực học đường cần nêu gương là chính

Ở đâu khó, có Chủ tịch huyện

Nghe tin cơn bão số 3, Chánh văn phòng HĐND và UBND huyện Chương Mỹ Trần Ngọc Thông cảm thán: “Các lãnh đạo lại sắp vất vả rồi”. Theo ông Thông, huyện Chương Mỹ nằm trong hành lang thoát lũ của Hà Nội với đê tả Bùi xung yếu, bảo vệ an toàn cho cả nội đô. Bởi vậy, mỗi khi mưa to hay có báo động lũ, các lãnh đạo huyện thường xuống ngay cơ sở, túc trực cùng người dân bất kể ngày đêm.

Đối thoại và nêu gương, “bí kíp” làm nguội điểm nóng
Chủ tịch UBND huyện Đinh Mạnh Hùng (ngoài cùng bên phải) cùng UVBCT, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đến thăm nhà dân bị ngập nước.

Vào tầm cuối tháng 7 năm ngoái, nước trên sông Bùi dâng cao, có nguy cơ tràn đê. Nhận thông tin nước lũ vượt báo động 3 trong đêm, ngay 3 giờ sáng, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng đã ngay lập tức xuống cơ sở. Tại đây, ông cùng với lãnh đạo xã Thanh Bình và hơn 500 cán bộ, lực lượng dân quân tự vệ, công an xã và Nhân dân chống tràn đê tả Bùi với chiều dài hơn 1,5km. Sau đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng lập tức xuống xã Thanh Bình, trấn an người dân, kiểm tra tình hình chống lụt và chỉ đạo kịp thời các biện pháp tiếp theo.

Đối thoại và nêu gương, “bí kíp” làm nguội điểm nóng

Chủ tịch UBND huyện Đinh Mạnh Hùng cùng Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung kiểm tra tình hình chống lụt tại xã Thanh Bình

Người dân rốn lũ Chương Mỹ đã nhọc nhằn gánh lũ cho cả khu vực nội đô mỗi khi nước sông Bùi dâng cao, tràn bờ suốt bao năm nay. Trong khi đó, quá trình di dân không đơn giản, liên quan đến phong tục tập quán, nhu cầu sản xuất… Thế nên, sự xuất hiện kịp thời của lãnh đạo chính quyền địa phương vừa là “liệu pháp tinh thần” củng cố niềm tin cho người dân, vừa là cam kết mạnh mẽ về việc đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân. Ở đâu dân khó, ở đó có chính quyền. Sự tin tưởng tin của nhân dân được xây dựng từ những điều như thế.

Bà Nguyễn Thị An, sống gần đê tả Bùi chia sẻ: “Lãnh đạo huyện, rồi lãnh đạo thành phố xuống tận nơi hỏi thăm, nhắc nhở, bà con không được chủ quan, cảnh giác khi canh đê. Được sự quan tâm, động viên kịp thời của chính quyền các cấp, người dân chúng tôi cũng vững tâm, vững lòng và vững tin hơn”.

Không chỉ có mặt kịp thời lúc dân cần, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ trong con mắt của cán bộ công chức và người dân địa phương là người rất giỏi trong đối thoại ở các “điểm nóng”. Đối thoại với người dân được ông Đinh Mạnh Hùng vận dụng linh hoạt trong việc làm nguội các “điểm nóng” và đem lại hiệu quả đáng kinh ngạc.

Đối thoại và nêu gương, “bí kíp” làm nguội điểm nóng
Ông Đinh Mạnh Hùng trong một buổi đối thoại với công dân huyện Chương Mỹ

Giống như các địa phương khác, Chương Mỹ có nhiều “điểm nóng” về giải phóng mặt bằng, về triển khai dự án. Chẳng hạn như dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại núi Thoong, xã Tân Tiến; cầu Văn Phương, cầu Hòa Viên, cầu Hạ Dục, xã Đồng Phú; đường máng 7; dự án cải tạo nâng cấp mở rộng 2,3km quốc lộ 6A qua thị trấn Chúc Sơn…

Ở những nơi mà dân chưa đồng thuận này, ông Chủ tịch huyện đều có mặt để đối thoại. Bằng việc lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, kiên nhẫn giải đáp từng thắc mắc nhỏ, cởi mở, thẳng thắn trong đối thoại, ông Hùng đã thuyết phục được rất nhiều hộ dân đồng thuận với chính quyền, giao lại mặt bằng để thực hiện dự án.

Dân vận tốt, tái lập trật tự đô thị

Dọc quốc lộ 6A, đoạn qua thị trấn Xuân Mai, dù san sát hàng quán kinh doanh nhưng vỉa hè vẫn thông thoáng, hầu như không xuất hiện các biển hiệu vẫy vi phạm trật tự đô thị. Đảng ủy chính quyền thị trấn Xuân Mai đã thực hiện được điều mà ở nhiều nơi trên cả nước vẫn đang là “nhiệm vụ bất khả thi”, đó là trả lại vỉa hè cho người đi bộ.

Để giải “bài toán khó” tái lập trật tự vỉa hè, bí quyết của chính quyền thị trấn Xuân Mai là việc gỡ từng nút thắt, khoanh vùng thực hiện và nghiêm khắc nêu cao trách nhiệm người đứng đầu.

Đối thoại và nêu gương, “bí kíp” làm nguội điểm nóng
Đường phố Xuân Mai đã vắng những biển vẫy.

Ông Nguyễn Đình Dân, Bí thư Đảng ủy thị trấn Xuân Mai cho biết: “Khi bắt đầu chiến dịch, chúng tôi đã xác định các khó khăn chính. Đó là tâm lý người dân mình thấy hàng xóm treo biển, sợ che mất hàng mình cũng phải treo biển đua ra. Đó là hiện tượng tái lặp vi phạm: Khi có đoàn kiểm tra thì thực hiện tốt, đoàn đi rồi lại treo biển ra. Chưa kể, người dân còn có nhiều mối quan hệ chằng chéo, hay nhờ người quen xin giúp. Làm nghiêm khu này mà khu kia chưa kịp làm sẽ xuất hiện tâm lý tị nạnh”.

Đảng ủy thị trấn Xuân Mai đã chỉ đạo lấy khu Tân Bình làm điểm. Các biện pháp được áp dụng bao gồm tuyên truyền để dân hiểu, ký cam kết; kiểm tra, thu giữ, tiêu hủy và xử phạt các vi phạm sau khi người dân đã ký cam kết. Để tránh tái lặp lại sai phạm, chính quyền thị trấn Xuân Mai còn áp dụng cả biện pháp “phạt nguội” bằng hình ảnh. Đồng thời, việc kiên quyết “từ chối xin cho người thân, người quen” được quán triệt trong từng cuộc họp. Cán bộ Đảng viên là người gương mẫu đi đầu. Ai để tình trạng này xảy ra sẽ nêu tên trong cuộc họp, chịu kiểm điểm… Bản thân Bí thư thị trấn cũng đã từ chối lời xin hỗ trợ của người quen, nêu rõ trong cuộc họp rút kinh nghiệm và chỉ đạo bên công an đẩy nhanh việc tiêu hủy biển hiệu thu giữ để người vi phạm hết đường xin xỏ.

Sau một tháng thí điểm ở Tân Bình, UBND thị trấn Xuân Mai họp rút kinh nghiệm và bắt đầu mở rộng dần ra các khu xung quanh. Hiện chiến dịch đã mở rộng ra các tuyến đường liên khu, nội thị trấn, tiến tới mục tiêu không còn biển vẫy… và được người dân đồng lòng ủng hộ.

“Điều quan trọng để chiến dịch thành công là các biện pháp áp dụng dù quyết liệt hay mềm mỏng đều phải cân nhắc quyền lợi của người dân”, ông Nguyễn Đình Dân cho biết.

Cán bộ lấy quyền lợi của người dân là gốc

Có một điểm chung ở cả thị trấn Xuân Mai và huyện Chương Mỹ (Hà Nội) là việc chính quyền địa phương luôn tâm niệm phải lấy “quyền lợi của người dân là gốc”, coi đối thoại là chìa khóa để làm nguội các “điểm nóng” ở địa phương.

Quy chế làm việc của UBND hai địa phương đã thể hiện phương châm “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả”, “một việc - một đầu mối xuyên suốt”. Nhiệm kỳ 2016 - 2021, UBND huyện Chương Mỹ đã cụ thể hóa 8 Chương trình công tác, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá, được Ban chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXIII đưa vào Quy chế làm việc của tập thể UBND huyện…

Việc Chủ tịch UBND Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng luôn xông xáo vào nơi khó, thường trực tinh thần đối thoại với công dân đã truyền cảm hứng cho các cán bộ. công nhân viên trong huyện nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân. Trong mùa mưa lũ 2019, ông Hùng và các các lãnh đạo huyện Chương Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng tinh thần ứng trực 24/24h để luôn song hành, sát cánh cùng người dân.

Tại thị trấn Xuân Mai, lịch tiếp công dân được Bí thư Trần Đình Dân khoanh tròn trên lịch công tác để nhắc nhở bản thân đối thoại là để hiểu dân, để gỡ những khúc mắc và là cách làm nguội các điểm nóng.

Chính nhờ đội ngũ lãnh đạo nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân như vậy, mà cả ở huyện Chương Mỹ lẫn thị trấn Xuân Mai, ba năm gần đây, các khiếu nại của người dân được giải quyết ngay tại địa phương, rất ít có khiếu nại vượt cấp. Người dân đồng thuận với quyết sách của chính quyền địa phương đã tạo ra sức mạnh tổng thể đẩy kinh tế xã hội của huyện Chương Mỹ đi lên.

Bác Hồ từng nói: "Cán bộ tỉnh phải đến các huyện, các xã. Cán bộ huyện phải đến tận các xã, các thôn. Cán bộ phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ, để thiết thực điều tra, giúp đỡ, kiểm soát rút kinh nghiệm, trao đổi kinh nghiệm giúp đỡ nông dân và hỏi dân''.

Như vậy, lãnh đạo huyện Chương Mỹ và thị trấn Xuân Mai đang học tập, noi gương phong cách lãnh đạo “gần dân, vì dân” của Bác Hồ qua việc xuống cơ sở để mắt thấy tai nghe việc thực, chăm chỉ đối thoại với người dân. Khi người cán bộ lãnh đạo khi lắng nghe, thấu hiểu và phát huy được tính tích cực, tự giác, sáng tạo của quần chúng nhân dân, quy tụ được sức mạnh, sự đồng tình ủng hộ của nhiều người, sẽ tạo nên sức mạnh to lớn để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ.

Anh Đức - Huyền My
Theo Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động