“Cái bẫy rình rập” tại những chợ tạm trên quốc lộ ở Gia Lai
Nhiều người đi chợ còn dừng xe giữa đường để mua bán gây mất An ninh Trật tự và ảnh hưởng đến ATGT. |
Dọc các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang hình thành rất nhiều chợ tự phát dọc hai bên.
Khoảng từ tầm 14h-18h hàng ngày, cả trăm tiểu thương lại đưa các mặt hàng rau củ, quả ra bán tại ngã 3 giao nhau giữa đường Trường Chinh và Hoàng Sa (Quốc Lộ 14). Không những bày bán trên vỉa hè mà nhiều tiểu thương còn bày bán ra cả lòng lề đường từ 1 đến 2 m. Người đi mua cũng dừng lại giữa lòng đường quốc lộ để mua đồ.
Bên cạnh dòng người đang say sưa mua, bán là dòng xe tải, xe khổ lớn, xe máy, ô tô… đang chạy nối đuôi nhau chạy băng băng trên đường. Khi qua ngã 3 trên, nhiều xe phải đi chậm, thậm chí phải dừng xe để chờ dòng người mua xong rồi mới tiếp tục đi.
Buôn bán gây cản trở mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông |
Hơn hai năm nay, UBND phường Chi Lăng, UBND phường Ia Kênh đã phối hợp nhiều lần dẹp chợ tạm này. Tuy nhiên, đến nay chợ tạm này vẫn chưa dẹp hết vì đa số là bà con nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số bán. Nhằm giải quyết tình trạng lấn chiếm trên, UBND Phường Chi Lăng đã huy động nguồn xã hội hóa để xây dựng khu chợ cách mặt đường Quốc lộ khoảng 200m với số vốn khoảng 6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chợ xây xong nhưng chính quyền không thể vận động các thương lái vào khu chợ mới. Nhiều lần, cơ quan đoàn đã lập đi tuyên truyền tiểu thương chuyển vào kinh doanh đúng nơi quy định, nghiêm cấm tình trạng buôn bán dưới mọi hình thức. Phớt lờ các quy định này, nhiều người vẫn cố tình vi phạm, bất hợp tác mỗi khi lực lượng triển khai nhiệm vụ.
Người dân buôn bán trên tuyến Tỉnh lộ 664 |
Chị Nguyễn Thị Diễm đang bày bán sản phẩm trên vỉa hè, cho biết: “Buổi sáng, tôi bán tại chợ Trà Bá, chiều thì ra đây bán (đoạn vỉa hè phường Chi Lăng giáp ranh với xã Ia Kênh). Tôi biết việc bày bán này là vi phạm, nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên phải… chịu. Khu chợ mới ở sâu phía trong, lại thêm dãy phân cánh khiến lượng khách không có…”
Bà T. (người dân tổ dân phố 1, Phường Chi Lăng) phản ánh: “Lòng đường ở đây tuy rộng nhưng bị các tiểu thương chiếm dụng gần hết. Khi tan chợ, rác thải từ rau, củ, quả hư được bỏ lại, mùi hôi thối bốc lên rất mất vệ sinh. Điều chúng tôi rất lo là vị trí này nằm ngay khúc cua, lượng phương tiện tham gia giao thông rất nhiều, song tiểu thương vẫn vô tư buôn bán”.
Người buôn bán lấn hẳn ra ngoài đường gây cản trở giao thông |
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Giang Sơn (Chủ tịch phường Chi Lăng, TP.Pleiku) cho biết: “Chợ này đã tồn tại đến 2 -3 năm nay rồi. Chúng tôi cứ lập đoàn dẹp thì dân lại dời vào sâu trong kia bán, khi chúng tôi đi, lại quay lại đường quốc lộ bán. Trước thì dân kêu không có chỗ bán nên chúng tôi đã kêu gọi xã hội hóa xây chợ. Khi chợ được hình, bà con lại không chịu vào vì trong đó ít khách…Tình trạng này diễn ra rất nhiều năm, hiện nay chúng tôi đã tham mưu với thành phố nhiều giải pháp nhằm giải quyết chợ tạm này. Nhưng vẫn đang chờ cấp trên xem xét, xử lý…”.
Theo thống kê sơ bộ, hiện trên địa bàn TP. Pleiku tình trạng lấn chiếm lòng lề đường làm nơi buôn bán gây mất trật tự an toàn giao thông thường xuyên xảy ra trên các tuyến đường như: Đường Trường Sa (tổ 1 phường Chi Lăng), đường Lê Duẩn (làng Choét 2, phường Thắng Lợi), đường Nơ Trang Long (tổ dân phố 5, phường Trà Bá), tuyến Tỉnh lộ 664 (làng Blang 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai)… Tình trạng mua bán lấn chiếm lòng lề đường là nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Chợ tự phát khu vực phường Thắng Lợi, TP. Pleiku |
Đường Nơ Trang Long là con đường dẫn vào bến xe Đức Long thường xuyên có xe khách, xe tải nhẹ ra vào thường xuyên. Bất chấp sự nguy hiểm rình rập từ giao thông, người dân vẫn vô tư tràn ra lòng lề đường buôn bán. Lâu dần rồi thành chợ tự phát khiến đoạn đường này luôn trong tình trạng mất an toàn giao thông. Không những thế, chợ tự phát này còn làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân quanh đây do các mùi hôi thối, các loại rác thải…
Anh Nguyễn Văn Ti (một người dân ở phường Trà Bá, thành phố Pleiku) cho biết: “Cứ mỗi sáng đi làm qua đoạn đường Nơ Trang Long là tôi thấy lo sợ. Người buôn bán cũng như người mua lấn hết cả lối đi. Người ta cứ thoải mái đi qua, đi lại trên đường, không cần để ý đến xe cộ đang qua lại nên rất dễ gây tai nạn. Nhiều người đi xe máy cũng dừng lại bên đường để chọn hàng, trả giá mua nên xe cộ ngổn ngang, mất trật tự”.
Bà Nguyễn Thị Ái Nguyên (Chủ tịch phường Trà Bá) thừa nhận: “Thời gian qua, phường thường xuyên tuyên truyền, vận động các hộ mua bán, kinh doanh viết cam kết cần chấp hành tốt quy định về hành lang an toàn giao thông. Thế nhưng khi lực lượng chức năng đến kiểm tra, nhắc nhở đi rồi thì tình trạng vi phạm lại tiếp tục tái diễn”.
Trước đó, tai nạn đã từng xảy ra khi xe đi đường lao vào đám đông đang họp chợ. Như Tuổi trẻ và Pháp luật đã thông tin, vào khoảng 6h15 ngày 3/8 xe khách của hãng xe Văn Năm BKS: 19B-00.918 do tài xế Nguyễn Văn Thất (SN: 1979, Quê Phú Thọ) điều khiển, lưu thông theo hướng Bắc – Nam. Khi đến đoạn chợ thị trấn Chư Sê thì bất ngờ tông vào nhóm người đang họp chợ.
Hậu quả khiến 4 người tử vong gồm: Phạm Thị Hoa (SN 1961, trú TDP 6, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê), Phạm Văn Thái (SN 1975, trú TDP 4, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê), Phạm Thị Sinh Châu (SN 1961, trú TDP 11, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê), bà Nguyễn Thị The (SN 1958, trú TDP 6, thị trấn Chư Sê).