Cách ly tiền cũ để phòng lây nhiễm dịch do virus corona

Ngân hàng nhà nước sẽ tính toán đưa tiền mới vào lưu thông, số tiền cũ quay vòng sẽ bị cách ly để phòng lây nhiễm dịch virus corona mới (nCoV).
Virus corona 'ăn mòn' ngành hàng không Vận tải cũng 'khốn đốn' vì virus corona

Cách ly tiền cũ thay bằng tiền mới

Trước lo ngại, bệnh dịch viêm phổi Vũ Hán do virus Corona mới (nCoV) có thể lây lan qua giao dịch tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có tính tới giải pháp khử trùng tiền mặt như Trung Quốc đã làm trước đó không?

cach ly tien cu de phong lay nhiem dich do virus corona
Ảnh minh họa.

Trao đổi với báo chí, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Hiện nay, NHNN lại chưa có đủ phương tiện để khử trùng tiền mặt, hơn nữa việc này có thể gây chậm trễ, gián đoạn giao dịch.

Do đó, để giảm rủi ro lây nhiễm của dịch bệnh, NHNN đã chỉ đạo ngân hàng các tỉnh, thành phố tính toán đưa tiền mới vào lưu thông. Số tiền cũ quay vòng nhận về từ khách hàng, các ngân hàng sẽ tạm thời để lưu trong khu vực cách ly với thời gian đủ lâu và đưa vào sử dụng ở thời điểm thích hợp.

Không được tăng lãi suất huy động, cho vay

Trước đó, trong hội nghị với các ngân hàng thương mại để đưa ra phương án tín dụng cho các ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch viêm phổi Vũ Hán do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết; Dịch bệnh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, nhất là các ngành dịch vụ du lịch, logistic, xuất nhập khẩu, sản xuất nông nghiệp… từ đó ảnh hưởng đến hoạt động cho vay, trả nợ ngân hàng.

Để tiếp tục đẩy mạnh tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh trong điều kiện bị ảnh hưởng của dịch bệnh, Phó Thống đốc yêu cầu các ngân hàng chủ động nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch nCoV để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễm giảm lãi vay… theo quy định hiện hành.

Ông Tú cũng yêu cầu Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế chủ động nghiên cứu để trong thời gian sớm nhất (không quá 2 tuần) hoàn thành dự thảo cơ chế hỗ trợ cho các đối tượng vay vốn ngân hàng bị tác động bởi dịch bệnh này. Tuy nhiên, các ngân hàng không được lợi dụng cơ chế hỗ trợ làm ảnh hưởng tới thị trường tín dụng và việc phân loại, xử lý nợ xấu.

Báo cáo nhanh về thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng nhà nước cho biết: Thanh khoản của các ngân hàng thương mại được bảo đảm, hoạt động của ngành ngân hàng diễn ra bình thường.

Tuy nhiên Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng thông tin, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng trong trường hợp bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Phó Thống đốc cũng đánh giá hiện thanh khoản của các ngân hàng thương mại hiện đang dồi dào, không có hiện tượng thiếu vốn nên các ngân hàng thương mại không được tăng lãi suất, kể cả lãi suất huy động.

“Trong trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước sẽ có điều chỉnh để gián tiếp hỗ trợ các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân”, ông Tú nói.

Theo Báo Giao Thông
Phiên bản di động