Cả hệ thống chính trị vào cuộc, toàn dân phải tham gia dập dịch tả lợn châu Phi
'Cơn bão' dịch tả lợn châu Phi đã quét qua tỉnh, thành thứ 46 Cán bộ thiếu trách nhiệm chống dịch tả lợn châu Phi có thể bị xử lý hình sự |
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường. |
Sáng 31/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về vấn đề kinh tế, xã hội và ngân sách nhà nước. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Liên quan đến bệnh dịch tả lợn châu Phi, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định, đây là vấn đề lớn, lần đầu tiên bệnh xảy ra ở nước ta. Loại bệnh này do một loại vi rút gây ra, khi tấn công vào đàn lợn gây tử vong 100%. Với đặc tính lây lan nhanh, tồn tại lâu trong môi trường tự nhiên, thế giới chưa có vắc-xin phòng bệnh nên loại vi rút này đặc biệt nguy hiểm với ngành chăn nuôi lợn trên toàn thế giới, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện nay chăn nuôi lợn chiếm tỉ trọng rất lớn trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Giá trị ngành nông nghiệp hiện nay là khoảng 1 triệu tỷ đồng, riêng chăn nuôi lợn chiếm khoảng 94 nghìn tỷ đồng, gần 10%. Hiện nay, thịt lợn vẫn chiếm tỉ trọng hơn 70% cơ cấu bữa ăn trong các gia đình Việt Nam. Chăn nuôi lợn có thể giải quyết sinh kế cho 2,4 triệu hộ gia đình. Ý thức được việc này, chỉ 1 tuần sau khi bệnh dịch xảy ra tại Trung Quốc (ngày 23/8/2018), Bộ NN&PTNT đã ban hành công điện khẩn đến các địa phương yêu cầu thực hiện các biện pháp ngăn chặn từ xa. Chính phủ trực tiếp họp chỉ đạo, truyền hình trực tiếp đến các địa phương và yêu cầu xây dựng kế hoạch, ứng phó với bệnh dịch này. Đến nay, hơn 50 văn bản chỉ đạo đã được ban hành, tất cả địa phương đều nỗ lực vào cuộc để phòng chống, xử lý bệnh dịch. “Dù đã chuẩn bị các biện pháp ứng phó, ngăn ngừa sự lây lan của bệnh nhưng đáng tiếc là bệnh đã lây lan tới 43 tỉnh, thành, hơn 300 huyện, hơn 3.000 xã. Số lượng lợn bị tiêu hủy là hơn 2 triệu con, chiếm 6,5% tổng số lợn của cả nước. Đây là thiệt hại vô cùng lớn. Tới đây, dự báo tình hình thời tiết vô cùng phức tạp, nếu không có biện pháp tích cực thì bệnh sẽ tiếp tục lan ra các tỉnh còn lại và quay trở lại ở những ổ dịch cũ”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, thời gian tới, với diễn biến thời tiết vô cùng phức tạp, dự báo nếu không có biện pháp tích cực, bệnh dịch tả lợn châu Phi sẽ tiếp tục lan ra các vùng còn lại. Theo Bộ trưởng, hiện 60 xã của 22 tỉnh đã qua 30 ngày không còn ổ dịch nhưng ngy cơ cảnh báo dịch tiếp tục quay trở lại. Thời gian tới, nếu không phòng trừ tốt, dịch tả lợn nguy cơ cũng xảy ra tại những hộ chăn nuôi lớn.
"Trước tình hình đó, Ban bí thư ra Chỉ thị, Thủ tướng đã chỉ đạo các địa phương với tinh thần chung là dập dịch như diệt giặc, phòng là chính, cả hệ thống chính trị vào cuộc, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương phải trực tiếp là người đôn đáo, chỉ đạo tất cả các biện pháp phòng trừ ở địa phương và toàn dân tham gia. Thủ tướng cũng xác định, phải sống chung lâu dài với bệnh này, để từ đó có biện pháp tổng thể", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Ông Cường cho rằng, hiện vẫn còn gần 94% đàn lợn sạch, không bị bệnh, do đó phải tuyên truyền giúp thị trường không bị sụt giảm. “Vừa qua theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công thương đã làm việc với các doanh nghiệp, họp bàn để dự trữ thịt đông lạnh. Chính phủ sẽ có chính sách khuyến khích để tăng cường biện pháp này”.
Bộ trưởng Cường cũng nhấn mạnh, các hộ chăn nuôi lớn, nhỏ lẻ tuyệt đối không tăng đàn trong thời điểm này, bởi nếu tăng đàn thì nguy cơ rủi ro rất cao. Về lâu dài, cần tập trung thúc đẩy nhanh các nghiên cứu khoa học, trong đó tập trung theo hướng nghiên cứu vacccine. Hiện Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT cùng với các ngành để có chính sách hỗ trợ, cùng Trung ương, địa phương, người dân chung tay giải quyết khó khăn.
Đánh giá chung về sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 2018, ngành NN&PTNT đã đạt được mức tăng trưởng tốt với 3,76%, xuất khẩu nông sản đạt được hơn 40 tỷ USD. Đây là kết quả rất cao, thể hiện sự cố gắng chung của cả hệ thống chính trị, của ngành nông nghiệp và nông dân.
Năm nay, ngành nông nghiệp được dự báo có nhiều thách thức, đặc biệt là chiến tranh thương mại khắc nghiệt diễn ra trên thế giới, vì thế, ngành đã xây dựng kế hoạch tăng trưởng kinh tế nông nghiệp, đặt ra mục tiêu phải đạt được 43 tỷ USD.