Bước tiến mới trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa

Hơn 2 năm thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”, Thủ đô Hà Nội đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích văn hóa, lịch sử.
Công chúng thích thú tìm hiểu quá trình hồi sinh biệt thự cổ ở Hà Nội Yên Bái chú trọng bảo tồn di sản văn hóa Gala chào xuân Giáp Thìn 2024: Biểu dương những đóng góp cho việc bảo tồn di sản văn hóa Dấu ấu công nghiệp văn hóa Thủ đô năm 2023

Chú trọng công tác kiểm kê, tôn tạo di tích

Nhằm cụ thể hóa tư duy đổi mới của Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, xác định văn hóa và con người không chỉ là mục tiêu, động lực mà là nguồn lực mới, trực tiếp quyết định sự phát triển nhanh và bền vững của Thủ đô, Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025” được Thành ủy ban hành vào ngày 17/3/2021.

Hơn 2 năm triển khai, có thể thấy rõ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cấp cấp trên địa bàn thành phố trong việc phát huy nguồn lực văn hóa, tạo sự chuyển biến tích cực và để lại nhiều dấu ấn. Đáng chú ý, phải kể đến là các quận, huyện đã nhanh chóng nâng cao được nhận thức về công tác bảo tồn, phát huy giá trị tích. Nhiều huyện đã trở thành điểm sáng trong lĩnh vực này như Gia Lâm, Thanh Trì, Thường Tín…

Bước tiến mới trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa
Lãnh đạo thành phố Hà Nội thăm quan di tích ở Thanh Trì

ng Nguyễn Tiến Việt, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gia Lâm cho hay, huyện đã triển khai hiệu quả đề án “Bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2021- 2025”; Kế hoạch số 86 của Huyện ủy thực hiện Nghị quyết số 09 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cụ thể, huyện đã tổ chức 2 lớp tập huấn tuyên truyền các văn bản liên quan đến bảo tồn di sản văn hóa; quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong giai đoạn 2021-2025, huyện đã rà soát, thống kê nhu cầu đầu tư tu bổ, tôn tạo đối với 61 di tích.

Huyện Gia Lâm cũng quan tâm chỉ đạo kiểm kê, lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích, điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến. Đến nay, toàn huyện có 253/320 di tích được UBND thành phố đưa vào danh mục kiểm kê; 163/320 di tích được xếp hạng các cấp. Huyện cũng đã biên soạn và phát hành cuốn sách “Gia Lâm - Những nhân vật nhân vật lịch sử tiêu biểu” tập 1; Sổ tay du lịch “Gia Lâm - Điểm đến của bạn bè bốn phương”.

Ngoài ra, địa phương này cũng xây dựng không gian truyền thống huyện Gia Lâm và số hóa kết hợp thuyết minh tự động; Biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa; Xây dựng và vận hành cổng thông tin du lịch, app du lịch Gia Lâm để tuyên truyền và quảng bá di sản, phát triển du lịch địa phương... Với sự vào cuộc tích cực, Gia Lâm đã trở thành điển hình của thành phố về công tác số hóa di tích, phát huy giá trị các “địa chỉ đỏ” trong phát triển du lịch.

Bước tiến mới trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa
Các đại biểu tham quan không gian Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm

Trong khi đó, tại Thanh Trì, Huyện uỷ đã chỉ đạo xây dựng và phê duyệt đề án “Tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, các lễ hội truyền thống trên địa bàn huyện Thanh Trì giai đoạn 2021 - 2020” với tổng kinh phí 356,138 tỷ đồng.

Theo đó, huyện xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị 45 di sản phi vật thể; ban hành văn bản hướng dẫn quy trình lập hồ sơ tu bổ, tôn tạo di tích; rà soát, kiểm tra hiện trạng 154 di tích, nghiên cứu lập chủ trương đầu tư, thực hiện các thủ tục chuyên ngành theo quy định, đặc biệt là 88 di tích đã được xếp hạng; 48/59 cơ sở tôn giáo đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (81%), 11 cơ sở đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục, là cơ sở cho việc triển khai thực hiện các dự án bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích trên địa bàn huyện.

Kết quả, giai đoạn 2020 - 2025, huyện đã và đang triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ 62 dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử với kinh phí dự kiến là 814 tỷ đồng; Trong đó có 48 dự án trong danh mục Nghị quyết 02/NQ-HĐND của HĐND thành phố với kinh phí là 665,5 tỷ đồng; 14 dự án ngoài danh mục Nghị quyết 02 với kinh phí là 148,5 tỷ đồng.

Những “địa chỉ đỏ” bừng sáng nhờ chuyển đổi số

Năm 2023 cũng chứng kiến sự chuyển mình của các di tích, thắng cảnh ở Hà Nội. Điều này được thể hiện rõ thông qua các hoạt động, sự kiện, sản phẩm du lịch đầy sáng tạo gắn liền với các di tích. Điển hình như, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã ra mắt tour đêm “Tinh hoa đạo học”. Khi tham gia tour này, du khách được trải nghiệm di tích về đêm, tìm hiểu về đạo học Việt Nam thông qua các hoạt động ứng dụng công nghệ 3D mapping độc đáo.

Bên cạnh đó, di tích này cũng đã triển khai áp dụng vé điện tử, khách tham quan chỉ cần mua một vé, quét mã QR cho cả đoàn đi vào, thay vì mua cho mỗi người một vé giấy như phương thức truyền thống. Cách làm này đã đã hỗ trợ tích cực cho mô hình quản lý vận hành của di tích, nâng cao trải nghiệm cho khách tham quan.

Tại đình Chèm, ngôi đình cổ có tuổi đời ngàn năm tại quận Bắc Từ Liêm giờ đây được nhiều người biết đến hơn không chỉ qua tour du lịch đình Chèm - đình Đông Ngạc - làng cổ Đông Ngạc mà còn nhờ vào sự tích cực quảng bá của các đoàn viên, thanh niên trên địa bàn.

Bà Lê Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết, quận đã triển khai xây dựng công trình “Ứng dụng công nghệ chuyển đổi số tuyên truyền, quảng bá các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử - văn hóa”. Ứng dụng này có thể cung cấp thông tin, hình ảnh, tài liệu về di tích, địa danh lịch sử của quận Bắc Từ Liêm đến du khách trong và ngoài Thủ đô một cách nhanh chóng, sinh động, hiệu quả. Công tác số hóa di tích đình Chèm đã được đoàn thanh niên quận tích cực triển khai tổng hợp, biên tập và xây dựng thành ấn phẩm tuyên truyền bao gồm infographic và video clip được số hóa trong các mã QR.

Bước tiến mới trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa
Khách tham quan di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Bên cạnh các di tích như Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò, dịp cuối năm vừa qua, đình Chèm cũng trở nên ấn tượng và điểm du lịch hấp dẫn khi quận Bắc Từ Liêm đã phối hợp với báo Tuổi trẻ Thủ đô tổ chức chương trình “Linh thiêng đình Chèm”. Việc gắn nghệ thuật biểu diễn với đình Chèm đã thực sự góp phần tôn vinh giá trị văn hóa và lịch sử đặc sắc của ngôi đình cổ kính này.

Kể câu chuyện văn hóa - “chìa khóa” khơi thông nguồn lực di sản

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, tính đến nay, thành phố Hà Nội có 5.922 di tích các loại. Đây là tiềm năng lớn để Hà Nội khai thác và phát huy nguồn lực du lịch văn hóa. Trong công tác tu bổ di tích giai đoạn 2022 - 2025, Hà Nội có tổng số 579 dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích với kinh phí trên 14.000 tỷ đồng. Đến nay, việc triển khai đã đạt được kết quả bước đầu, với dự án do thành phố đầu tư có14/49 dự án đã phê duyệt chủ trương, 9 dự án đã thẩm định dự án, 6 dự án đã phê duyệt dự án, 2 dự án đang thi công, 4 dự án đã hoàn thành. Với dự án do thành phố hỗ trợ đầu tư, đã có hơn 166 dự án đã được thẩm định, 150 dự án đã được phê duyệt và 100 dự án đang thi công tu bổ, tôn tạo.

Đáng chú ý, ở lĩnh vực di sản công nghiệp, có thể thấy rõ bước chuyển mình rõ rệt khi trong Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 vừa qua, những nhà máy cũ như Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, cầu Long Biên, tháp nước Hàng Đậu… đã được thổi hồn và trở nên cuốn hút du khách. Hơn 250.000 khách tham quan đã ghé thăm các địa điểm này vào dịp lễ hội diễn ra là minh chứng cho sức hấp dẫn của các di sản. Đồng thời, điều đó cũng cho thấy, cách kết nối các điểm đến trong hành trình khám phá, cách kể chuyện một cách đầy sáng tạo chính là “chìa khóa” để phát huy giá trị các di sản.

Bước tiến mới trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa
Tour đêm “Tinh hoa đạo học” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Đây cũng chính là khẳng của Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khi nhắc đến cách làm hiệu quả của một số quận, huyện trên địa bàn trong việc ứng xử với di tích, di sản.

“Di sản văn hóa chính là nguồn tài nguyên của chúng ta. Hãy biến văn hóa thành sức mạnh mềm bằng cách kể chuyện một cách sinh động và hấp dẫn, từ đó truyền tải tới du khách, bạn bè quốc tế những tinh hoa đặc sắc của người Hà thành. Làm được điều đó nghĩa là chúng ta triển khai hiệu quả Chương trình 06/Ctr-TU, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô”, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Thái Sơn
Phiên bản di động