Bừng sáng Sơn Tây
Thị xã Sơn Tây trang trọng tổ chức kỷ niệm 200 năm thành cổ |
Thành cổ mở hội
Tồn tại từ lâu và giữ vai trò quan trọng trấn thủ phía Tây kinh thành Thăng Long, Sơn Tây là vùng đất sở hữu trầm tích văn hóa, lịch sử giàu có, đa dạng, độc đáo. Tuy nhiên, những cuộc biến thiên đã khiến Sơn Tây trong suốt nhiều năm chưa thể phát huy tối đa các lợi thế để vươn mình trở thành đô thị năng động, trù phú.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội tặng hoa chúc mừng thị xã Sơn Tây nhân dịp kỷ niệm 200 năm thành cổ |
May mắn là trong dòng chảy chìm nổi của nền kinh tế thị trường, thị xã Sơn Tây dường như đã tìm được lối đi riêng, đúng đắn, phù hợp và đầy hứa hẹn. Theo đó, thị xã Sơn Tây theo hướng đảm bảo phát triển là đô thị văn hóa, lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng; Phát triển hài hòa giữa cải tạo và phát triển mới.
Tới với thị xã Sơn Tây thời gian gần đây, đặc biệt các dịp cuối tuần, bầu không khí lễ hội dường như tràn trề trên các con phố. Xung quanh thành cổ 200 năm tuổi với những phiến đá ong nâu xám màu thời gian lại là các tuyến phố đi bộ lúc nào cũng nhộn nhịp các hoạt động vui chơi, giải trí, hát ca (khai trương từ ngày 30/4/2022).
Thành cổ Sơn Tây là điểm nhấn quan trọng về văn hóa, du lịch, quân sự phía Tây Thủ đô |
Tiếp theo sự kiện khai trường tuyến phố đi bộ xung quanh thành cổ, thị xã Sơn Tây tiếp tục gây chú ý khi giới thiệu với Nhân dân và du khách hàng loạt chương trình được tổ chức công phu, hoành tráng, đầy sắc màu như; Đêm nhạc của ca sĩ Tuấn Hưng, “Trung thu thành cổ” với sự xuất hiện của danh hài Xuân Bắc, Lễ kỷ niệm 200 năm thành cổ Sơn Tây đón chào ca sĩ Mỹ Linh… Ngoài ra, tại đây đã có trên 180 buổi biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao tại 6 điểm sân khấu chính và các khu vực sân khấu xung quanh được tổ chức đa dạng theo từng chủ đề, phù hợp với nhiều đối tượng từ thanh thiếu nhi cho đến người cao tuổi
Hiệu quả từ những hoạt động trên rất rõ nét, dễ đong đếm. Tuyến phố đi bộ Sơn Tây thu hút trên 20 vạn lượt du khách (trung bình mỗi tối thu hút khoảng trên 1 vạn lượt khách. Cá biệt có những buổi tối tăng mạnh lên 2,5 - 3 vạn lượt khách). Một lần nữa, thị xã Sơn Tây lại trở thành điểm hẹn đối với người dân các huyện lân cận, và các tỉnh bạn xa xôi.
Đối với sự phát triển về văn hoá, du lịch của Sơn Tây trong thời gian gần đây, chuyên gia nghiên cứu văn hóa, PGS.TS Phạm Văn Dương nhận định: “Sơn Tây cũng cần nâng cao hình ảnh và bản sắc của không gian đô thị Sơn Tây như vùng lõi, điểm hội tụ, trung tâm của văn hóa xứ Đoài, trong đó dựa vào công tác bảo tồn các giá trị cốt lõi của văn hóa xứ Đoài và các làng nghề truyền thống cùng với quy hoạch phát triển đô thị hiện đại trên nền tảng giá trị truyền thống”.
Tham vọng của Sơn Tây
Thị xã Sơn Tây là vùng đất gắn liền với những di tích lịch sử, danh thắng nổi tiếng như: Làng cổ Đường Lâm, Thành cổ Sơn Tây, Chùa Mía, Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam... Bên cạnh đó, Sơn Tây còn là vùng đất của huyền thoại. Những câu chuyện bên dòng sông Tích, truyền thuyết về vị vua đánh hổ Ngô Quyền, ngôi đền Và ghi dấu Đức thánh Tản Viên… đều là những “vốn liếng” giúp Sơn Tây đặt nền móng cho phát triển du lịch văn hoá, tâm linh.
Các hoạt động văn hóa tại phố đi bộ xung quanh thành cổ Sơn Tây tạo sức hút lớn với du khách |
Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng nhận định, du lịch luôn là một trong những lĩnh vực mũi nhọn để phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Vì thế, địa phương từ lâu đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch Sơn Tây theo hướng đẩy mạnh thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích gắn với phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn. Thị xã cũng tích cực tuyên truyền, phổ biến, vận động doanh nghiệp, hộ gia đình và người dân tham gia xây dựng môi trường du lịch văn minh, lịch sự, thân thiện.
Làng cổ Đường Lâm là mô hình thành công với Sơn Tây khi du khách trong và ngoài nước đều biết tiếng. Tuy nhiên, như vậy dường như chưa xứng đáng với tiềm năng của làng cổ Đường Lâm. Thời gian tới, Sơn Tây phấn đấu đưa làng cổ Đường Lâm trở thành điểm đến đạt tiêu chuẩn cấp quốc gia; Kết nối với các di tích tiêu biểu như đền Và, Văn Miếu, Thành cổ Sơn Tây; Tiếp tục hình thành điểm đến du lịch hấp dẫn mới, các di tích, địa danh, như chùa Khai Nguyên, đền Măng Sơn, hồ Đồng Mô, Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam.
Đồng thời, thị xã Sơn Tây xác định, bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch là nhiệm vụ quan trọng, không chỉ phát triển kinh tế mà còn tạo ra các sản phẩm du lịch mới, độc đáo cho địa phương; Bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống.
Trong cuộc tiếp xúc với báo chí trước Lễ kỷ niệm 200 năm thành cổ Sơn Tây, ông Trần Anh Tuấn (Bí thư Thị ủy Sơn Tây) đã chia sẻ tâm huyết: “Do đặc thù về kinh tế, chính trị, quân sự, thị xã vướng khá nhiều rào cản. Trong cái khó, ló cái khôn, Sơn Tây xác định lấy văn hóa làm tài nguyên, nền tảng để phát triển. Sơn Tây phấn đấu trở thành cực tăng trưởng, kết nối vùng phía Tây Bắc Thủ đô để xứng đáng với tiềm năng, lịch sử và vị thế vốn có của vùng đất này”.
“Năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài 2022 thể hiện lòng thành kính, sự tri ân sâu sắc tới các bậc tiền nhân đã có công xây dựng đất nước trong hành trình phát triển trường tồn của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là dịp để thị xã tôn vinh những giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất Sơn Tây - xứ Đoài, quảng bá các sản phẩm, điểm đến du lịch đặc sắc, thúc đẩy xúc tiến đầu tư, phát triển kinh tế du lịch, thương mại, dịch vụ, kinh tế đô thị”, ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Quy hoạch chung thị xã Sơn Tây (lồng ghép đô thị vệ tinh Sơn Tây) đến năm 2030 đã được Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt có diện tích 12.000ha. Theo đó, khu vực phát triển đô thị, phát triển đô thị mới, trung tâm thương mại, văn hóa thể dục thể thao, gắn phát triển với cải tạo chỉnh trang khu vực đô thị hiện hữu, có hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, khai thác hiệu quả đầu mối giao thông công cộng đường sắt đô thị. Ngoài ra, thị xã phát triển mới các không gian công cộng, quảng trường, không gian mở, thương mại dịch vụ, ưu tiên phát triển du lịch, lễ hội truyền thống gắn với bảo tồn phát huy giá trị không gian khu vực đền Và. Quy hoạch cũng khuyến khích phát triển hỗn hợp, phát triển các khu đô thị và nhà ở theo hướng xanh, hiện đại, thông minh. |