Bộ Trưởng Bộ Xây dựng: Chậm di dời trụ sở ra khỏi nội đô là trách nhiệm của nhiều bộ, ngành

Chưa cơ sở giáo dục nào di dời vì chưa đủ cơ sở hạ tầng phù hợp. Một số cơ sở di dời không trả lại đất, đi ngược lại mục tiêu ban đầu…
Đà Nẵng: “Tối hậu thư” cho công trình chậm di dời suốt gần 5 năm

Chiều 4/6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà lần đầu tiên ngồi "ghế nóng" trả lời chất vấn Quốc hội.

Đề cập đến nhiệm vụ di dời trụ sở cơ quan, bệnh viện, cơ sở giáo dục để giảm áp lực cho nội đô Hà Nội, đại biểu Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên) cho rằng, Luật Thủ đô đi vào cuộc sống đã 8 năm, nhưng nội dung quan trọng này trong Luật đã không đi vào cuộc sống. Chưa cơ sở giáo dục nào di dời vì chưa đủ cơ sở hạ tầng phù hợp, một số cơ sở di dời không trả lại đất, đi ngược lại mục tiêu ban đầu…

bo truong bo xay dung cham di doi tru so ra khoi noi do la trach nhiem cua nhieu bo nganh
Đại biểu Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên)

Thừa nhận tiến độ thực hiện chủ trương trên là rất chậm, song Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng ở đây có trách nhiệm của rất nhiều bộ ngành liên quan. Cơ chế tài chính, nguồn lực cho di dời, việc bố trí quỹ đất để di dời và cơ chế sử dụng quỹ đất trong nội đô sau di dời cũng chưa đầy đủ… Thậm chí có Bộ, ngành còn chưa hoàn thành danh mục, tiêu chí cơ sở di dời.

Điều hành phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tóm tắt vấn đề: “Việc này thực hiện rất chậm, có trách nhiệm của các Bộ ngành và cả Bộ Xây dựng nữa, đề nghị sau cuộc chất vấn này, Bộ trưởng phải ngồi lại với các bộ, ngành để làm rõ chậm ở chỗ nào, khắc phục như thế nào”.

Đại biểu Nguyễn Thị Phương Mai (đoàn Gia Lai) đặt câu hỏi về việc xử lý những toà nhà chung cư cũ gây nguy hiểm.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đưa ra một số các giải pháp, trong đó phải sửa đổi bổ sung thể chế. Ông Hà nhấn mạnh cần có quy định cụ thể và linh hoạt hơn để tăng chiều cao, dân số các dự án cải tạo chung cư cũ sao cho phù hợp.

“Một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay là đang không bảo đảm được sự hài hoà lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Doanh nghiệp bị hạn chế theo quy hoạch về chiều cao và diện tích dự án, không đảm bảo mục tiêu về lợi ích nên không tham gia”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, sẽ phối hợp với Hà Nội và TP, Hồ Chí Minh để xây dựng một số chính sách đặc thù, như cải tạo thêm các khu vực xung quanh để tạo thành mô hình đô thị mới, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng đề nghị các địa phương phối hợp, đưa ra những đề xuất đặc thù với từng địa bàn.

Lam Dương
Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động