Bộ trưởng Bộ Tài chính: Coi việc của doanh nghiệp như việc của mình

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, mọi chính sách đều hướng tới người dân và doanh nghiệp...
Mong chờ giải pháp hiệu quả hơn nữa để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp Các doanh nghiệp còn khó khăn về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính

Nỗ lực vì người dân, doanh nghiệp

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thời gian qua, Chính phủ rất nỗ lực trong việc hỗ trợ nền kinh tế thông qua việc thực hiện một loạt các chính sách tài khóa và tiền tệ một cách hợp lý, hiệu quả.

Trong nhiệm kỳ 5 năm 2021 - 2025, chương trình hồi phục và phát triển kinh tế mà Chính phủ đã ban hành hồi đầu năm ngoái chính là điểm nhấn quan trọng; trong đó các gói hỗ trợ về tài khóa đóng vai trò then chốt.

Theo đó, Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, giãn nhiều loại thuế, phí và các khoản thu ngân sách.

Về tổng thể, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế trong những năm qua ở mức lớn chưa từng có, chiếm khoảng 8,3% GDP, cao hơn rất nhiều so với các nước có cùng quy mô kinh tế.

Năm 2023, với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt khó để phục hồi và phát triển kinh tế, Bộ Tài chính tiếp tục trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách hỗ trợ với quy mô khoảng 196.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính: Coi việc của doanh nghiệp như việc của mình
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch, ước tính gói hỗ trợ lên tới 347.000 tỷ đồng.

Như vậy, trong 4 năm qua (2020 - 2023), gói hỗ trợ về tài khóa lên tới khoảng 700 nghìn tỷ đồng, giúp doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế sớm phục hồi và tăng trưởng.

Đáng lưu ý, khi chính sách được ban hành, Bộ Tài chính vẫn liên tục rà soát, đánh giá và trong trường hợp khi “cuộc sống cần”, người dân và doanh nghiệp, nền kinh tế vẫn còn đối mặt với khó khăn, thì cơ quan này sẽ kịp thời đề xuất để nối dài các chính sách, trên cơ sở cân nhắc tính toán thận trọng, đảm bảo các nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước đã đề ra.

Mới đây, khi nhận thấy tình hình trong nước khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, Bộ Tài chính đã đề xuất các giải pháp về chính sách tài chính để thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước.

Hoàn cảnh đặc biệt cần các chính sách đặc biệt

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, trong hoàn cảnh nào, Bộ Tài chính vẫn kiên định mục tiêu, nỗ lực hoàn thiện thể chế để giúp doanh nghiệp cất cánh.

Nhằm thực hiện lời hứa luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân, Bộ Tài chính liên tục rà soát các chính sách pháp luật, rà soát cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, không tạo ra “giấy phép con” làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân.

Bộ trưởng Bộ Tài chính: Coi việc của doanh nghiệp như việc của mình
Trong 4 năm qua (2020 - 2023), gói hỗ trợ về tài khóa lên tới khoảng 700 nghìn tỷ đồng, giúp doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế sớm phục hồi và tăng trưởng.

Mục tiêu của ngành Tài chính là đảm bảo chính sách tài chính luôn đi trước một bước, góp phần khai thông và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bám sát yêu cầu của thực tiễn, Bộ Tài chính đã kịp thời đề xuất ban hành các văn bản pháp luật tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kiểm soát áp lực tăng giá cả, lạm phát, góp phần hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, thời gian qua, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, có rất nhiều chính sách pháp luật cần phải sửa đổi, hoặc ban hành theo kịp thực tiễn, “trong hoàn cảnh đặc biệt cần các chính sách đặc biệt”, Bộ Tài chính đã phải cấp bách soạn thảo các chính sách đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Theo Bộ trưởng, mọi chính sách của Bộ Tài chính đều hướng tới người dân và doanh nghiệp. Đơn cử như các năm 2020 - 2023, bộ này đã chủ động đề xuất, trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp trong lĩnh vực tài chính và giải quyết khó khăn cho các đối tượng này.

Thời gian tới, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, việc hoàn thiện thể chế tài chính sẽ tiếp tục gắn với cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; coi trọng việc tập trung tháo gỡ về thể chế, “coi việc của doanh nghiệp như việc của mình”.

Hậu Lộc
Phiên bản di động