Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng về việc đánh thuế của Mỹ
Mỹ áp thuế tới 46%: Đại diện Bộ Tài chính nói gì? Ngành nào chịu tổn thương nhất sau cú sốc thuế quan của Mỹ? Mỹ áp thuế tới 46%: Chính phủ lập tổ phản ứng nhanh |
Ngày 4/4, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Mỹ công bố quyết định áp mức thuế đối ứng lên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ, Việt Nam lấy làm tiếc trước việc Mỹ công bố quyết định áp mức thuế đối ứng lên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.
"Chúng tôi cho rằng quyết định trên chưa phù hợp với thực tế hợp tác kinh tế - thương mại cùng có lợi giữa hai nước, không phản ánh đúng tinh thần quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, tác động tiêu cực đến quan hệ kinh tế - thương mại song phương và lợi ích của người dân, doanh nghiệp hai nước nếu được áp dụng", bà Hằng cho biết.
Theo bà Hằng, thời gian qua, Việt Nam đã tích cực trao đổi, thảo luận các biện pháp cụ thể với Mỹ nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại song phương, hướng đến thương mại công bằng, bền vững và hài hòa lợi ích của cả hai bên.
Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp và trao đổi với phía Mỹ trên tinh thần xây dựng và hợp tác để tìm ra các giải pháp thiết thực, góp phần đưa quan hệ kinh tế song phương phát triển ổn định, bền vững, đáp ứng lợi ích của người dân và doanh nghiệp hai nước.
Trước đó, sáng 3/4 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố áp thuế nhập khẩu lên tất cả các đối tác thương mại của Mỹ trên toàn thế giới. Trong đó, Việt Nam chịu mức thuế đối ứng 46%, thuộc hàng cao nhất trong số hàng chục nền kinh tế bị áp thuế đối ứng, dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày 9/4.
![]() |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng. |
Ngay sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành đánh giá tình hình, thảo luận về các giải pháp trước mắt và lâu dài sau khi phía Mỹ vừa công bố áp thuế đối ứng với hàng hóa đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình hình hiện nay cho thấy cạnh tranh thương mại diễn ra gay gắt hơn, phức tạp hơn, khó đoán định hơn.
Thời gian qua, Việt Nam đã rất nỗ lực triển khai các giải pháp đồng bộ, tổng thể về chính trị, ngoại giao, kinh tế, giao lưu nhân dân để ứng phó với tình hình.
Theo Thủ tướng, việc Mỹ áp thuế là chưa phù hợp với quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, mong muốn của người dân hai bên và những nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua.
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành bình tĩnh, bản lĩnh, có đối sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với mọi diễn biến để tiếp tục vượt qua những khó khăn, vướng mắc và cú sốc từ bên ngoài như đã làm những năm qua trong bối cảnh đại dịch, xung đột ở nhiều nơi trên thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng…
Cùng với việc chỉ đạo một số biện pháp tổng thể, hài hòa, hợp lý, hiệu quả, vừa trước mắt, vừa lâu dài, Thủ tướng yêu cầu thành lập ngay tổ phản ứng nhanh về vấn đề này do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đứng đầu.
Thủ tướng cũng giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì, chỉ đạo các bộ, ngành tổ chức lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu lớn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây cũng là cơ hội khẳng định bản lĩnh, sức mạnh của dân tộc; cơ hội cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh nhưng bền vững, xanh hóa, số hóa, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Đồng thời thúc đẩy xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; thúc đẩy mở rộng thị trường, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; thúc đẩy nội địa hóa; thúc đẩy khai thác thị trường, tài nguyên trong nước.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên là không thay đổi.
Nhận định về việc Mỹ đánh thuế, GS. Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore cho rằng, quyết định của Mỹ là một phần trong chiến lược điều chỉnh thương mại tổng thể của nước này nhằm đảm bảo sự cân bằng và công bằng trong quan hệ thương mại song phương. Các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, trong đó có Việt Nam, sẽ cần điều chỉnh chính sách để giảm mức thặng dư này theo lộ trình hợp lý.
Theo ông Khương, chúng ta hiện đang đối diện với 2 thách thức chính. Thứ nhất, Việt Nam chưa có hiệp định thương mại tự do song phương với Mỹ, trong khi lại hưởng mức thuế ưu đãi với nhiều đối tác khác như Trung Quốc, Hàn Quốc và ASEAN.
Điều này có thể khiến Mỹ nhìn nhận quan hệ thương mại với Việt Nam là chưa thực sự cân bằng. Vì vậy, chúng ta cần chủ động thể hiện thiện chí, cải thiện điều kiện tiếp cận thị trường Hoa Kỳ một cách toàn diện.
Thứ hai, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ hiện ở mức rất cao, với kim ngạch xuất khẩu vượt 100 tỷ USD, trong khi nhập khẩu từ Mỹ còn khá khiêm tốn. Để tạo sự cân bằng, Việt Nam cần đẩy mạnh nhập khẩu từ Mỹ, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao và nông sản, nhằm tạo ra lợi ích song phương và củng cố niềm tin từ đối tác.
"Dù thách thức đặt ra lớn nhưng đây cũng là cơ hội để Việt Nam cải cách một cách căn bản, nâng cao năng lực hội nhập. Việc Thủ tướng thành lập tổ phản ứng nhanh về vấn đề này là một tín hiệu tích cực, kịp thời, giúp tập hợp các chuyên gia, nhà đầu tư và các công ty luật để cùng đưa ra giải pháp", ông Khương nói.
Cũng theo GS. Vũ Minh Khương, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội đàm phán vì mức thuế này còn là một công cụ thúc đẩy đối thoại thương mại. Chúng ta đã và cần tiếp tục thể hiện thiện chí hợp tác bằng cách thành lập nhóm chuyên trách đàm phán và nghiên cứu kỹ lưỡng các cơ sở pháp lý, kinh tế để đưa ra những đề xuất hợp lý.
Theo ông Khương, chúng ta cần cải cách có tính cấu trúc, nghĩa là thực sự mở cửa và tạo điều kiện rõ ràng để Mỹ thấy được thiện chí của Việt Nam. Giải pháp quan trọng là gặp gỡ và đối thoại ngay với các đối tác Mỹ. Cần chủ động làm việc với các cơ quan hữu quan, đại diện thương mại của Mỹ để hiểu rõ họ mong muốn gì và xác định phương án điều chỉnh phù hợp.
Bên cạnh đó, cần xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, cởi mở. Đây là điểm mà Việt Nam cần thay đổi mạnh mẽ, giúp các doanh nghiệp Mỹ có niềm tin đầu tư lâu dài.
Đồng thời chúng ta cũng cần coi Mỹ như một đối tác thương mại đặc biệt. Dù chưa có hiệp định thương mại tự do nhưng Việt Nam có thể chủ động áp dụng các chính sách ưu đãi tương tự để thể hiện sự trân trọng đối với thị trường này.
Cùng với đó là tận dụng mạng lưới bạn bè và đối tác của Mỹ. Các công ty luật, hiệp hội doanh nghiệp và các nhà đầu tư lớn có thể đóng vai trò cầu nối quan trọng trong quá trình đàm phán. Ngoài ra, các kênh đối thoại quan trọng cần được tận dụng. Chúng ta có thể thông qua Đại sứ quán hai nước để nhanh chóng truyền tải thiện chí hợp tác và đề xuất giải pháp.